THẾ GIỚI 24H: Nhật nghênh chiến Trung Quốc trên không

07:00 | 29/11/2015

3,343 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhật Bản đã cho các máy bay tiêm kích cất cánh khẩn cấp sau khi 11 chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát các đảo trên Biển Hoa Đông, mà Bắc Kinh nói là diễn tập.
tin nhap 20151129002926
Máy bay tiêm kích Nhật Bản

Đội hình máy bay Trung Quốc gồm 8 oanh tạc cơ, 2 máy bay thu thập thông tin tình báo và một máy bay trinh sát cảnh báo sớm. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, toán máy bay quân sự Trung Quốc đã bay gần đảo Miyako và Okinawa nhưng chưa xâm phạm không phận Nhật Bản.

Mặc dù các giới chức quốc phòng Nhật chưa có nhận định gì thêm, nhưng báo Yomiuri Shimbun nói là Trung Quốc có động thái bất thường, khi triển khai một cơ số máy bay nhiều như vậy cận kề vùng trời Nhật Bản. Tờ báo cho biết Bộ Quốc phòng Nhật đang tìm hiểu mục đích thực sự của Bắc Kinh trong vụ diễn tập này.

Phát ngôn viên không quân Trung Quốc Thân Tiến Khoa tuyên bố nhiều loại máy bay, trong đó có oanh tạc cơ H-6K, hôm qua đã tham gia hoạt động được gọi là “diễn tập” trên bầu trời phía tây Thái Bình Dương. Tân Hoa Xã dẫn lời ông này nói rằng, các cuộc tập trận ngoài khơi giúp cải thiện khả năng chiến đấu tầm xa của máy bay Trung Quốc.

Sự cố này diễn ra tại Biển Hoa Đông trong lúc tình hình vẫn đang nóng lên ở Biển Đông, sau khi Mỹ cho chiến hạm USS Lassen đi vào trong vùng 12 hải lý gần đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp ở Trường Sa. Trung Quốc tự cho là có chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông, nhưng Mỹ luôn bác bỏ các yêu sách đó. Để tìm cách xác quyết chủ quyền, từ một năm qua Trung Quốc đã ồ ạt đào đắp các rạn san hô thành đảo nhân tạo, xây lên hải cảng, phi đạo và nhiều công trình kiên cố.

Trong bối cảnh căng thẳng với các nước láng giềng, Trung Quốc đang chuẩn bị cải tổ quân đội với việc tăng cường sự kiểm soát của đảng, giảm bớt 300.000 quân.

Pháp bất ngờ muốn kết hợp với quân chính phủ Syria

Dành ưu tiên cho việc chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, nay Pháp không loại trừ khả năng kết hợp với quân chính phủ tại đây. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm 27/11 tuyên bố như trên. Tuy nhiên sau đó ông buộc lòng phải nói rõ việc hợp tác này chỉ có thể thực hiện trong khuôn khổ một tiến trình chuyển đổi chính trị, vì có thể bị cho là một sự quay ngoắt lại của Pháp.

Ngoại trưởng Laurent Fabius đã gây ngạc nhiên khi trả lời đài phát thanh RTL. Ông cho biết: “Có hai loạt hoạt động, đó là không kích - điều mà chúng ta đang làm, và lực lượng trên bộ - không thể là quân Pháp mà có thể vừa là Quân đội Syria Tự do (đối lập), lực lượng Arập, lực lượng Kurdistan - tất nhiên, và quân chính phủ - tại sao không”.

Phát biểu trên đây từ Ngoại trưởng Pháp, một nhân vật luôn đả kích kịch liệt ông Bachar Al Assad, khiến mọi người đều bất ngờ.

Đang thăm Matxcơva, Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem lập tức hoan nghênh ý định phối hợp với quân đội Syria, cho là: “Dù muộn còn hơn không”.

Bị cho là thay đổi hẳn lập trường, sau đó ông Fabius phải nói thêm: “Việc kết hợp tất cả các lực lượng tại Syria kể cả quân của chính quyền Damas để chống lại IS đương nhiên là nằm trong mong muốn, nhưng chỉ có thể diễn ra trong khuôn khổ một quá trình chuyển đổi chính trị đáng tin cậy”. Trong một thông cáo, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh: “Đó là mục tiêu mà chúng tôi luôn quyết tâm theo đuổi”.

Các vụ khủng bố đẫm máu tại Paris hôm 13/11 đã khiến Pháp không còn đòi hỏi điều kiện tiên quyết của một giải pháp cho Syria là ông Assad phải ra đi. Tổng thống François Hollande tuyên bố ưu tiên hàng đầu là việc chiến đấu chống IS, “kẻ thù tại Syria”.

Triều Tiên phóng tên lửa thất bại

Hãng tin Yonhap cho biết Triều Tiên đã thất bại trong vụ bắn thử nghiệm một tên lửa đạn đạo từ một chiếc tàu ngầm ở Biển Nhật Bản.

Yonhap trích lời một giới chức Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã bắn tên lửa đó trong khoảng thời gian từ 2:20 đến 2:40 chiều hôm 28/11 giờ địa phương, nhưng vụ phóng không thành công. Viên chức này nói thêm rằng mảnh vỡ của tên lửa được tìm thấy trên mặt biển.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối xác nhận tin này.

Tháng 5/2015, các cơ quan truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết nước họ đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm. Hãng thông tấn Trung ương KCNA nói lãnh đạo Kim Jong Un đã dự khán cuộc thử nghiệm mà họ nói là “thành công đáng ngạc nhiên”.

Triều Tiên đang bị Liên Hiệp Quốc cấm phát triển hoặc sử dụng kỹ thuật tên lửa đạn đạo. Các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm Triều Tiên sử dụng mọi công nghệ liên quan đến đạn đạo. Bình Nhưỡng vốn đang triển khai chương trình quân sự, khẳng định đã hoàn chỉnh được các tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng còn phải mất nhiều năm nữa, Triều Tiên mới có thể phóng được các tên lửa liên lục địa (ICBM).

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151129002926
Kính viễn vọng đường kính 500m đang được xây dựng ở huyện Bình Đường, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Đây sẽ là kính viễn vọng lớn nhất thế giới khi được đưa vào sử dụng vào tháng 9/2016.

G.K

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti