Trung Quốc điều tàu chiến tới Mỹ để làm gì?

12:46 | 03/09/2015

5,455 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự kiện 5 tàu chiến Trung Quốc xuất hiện ngoài khơi bang Alaska của Mỹ đang gây xôn xao dư luận quốc tế. Hành động này của TQ cho thấy điều gì?
trung-quoc-dieu-tau-chien-toi-my-de-lam-gi
Các tàu chiến Trung Quốc trong một lần hoạt động tại Thái Bình Dương

Bộ Quốc phòng Mỹ hôm qua cho biết 3 tàu chiến Trung Quốc, cùng với một tàu hậu cần và một tàu đổ bộ, đã xuất hiện tại vùng biển Bering, bang Alaska.

Sở dĩ Lầu Năm Góc biết được điều này là vì họ đang theo dõi chặt số tàu này trên đường di chuyển về phía ​quần đảo Aleutian, nơi chia cắt các vùng lãnh thổ do Mỹ và Nga kiểm soát.

Phát biểu với báo giới, giới chức Lầu Năm Góc nói thêm nhóm tàu Hải quân Trung Quốc vẫn đang hiện diện tại khu vực này nhưng từ chối cho biết chúng xuất hiện cách bờ biển Alaska bao xa, và có vi phạm vùng chủ quyền của Mỹ hay không.

Quân đội Trung Quốc chưa bình luận gì về thông tin nói trên.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest hôm qua cho biết chưa phát hiện thấy hoạt động có nguy cơ đe dọa nào từ các tàu này. Ông cũng nói thêm Lầu Năm Góc hiện vẫn tiếp tục theo dõi sát sao động thái của các tàu hải quân Trung Quốc "nhưng ý đồ của việc này vẫn chưa rõ ràng”.

Điều đáng nói là vị trí nơi các tàu này được nhìn thấy cách không xa nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đang viếng thăm trong một phần chuyến công du ba ngày tại Alaska để kêu gọi nâng cao nhận thức về tác động của tình trạng thay đổi khí hậu đối với bang này.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bill Urbano xác nhận với báo chí hôm 2/9 rằng đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy tàu chiến của TQ trên Biển Bering.

Peter Dutton, Giám đốc Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc, gọi đây là một bước tiến lớn trong hoạt động của tàu chiến Trung Quốc.

Tuy nhiên ông nói với BBC: "Đây không phải là điều ngạc nhiên, vì nước này đang liên tục tìm cách mở rộng sự hiện diện ở vùng Á-Âu".

"Họ đã có nhiều cuộc tập trận chung với Nga trên vùng Địa Trung Hải và trên Biển Nhật Bản ... Họ có lợi ích ở vùng biển phía bắc và vì vậy, việc nhìn thấy các tàu chiến của nước này ngoài khơi bang Alaska là bước cách mạng tiếp theo theo hướng này".

Patrick Cronin, từ Trung tâm Nghiên cứu Nền An ninh Mới của Mỹ, cũng đồng ý với nhận định trên và cho rằng "đây là một phần của lập trường trong 6 năm qua, trong lúc Trung Quốc đang trở nên cứng rắn hơn trên biển".

Theo BBC, Trung Quốc muốn thay đổi luật biển quốc tế theo hướng có lợi hơn cho nước này, đặc biệt là ở Biển Đông, nơi nhiều nước đang có tranh chấp chủ quyền. Trung Quốc đã tăng chi tiêu quốc phòng trong năm nay trong nỗ lực nhằm hiện đại hóa quân đội, bao gồm việc chế tạo máy bay tàng hình và tên lửa chống vệ tinh, động thái đang gây lo ngại cho Mỹ và các đồng mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mới đây hôm 25/8, tạp chí China Aviation đã miêu tả một dự án chế tạo động cơ phản lực cho một máy bay chưa đặt tên của Trung Quốc.

China Aviation viết: “Mô tả chi tiết của động cơ này cho thấy một cái gì đó tương tự như động cơ Pratt & Whitney J58 được sử dụng bởi các máy bay do thám SR-71 Blackbird”.

“Một nguồn tin thân cận của Không quân Trung Quốc được trích dẫn bởi New Outlook nói rằng đây là một phần của dự án phát triển máy bay siêu nhanh có người lái, hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị tại một viện nghiên cứu trong nước. Chiếc máy bay dự kiến sẽ có tốc độ nhanh hơn so với chiếc Blackbird, mặc dù dự án vẫn chưa chính thức ra mắt”- trang tin The National Interest viết.

Nguồn tin cũng cho biết, chiếc máy bay còn đang nằm trong dự án có thể bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Hiện nay, chỉ có Mỹ và Nga đã phát triển thành công máy bay với tốc độ nhanh gấp 3 lần tốc độ âm thanh là SR-71 và MiG-25.

Không quân Mỹ và CIA sử dụng SR-71 và các máy bay trinh sát Lockheed A-12 cho nhiệm vụ do thám trên toàn thế giới.

MiG-25 vẫn là máy bay đánh chặn nhanh nhất của Nga.

Việc sản xuất động cơ phản lực trong nước sẽ là một lợi ích lớn đối với Trung Quốc vì nước này đang phụ thuộc vào Nga.

Khả năng phát triển động cơ cho một chiếc máy bay tương tự SR-71 sẽ là một bước tiến lớn cho các nhà sản xuất động cơ của Trung Quốc.

Th.Long

Năng lượng Mới (Theo AP, BBC, AFP)