Phim tư nhân cần dung hòa giữa nghệ thuật và giải trí

15:38 | 17/04/2017

1,195 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngược với sự phát triển èo uột của dòng phim Nhà nước là sự thăng hoa của dòng phim tư nhân, đặt ra nhiều vấn đề nan giải trong sự phát triển điện ảnh ở nước ta.

Liên quan đến vấn đề trên, PV Báo điện tử PetroTimes đã có cuộc trao đổi với đạo diễn điện ảnh, PGS - TS, Nghệ sĩ ưu tú Trần Duy Hinh - Giảng viên Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.

phim tu nhan can dung hoa giua nghe thuat va giai tri
“Làm phim mà tiêu chí giải trí yếu ắt sẽ khó thành công” - PGS - TS, NSƯT Trần Duy Hinh nhận định (ảnh: Đinh Hương).

PV: Thưa ông, ông nghĩ sao về việc điện ảnh Việt Nam đang dần “tư nhân hóa”?

ĐD Trần Duy Hinh: Bây giờ không nên phân biệt phim Nhà nước hay phim tư nhân. Điện ảnh vốn sinh ra từ tư nhân, bản chất của nó là tư nhân.

PV: Nói về dòng phim Nhà nước, phải chăng đã hết thời huy hoàng, thưa ông?

ĐD Trần Duy Hinh: Nhà nước năm vừa rồi không chi kinh phí để làm phim, vậy thì không có phim nào là đúng. Các hãng chỉ chăm chăm chờ Nhà nước đặt hàng và “rót” tiền. Khi không có tiền sẽ chẳng có bộ phim nào ra đời. Phim tư nhân thì khác, họ tự móc hầu bao chi trả mọi thứ nên tiến độ nhanh và hiệu quả.

Dòng phim Nhà nước được điều khiển bởi một bộ máy to lớn, cồng kềnh nhưng không phát huy được hiệu quả dẫn đến nhiều trì trệ. Trong khi đó, điện ảnh không chỉ đòi hỏi sự phát triển, nó cần hơn thế là sự thăng hoa.

Cơ chế quản lý và sản xuất của dòng phim Nhà nước đã không còn phù hợp trong xã hội hiện tại. Việc duyệt kịch bản, các hãng phim tư nhân làm nhanh hơn, nhưng phim Nhà nước thì khác, phải xem xét và duyệt nhiều vấn đề. Phim tuyên truyền, cổ động lại càng phải biết cách thể hiện. Thể hiện một cách ẩn ý, khôn khéo để cho người xem thưởng thức.

Ý tưởng tuyên truyền được lồng vào các câu chuyện, sao cho người xem từ nội dung hiểu ra thông điệp của bộ phim. Việc đưa những giáo lý cứng nhắc, mang tính chất tuyên truyền sẽ khiến người xem cảm thấy khó chịu và không hứng thú. Tuy nhiên, người tài năng có thể làm được điều đó lại rất hiếm.

Bên cạnh đó, với dòng phim Nhà nước, nghệ sĩ dù được sáng tác tự do, song đó là tự do trong khuôn khổ. Đã vậy, khuôn khổ đó lại quá chật chội. Cần phải cho họ có cơ hội để thể nghiệm và bộc lộ hết khả năng của mình.

phim tu nhan can dung hoa giua nghe thuat va giai tri
Một cảnh trong bộ phim Nhà nước đoạt giải Cánh Diều Bạc 2015 “Cuộc đời của Yến” (ảnh internet)

PV: Theo ông, cần phải làm gì để vực dậy dòng phim Nhà nước?

ĐD Trần Duy Hinh: Nhà nước cần thể hiện vai trò của mình trong việc quản lý vĩ mô, bên cạnh đó có các động thái khuyến khích các cá nhân và tổ chức có năng lực để phát triển hơn nền điện ảnh nước nhà. Vi mô nên để tư nhân tác nghiệp, bởi họ sát sao và gần gũi hơn với người dân, hiểu được nhu cầu thưởng thức của khán giả, từ đó có những chiến lược đúng đắn trong việc tìm đề tài và xây dựng tác phẩm điện ảnh.

Phải xem xét lại toàn bộ nhân lực để biết các thành viên đã làm hết mình chưa? Những người đó thật sự có tài năng, tâm và đạo đức hành nghề không?... Vì dòng phim Nhà nước được bao cấp, nếu làm không tốt, hiệu quả không cao thì ai chịu trách nhiệm, hay chỉ đơn giản là rút kinh nghiệm?!

Việc các hãng phim Nhà nước tiến hành cổ phần hóa là tín hiệu rất tốt. Bởi nếu không thay đổi, vẫn giữ mô hình trì trệ đó thì không thể phát triển được. Nước Mỹ từ năm 1908 đã bắt đầu tiến hành xã hội hóa điện ảnh và nhanh chóng phát triển chỉ trong một thời gian ngắn. Việt Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh những năm gần đây đang tiến hành xã hội hóa điện ảnh một cách mạnh mẽ với hàng loạt các hãng phim và cụm, rạp chiếu ra đời. Phải khẳng định, chỉ có con đường xã hội hóa thì mới thay đổi được diện mạo điện ảnh nước nhà.

PV: Phim tư nhân phát triển do đâu, thưa ông?

ĐD Trần Duy Hinh: Tư nhân họ thực hiện chuyên môn hóa điện ảnh rất tốt. Họ toàn tâm, toàn ý từ tất cả các khâu và phát huy năng lực cá nhân rất hiệu quả. Việc đánh giá năng lực và quá trình lọc thải những cá nhân trong bộ máy sản xuất phim bên tư nhân họ làm tốt hơn rất nhiều.

phim tu nhan can dung hoa giua nghe thuat va giai tri
Một cảnh trong phim “Sài gòn, anh yêu em”, bộ phim vừa thắng lớn tại Cánh Diều Vàng 2016 (ảnh internet)

PV: Nhiều bộ phim nhàm - nhảm - nhạt, song vẫn thu hút nhiều người xem, phải chăng trình độ thưởng thức điện ảnh của người dân còn thấp, thưa ông?

ĐD Trần Duy Hinh: Hiện tại, sự thưởng thức điện ảnh của công chúng là không đồng nhất nên không ai có thể định lượng được trình độ thưởng thức điện ảnh của người dân đến đâu. Vì còn tùy vào sở thích, công việc của họ… Chúng ta không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người.

PV: Hàng năm vẫn có rất nhiều bộ phim nặng về tính giải trí và thiếu chiều sâu nghệ thuật, ông có nhận xét gì về vấn đề này?

ĐD Trần Duy Hinh: Nên biết rằng, giải trí là yêu cầu số một của điện ảnh, sau đó mới đến giáo dục, tuyên truyền… Bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào, muốn thành công phải có được tính giải trí. Tính giải trí là cao nhất của nghệ thuật mà nó sinh ra ngay từ khi nghệ thuật vừa mới xuất phát.

Tuy nhiên, tính giải trí cao nhưng thiếu sâu sắc cũng không được. Cần phải dung hòa được nghệ thuật và giải trí. Nhà nước cho tư nhân phát triển và tự do cạnh tranh vì cạnh tranh là động lực của phát triển. Kích thích sáng tạo là phải để tự do, nhưng tư nhân họ phải chịu trách nhiệm với sự tự do đó.

Nhìn các nền điện ảnh xung quanh như Mỹ, Hàn Quốc tính giải trí của họ rất cao. Nhờ điện ảnh, họ tuyên truyền văn hóa dân tộc, quảng bá du lịch trong nước rất hiệu quả và số tiền thu được nhờ ngành công nghiệp giải trí là vô cùng lớn. Mình chưa làm được điều đó. Nghệ thuật chưa tới, chưa tròn trịa, thực hiện chuyên môn hóa nhưng chưa tốt.

PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đinh Hương (thực hiện)