Phụ nữ đừng dại... chết vì chồng

14:00 | 13/09/2015

1,669 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện về hai người phụ nữ đều suy nghĩ tới đổ bệnh rồi chết vì bị chồng phản bội, cờ bạc phá gia chi tử… 

Khi đọc tiểu thuyết “Bị thiêu sống” của Souad tôi bị ám ảnh một thời gian. Không chỉ vì hình ảnh Souad  bị chính người thân thiêu sống vì tội “làm ô danh” gia đình theo luật mà vì nhìn thấy xung quanh mình, trong xã hội mình nhiều phụ nữ cũng chịu bao nhiêu thiệt thòi, khổ vì định kiến xã hội.

Vẫn nhớ lời giới thiệu trong cuốn sách: “Mười bảy tuổi, Souad đã đem lòng yêu một chàng trai tại ngôi làng của cô cũng như nhiều ngôi làng khác, tình dục trước hôn nhân đồng nghĩa với cái chết vì tội "làm ô danh ", gia đình cô đã chỉ định người anh rể thực hiện bản án mà người ta vẫn thường gọi là "tội ác bảo toàn danh dự". Hàng năm trên thế giới có hơn năm nghìn trường hợp như vậy xảy ra, nhưng rất nhiều trong số đó không hề được biết đến”.

Tôi xin kể câu chuyện về hai cái chết của hai người phụ nữ. Họ không bị thiêu sống như Souad vì "tội ác bảo toàn danh dự" mà phụ nữ xứ tôi bị cầm tù chính định kiến và nếp nghĩ trong nền văn hóa chịu ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Nho giáo bảo thủ, mà cuối cùng cái chết như là sự giải thoát.

phu nu dung dai chet vi chong
Phụ nữ đừng dại... chết vì chồng (Ảnh minh họa)

Hôm rồi trong lúc đứng hóng gió trong con hẻm gần nhà và trò chuyện với bác hàng xóm. Bác là người sống lâu nhất trong con hẻm nhỏ Bùi Đình Túy (Bình Thạnh). Bác kể lúc bác về con hẻm này chỉ có ba căn nhà, mùa mưa lội nước bì bõm, nước ngập lênh láng là chuyện thường. Trải qua quá trình đô thị hóa gần 20 năm, con hẻm ọp ẹp ngày nào giờ đã đẹp, đường láng tưng, nhà cửa san sát. Nói rồi bác chỉ một khu văn phòng cho thuê to nhất trên con đường và nói. Ngôi nhà này có một câu chuyện buồn lắm.

Cách đây gần 10 năm, một hôm ngồi trò chuyện với một vị học giả tên tuổi trong ngành văn học nước nhà. Câu chuyện đang nói về vấn đề văn hóa Việt Nam, về cuốn sách đang nổi đình nổi đám của một vị giáo sư. Bất chợt vị học giả kể tôi nghe câu chuyện. Vị giáo sư đó ngày xưa từng qua Liên Xô (cũ) học. Vợ ông làm ở một Đài phát thanh lớn ở Hà Nội. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô (cũ) ông đã quen với một cô nghiên cứu sinh khác. Hai người sống với nhau như vợ chồng và khá nhiều người Việt Nam lúc đó đang học ở Nga biết chuyện đó. Sau hai người về Việt Nam, người vợ vị GS nọ biết chuyện chồng mình ngoại tình khi làm nghiên cứu sinh ở Nga, sốc và đổ bệnh tâm thần. Nghe kể rằng, thỉnh thoảng người ta thấy người vợ đi lang thang, thẫn thờ ở ngoài đường và đến một ngày bà bị xe đâm và đã qua đời. Nhiều người thương cho bà, xinh đẹp, giỏi giang nhưng cũng vì chữ tình, không thoát ra khỏi chữ tình mà chết thảm như vậy. Sau vị GS nọ vẫn cưới cô NCS thời quen ở Nga và sống với nhau.

phu nu dung dai chet vi chong Chuyện khó tin nhưng có thật (số 66): Vợ đã phản bội tôi ngay trước ngày cưới
phu nu dung dai chet vi chong Ám ảnh vì bị vợ phản bội

Ông chủ xây ngôi nhà này nguyên là chủ một xưởng cưa giàu có nhất nhì con đường này. Khi văn phòng cho thuê đang nóng ông đầu tư xây văn phòng cho thuê. Tòa nhà đang xây dựng được 50% thì không hiểu sao bị người ta đến tịch thu hết. Sau mới biết là người ta đến xiết nợ gia đình ông. Rồi sau đó, ông có hai căn nhà trong con hẻm này cũng bị xiết nợ hết. Bà vợ và hai đứa con không biết vì sao lại cơ sự như vậy. Những kẻ xiết nợ cho biết là ông đánh bạc thua và cầm cố hết nhà cửa, đất đai. Quá sốc, người vợ đổ bệnh. Bệnh càng ngày càng nặng. “Cô biết không, cứ chiều chiều cô ấy đi lang thang ra đứng chỗ này nhìn về căn nhà. Người vô hồn lắm. Rồi chỉ một thời gian sau cô ấy bệnh nặng quá mất”. Bà kể tiếp: “Tội nghiệp, hai đứa con phải gửi người họ hàng ở Vũng Tàu nuôi giúp. Hôm đám tang cô vợ, anh chồng đến thắp hương bị người nhà cô rượt đuổi đánh”. Rồi giờ ông ấy thế nào vậy bà? Ổng sống cũng gần đây trong một căn nhà thuê ọp ẹp, còn mấy đứa con ổng nuôi không nổi người nhà bên vợ nuôi.

Bác hàng xóm còn nói thêm: “Cô biết không, cả khu phố này cứ nghĩ là ông ấy bị tụi giang hồ nó lừa đảo. Tụi nó thấy ông giàu quá nên lừa ông đánh bạc. Lúc đầu đánh cũng thắng rồi thua dần thua dần. Qua tận Ma Cau đánh bạc mà. Thua bạc quá ông cầm cố hết nhà cửa, đất đai đến mức vợ buồn bệnh qua đời. Hai đứa con phải gửi người thân nuôi. Tội”.

Nếu theo cách nghĩ ngày nay thì nhiều người sẽ cho rằng hai người phụ nữ trong hai câu chuyện này thật dại. Chồng ngoại tình thì ly hôn mình lo cuộc sống cho con. Sống với con và tìm hạnh phúc mới. Chồng đánh bạc đổ nợ thì ly hôn rồi ráng sống để làm nuôi con và lo cho con chứ dại gì mà bệnh để rồi phải chết và bỏ con cái lại như thế.

Trên thực tế, trong xã hội ngày nay, tôi biết nhiều phụ nữ lựa chọn cách này. Họ gạt nước mắt để xây dựng lại từ đầu dù cũng rất đau lòng. Nhưng họ biết đó là một khúc buồn trong cuộc đời và không nên đoạn tuyệt với cuộc sống. Họ biết mình phải đứng lên và tìm một hạnh phúc mới. Phải vì mình, vì con mình mà sống.

phu nu dung dai chet vi chong
Phụ nữ đừng dại... chết vì chồng (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, cách đây 15-20 năm thì định kiến xã hội nặng nề hơn bây giờ. Đa phần phụ nữ sau khi cưới chồng là mặc định sống vì chồng vì con vì gia đình chồng trước khi nghĩ cho mình. “Vợ có công chồng chẳng phụ”. Không chỉ là phụ nữ ở nông thôn mà cả phụ nữ trí thức ở thành thị cũng đa phần nghĩ về gia đình trước khi lo và nghĩ cho mình. Tất cả niềm tin họ đặt vào gia đình, vào người chồng… Tình yêu và niềm tin ấy mãnh liệt, rất thiêng liêng nên khi niềm tin ấy bị mất, hạnh phúc không còn, bị phản bội… thì người phụ nữ hụt hẫng, chới với, tâm trí đổ bệnh. Họ sống mãi trong vòng khổ đau một phần do hoàn cảnh một phần do bản thân tự dằn vặt. Và khi tâm trí không sáng lên để tìm một con đường mới, mở một cánh cửa mới cho cuộc đời thì bị tâm thần hay chết là một kết quả khó tránh khỏi.

Tôi chợt nhớ đến một câu nói: “Hạnh phúc này khép lại thì ngưỡng cửa hạnh phúc mới mở ra nhưng thường chúng ta nhìn lại hạnh phúc cũ quá lâu để quên đón nhận hạnh phúc mới”. Dường như với phụ nữ sinh ra trong nền văn hóa này thì đa phần là như thế!?

Nguyệt Anh

Năng lượng Mới