"Sân sau" và "sau sân"

07:00 | 18/06/2017

2,547 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 11-4-2017, phát biểu tại Lễ kỷ niệm 10 năm Thành lập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng tôi cũng mong muốn doanh nghiệp Nhà nước nói không với tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chúng ta chống tình trạng sân trước, sân sau”.

Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp muốn duy trì, phát triển được không chỉ cần tập trung đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng… để cạnh tranh mà còn phải nghĩ đến việc làm cách nào để “bôi trơn”, để qua được những “cánh cửa đầy cản trở”. Những doanh nghiệp muốn làm ăn đúng pháp luật quá khổ sở bởi bộ máy ở chỗ này, chỗ khác, cấp này, cấp khác nhiễu nhương, làm việc không tận tình, không trách nhiệm, không công bằng, công khai vụ lợi. Đó chính là hành vi tham nhũng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong những năm gần đây, thứ tự ưu tiên để có sự làm ăn thuận lợi, phát đạt, hiệu quả, an toàn cao... có sự đảo lộn. Lợi thế “quan hệ” có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt được xếp lên hàng đầu, hơn cả “hậu duệ”, “tiền tệ”. Soi vào thực tế, ở nước ta có rất nhiều những cái “sân sau” to nhỏ, rộng dài khác nhau, thể hiện ở một loạt các vụ án được đưa ra xét xử thời gian qua mà cái tội lớn nhất vẫn là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nhưng ở đó, người ta lại thấy lấp ló những cái “sân sau”. Nói đến “sân sau” thì điều chắc chắn rằng, chỉ có cán bộ lãnh đạo mới có; cán bộ càng to thì có khi “sân sau” càng rộng. Có rất nhiều yếu tố làm nên cái “sân sau”. Chẳng hạn, đó là việc cán bộ “bán” thông tin cho các doanh nghiệp. Đó là thông tin về quy hoạch đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án, chương trình kinh tế - xã hội, vốn ODA...

san sau va sau san

“Sân sau” còn được tạo ra bằng việc cấp đất, cấp phép, phê duyệt xây dựng, cấp phép khai thác tài nguyên thiên nhiên, cho phép các nhà máy hoạt động mà chưa được phê duyệt. Đó là các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, các tuyến đường sẽ được mở ra trong tương lai. Đó cũng là việc đấu thầu xây dựng, cung ứng các máy móc, thiết bị vật tư, nhà xưởng, thiết bị văn phòng, y tế, bệnh viện, nhà trường. Và đó cũng là “cái sân” của sự trả ơn người đã giúp mình thăng quan, tiến chức, tạo điều kiện để được “gần gũi” doanh nghiệp v.v…

Trên các diễn đàn, người ta phê phán biểu hiện phục hồi cơ chế xin - cho. Muốn có được những dự án đó tất yếu phải “chạy” đi “xin” cấp trên; còn cấp trên là ai, ở đâu thì “những người trong cuộc” chưa chắc đã biết hết, bởi vì đó là mối quan hệ chằng chéo, ngang dọc với rất nhiều người quan trọng, nó loằng ngoằng, nhiều tầng, nhiều nấc, anh nào chỉ biết việc của anh ấy. Chẳng thế mà có những cán bộ lãnh đạo địa phương tuyên bố thẳng với các doanh nghiệp rằng, phải hùn tiền để “chạy” dự án về mới có tiền tiêu, có công ăn việc làm, có công trình này nọ chứ ngồi một chỗ tự dưng ai đem đến cho?

Ở không ít nơi, sau khi xin được “chương trình”, “dự án” về rồi thì việc đấu thầu chỉ là hình thức, phần lớn rơi vào những doanh nghiệp “ruột”, là “sân sau” của một số cán bộ lãnh đạo có chức, có quyền, thậm chí có cán bộ lãnh đạo còn dành phần lớn các công trình cho các “doanh nghiệp quê hương mình” với cách đấu thầu theo kiểu “quân xanh, quân đỏ”, thậm chí là chỉ định thầu.

Sau “sân” đó là gì? “Sau sân” là những khoản tiền được gọi là “tự nguyện” của doanh nghiệp đem lại qua nhiều con đường khác nhau. Đó là những căn biệt thự có giá trị tính bằng triệu USD chứ không bằng Việt Nam đồng. Đó là cả hàng trăm, hàng nghìn mét vuông đất ở những vị trí đắc địa, đứng tên vợ, chồng, con cái, người thân. “Sau sân” cũng là những tháng “lương” đều đều, là những cổ phiếu doanh nghiệp trả cho người chủ “sân sau”. Đó cũng là những suất học bổng mời con em của người có “sân sau” đi học ở các nước thuộc diện đắt đỏ nhất nhì thế giới. Đó cũng là những chuyến du lịch nước ngoài , những bữa ăn chơi ở những nhà hàng, khách sạn nổi tiếng với “sơn hào, hải vị”… Quanh “sân” là không ít những lãnh đạo doanh nghiệp “có máu mặt” ngồi chờ đến lượt, sẵn sàng phục vụ, tranh nhau “bao” những bữa ăn như thế, thậm chí họ còn coi là “diễm phúc” được “sếp” hạ cố đến ngồi cùng, để hy vọng “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Với không ít lãnh đạo, cán bộ cấp dưới, người dân muốn gặp hay ra vào được nhà là vô cùng khó khăn, thậm chí phải ngồi chờ hàng giờ ở “sân trước”, nhưng với nhiều lãnh đạo doanh nghiệp họ có thể vào nhà “sếp” bất kể lúc nào qua lối “sân sau”.

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Kiên quyết đấu tranh và có biện pháp phòng ngừa, khắc phục tình trạng cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp Nhà nước móc ngoặc với cán bộ, công chức Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “nhóm lợi ích”, “sân sau” thao túng hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, trục lợi cá nhân, tham nhũng, lãng phí, gây tổn hại cho Nhà nước và doanh nghiệp”. Đó là tuyên chiến của người đứng đầu Đảng ta nhằm xóa bỏ “sân sau” và những gì ở đằng sau “cái sân” ấy.

Vũ Lân