THẾ GIỚI 24H: Mỹ “ép” Thái Lan chống Trung Quốc

07:00 | 24/11/2015

3,061 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hôm qua, Mỹ chính thức lên tiếng “khuyên” Thái Lan nên góp phần vào giải quyết những tranh chấp tại Biển Đông do vị thế trung lập của nước này.
tin nhap 20151123233257
Đại sứ Mỹ Glyn Davies trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon ngày 23/11 tại Bangkok

Ngày 23/11, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwon, Đại sứ Mỹ Glyn Davies đã nói rằng Thái Lan nên góp tiếng nói vào việc kêu gọi Trung Quốc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình do vị thế trung lập, không có liên quan tranh chấp của Thái Lan.

Đề nghị của Mỹ được đưa ra sau khi việc thành lập Cộng đồng ASEAN chính thức được công bố hôm 22/11. Theo Thủ tướng Malaysia Najib Razak, khi đã trở thành Cộng đồng, ASEAN phải làm nhiều hơn nữa, trong đó một trong các yếu tố tiên quyết là phải đảm bảo có được môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Nếu không ASEAN sẽ không thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Và trong hơn một năm trở lại đây, ASEAN đã đoàn kết để có tiếng nói mạnh mẽ hơn trước việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, các đá cũng như các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa và xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực.

Thái Lan với tư cách là một thành viên tích cực của ASEAN rõ ràng phải có trách nhiệm trong việc giải quyết những vấn đề lớn cho cộng đồng này, hiện nay là những tranh chấp giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc.

Thái Lan sẽ làm được gì trong giải quyết tranh chấp biển Đông? Các chuyên gia cho rằng trước mắt Bangkok sẽ tích cực đóng vai trò trung gian, cùng tìm ra hướng giải quyết thích hợp nhất.

Tổng thống Putin thăng Iran làm gì?

Ngày 23/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Tehran trong chuyến thăm Iran lần đầu tiên trong 8 năm qua, dự kiến hội đàm với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà tập trung vào cuộc khủng hoảng tại Syria.

Đây là một chuyến công du chớp nhoáng, nhưng lại có tầm mức hết sức quan trọng. Tổng thống Putin lần lượt hội kiến với đồng nhiệm Rohani và giáo chủ Ali Khamenei, người thực sự nắm quyền tại Iran. Tổng thống Nga và lãnh tụ tối cao Iran gặp nhau lần cuối là vào năm 2007. Khi đó Moskva và Teheran ký kết một thỏa thuận để Moskva cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S300 cho Iran. Nhưng rồi do Liên Hiệp Quốc trừng phạt Iran, Nga đã phải đình chỉ hợp đồng với khách hàng. Teheran đã phản đối quyết định của Moskva khi đó và đưa hồ sơ này ra trước một tòa án trọng tài quốc tế.

Tất cả những khúc mắc đó đang chìm vào quên lãng. Với thỏa thuận về hạt nhân mà Iran đã đạt được với cộng đồng quốc tế vào tháng 7/2015, không có gì gây trở ngại cho việc Nga cung cấp tên lửa S300 cho Iran và như vậy hóa giải được bất hòa giữa đôi bên.

Trên thực tế, Moskva và Teheran chưa bao giờ cắt đứt bang giao nhưng Nga và Iran chỉ thực sự xích lại gần nhau để giải quyết khủng hoảng Syria. Vì những động lực khác nhau, cả hai quốc gia này cùng yểm trợ chính quyền của Tổng thống Bachar al Assad. Đối với Teheran, điều quan trọng là ủng hộ một đồng minh. Còn Moskva thì muốn qua Syria để giành lại một vị trí quan trọng ở Trung Đông.

Cũng trong ngày hôm qua, kênh truyền hình RT đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp các thiết bị làm giàu urani cho Iran.

Argentina có tổng thống mới

Hôm qua, Argentina khép lại thời kỳ 12 năm gia đình Kirchner lãnh đạo đất nước. Theo kết quả gần như toàn bộ, đô trưởng Buenos Aires, Mauricio Macri, 56 tuổi, đắc cử tổng thống với hơn 52% số phiếu. Ứng cử viên của liên minh cánh tả được tổng thống mãn nhiệm Cristina Kirchner đỡ đầu, Daniel Scioli nhìn nhận thất bại.

Theo các nhà quan sát, cử tri Argentina đã dồn phiếu cho ứng cử viên cánh hữu theo trường phái tự do, Mauricio Macri, vì quá chán ngán với 12 năm gia đình Kircher cầm quyền, kinh tế Argentina bị tham nhũng lũng đoạn. Một trong những ưu tiên của ông Macri trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới là vực dậy một nền kinh tế đang bị suy thoái sau một chu kỳ 10 năm tăng trưởng vững vàng.

Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử, ông Macri hứa đem lại một làn gió mới cho nền kinh tế lớn thứ ba tại châu Mỹ La Tinh này. Xuất thân từ một gia đình doanh nhân giàu có và là một người thân cận với giới chủ, tổng thống tân cử Argentina đã từng bước xây dựng sự nghiệp. Từ năm 1995 đến 2003, ông điều hành câu lạc bộ bóng đá mầm non Boca, câu lạc bộ nổi tiếng nhất của Argentina. Nhờ đó tên tuổi ông Macri được biết đến rộng rãi. Câu lạc bộ bóng đá này chính là bàn đạp chính trị đưa ông vào chức vụ đô trưởng Buenos Aires, trước khi ngồi vào chiếc ghế tổng thống.

Thách thức lớn nhất đối với ông Macri là sẽ phải thành lập một liên minh chính phủ vì đảng Tự do của ông không có được đa số ở cả hai viện. Tổng thống tân cử Argentina sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 10/12 tới.

Hình ảnh ấn tượng

tin nhap 20151123233257
Chiếc SUV nặng tới 2.570kg đi qua cây cầu làm từ 54.390 tờ giấy nhưng không hề gặp bất cứ khó khăn nào

G.K

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti