Sau bão, lũ quét tấn công miền Bắc

09:31 | 25/06/2015

852 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, Đông Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to; khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11. Nguy cơ cao xuất hiện lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi Bắc Bộ (bao gồm cả Nam Tây Bắc).

Do ảnh hưởng của bão số 1, nước lũ trên sông Tiên Yên đang lên cao

Sơn La: 3 người chết và mất tích

Ban chỉ huy PCLB &TKCN tỉnh Sơn La cho biết, từ sáng sớm 24/6 tại tỉnh Sơn La đã xảy ra mưa to đến rất to khiến mực nước suối dâng cao, gây ra lũ quét làm hư hỏng nhà dân, gây sạt lở đất đá trên nhiều tuyến đường và diện tích hoa màu, đồng thời đã có 2 người chết  và 1 cháu bé 4 tuổi bị mất tích do lũ quét.  

3 nạn nhân thiệt mạng là cụ Giàng Tao Lánh (100 tuổi, tại bản Pa Kha 1, xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu), chị Lê Thị Hương (25 tuổi tại bản Hốc, xã Mường Khiêng, huyện Thuận Châu) và cháu Hà Văn Kiên (4 tuổi, bản Cang, xã Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu); hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể cháu Kiên.

* Vào 1h ngày 25/6, tại Quốc lộ 6 khu vực Chiềng Bấc, huyện Thuận Châu do mưa lớn đã gây tắc đường. Nước lớn làm ngập một chiếc xe khách.

30 hành khách trong xe phải phá cửa kính để thoát ra ngoài. Hiện giao thông tại khu vực này vẫn đang ách tắc.

Thái Bình: Phố thành sông

Do ảnh hưởng của bão số 1, tại Thái Bình, từ 8h ngày 24/6, đã xuất hiện mưa lớn kéo dài trên diện rộng, khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn TP Thái Bình bị ngập. Cá biệt, có những tuyến phố, mực nước ngập đến 0,4m, gây khó khăn cho các loại phương tiện tham gia giao thông và cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sống trên các tuyến phố bị đảo lộn. 

Tại ngã tư, giao lộ giữa các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng (chân cầu Bo cũ) tình trạng ngập lụt xảy ra khá nghiêm trọng. Mức nước ngập sâu khiến giao thông bị ngưng trệ. Theo nhiều người dân sống tại khu vực này, nước tràn cả vào nhà từ lúc gần 12h và đây là lần ngập lụt nặng nhất trong nhiều năm qua.

Quảng Ninh: 2 ngày nữa đảo Cô Tô mới lưu thông được với đất liền

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh cho hay, trên đảo Cô Tô có khoảng 500 khách lưu trú. Huyện đã thành lập các tổ công tác đi kiểm tra tình hình cụ thể. Tất cả mọi thứ đều ổn định sau bão. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 nên phải 2 ngày nữa Cô Tô mới có thể lưu thông với đất liền.

Khoảng 13h30, ngày 24/6, Đồn Biên phòng Ngọc Vừng (Vân Đồn) đã cứu thành công 10 thuyền viên trên đầu kéo bị trôi dạt trên biển.

Sức khỏe 10 thuyền viên hiện khá ổn định và được chăm sóc tại Đồn Biên phòng Ngọc Vừng.

Hải Phòng: Hàng loạt chuyến bay bị ảnh hưởng do bão

Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trong ngày 24/6, 4 chuyến bay của Vietjet Air đến/ đi sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đã phải chuyển sang cất, hạ cánh tại sân bay Nội Bài. Ngoài ra, 2 chuyến bay khác đã phải hủy vì thời tiết xấu.

Với những hành khách bị ảnh hưởng do đổi chặng, Vietjet Air đã hỗ trợ chi phí di chuyển theo chính sách chung của hãng. Hành khách bị hủy chuyến sẽ được miễn phí hoàn vé hoặc miễn phí bảo lưu vé hay chuyển sang chặng bay khác miễn phí. Tương tự, trong ngày, Vietnam Airlines cũng phải điều chuyển 9 chuyến bay đến/đi sân bay Nội Bài và Cát Bi.

Tại Hải Phòng, đến 12h ngày 24/6, bão số 1 đã bắt đầu gây mưa và gió giật ở khu vực nội  thành Hải Phòng. Theo báo cáo sơ bộ của các ngành, địa phương, bão số 1 đã làm một người bị thương, 2 phương tiện trong âu cảng Bạch Long Vỹ bị đứt neo đâm vào bờ, bị chìm. Đến tối qua 24/6, mưa và gió trên địa bàn tỉnh đã ngớt.

Vào cuối giờ chiều qua 24/6, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai - Văn Phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ uy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình và TP Hà Nội.

Theo ban này, để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa, lũ, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai - Văn Phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ uy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh và thành phố triển khai một số nội dung:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ trên địa bàn, cảnh báo thông tin kịp thời và chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, sạt lở núi, khu vực hầm lò khai thác khoáng sản.

Chủ động phương án đảm bảo an toàn đề điều, hồ đập trên địa bàn.

Tổ chức kiểm soát, hướng dẫn người qua lại tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

N.Linh

(Năng lượng Mới)