Nỗi niềm "Xa khơi"

07:15 | 20/02/2018

1,128 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Xa khơi” là một ca khúc trong bộ tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước đợt 1 của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ.

Lý thú là, bài hát lại được nhạc sĩ hoàn thành trong khi đang thực hiện một chuyến đi điền dã đầy gian nan tại một số huyện vùng cao thuộc tỉnh miền núi Hòa Bình năm 1961. Trước đó, vào năm 1958, nhạc sĩ đã có ý tưởng về bài hát này khi đi thực tế tại vùng biển giới tuyến Gio Linh, Quảng Trị. Một ý tưởng về bài hát có thể đi xuyên qua không gian, thời gian đã hình thành. Biển cả mênh mang một thời chia ly cách trở đau thương đã ám ảnh và nung nấu trong tâm huyết nhạc sĩ một thời gian dài và khi cảm xúc đã chín muồi thì bài hát ra đời như một tất yếu của quá trình thai nghén sáng tạo.

noi niem xa khoi

Đoạn A: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi. Gió lộng buồm mây ươm chân trời. Biển lặng sóng thuyền em giong khơi”... diễn tả một không gian bình yên đầy đặn, tưởng như vĩnh viễn và bất biến. Biển ở đây phẳng lặng đến vô tận, nắng mới ươm ở chân trời, nhưng trong êm ả ấy đã vang lên “Khoan giọng hò thương anh cách vời”, để lộ cảm giác ly biệt. Biển là hình tượng mô tả cảm xúc mênh mông, vô định của cuộc đời. Giai điệu và ca từ: “Kìa biển rộng con nục con măng, lướt sóng liệng đôi bờ tung tăng. Con chuồn còn bay nơi nơi. Con giang chiều gọi bạn đường khơi” tạo nên tầng tầng lớp lớp những hình ảnh như những lớp sóng ruổi nhau, vừa tự nhiên, gần gũi, lại gợi sức tưởng tượng. Cảm xúc thẩm mỹ phiêu diêu, sức tưởng tượng bay bổng, sự vươn tới của khát vọng…

Sau đoạn chậm rãi thong thả, là tiết tấu nhanh, mạnh, mềm mại, đậm đà trữ tình, đã cho một cảm nhận sâu kín, ẩn dưới tầng sâu của biển cả, âm ỉ những đợt sóng ngầm chực chờ trỗi dậy. Giai điệu lời ca tha thiết, riết róng, mạnh mẽ, đồng thời mang mang một nỗi âu lo đẩy lên thành cao trào của đoạn A: “Nắng tỏa chiều nay, thuyền về mái đọng chiều nay. Nhìn phương Nam con nước vơi đầy thương nhớ, nhớ thương anh ơi...”.

Đoạn B nhanh, sinh động: “Ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ. Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ. Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền”. Dẫu có phải trải qua muôn vàn khó khăn trắc trở vẫn tìm về một sự thống nhất: “Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền”. Cơn cuồng phong bão tố không dập tắt nổi khát vọng của tình yêu đôi lứa cấu thành cao trào của đoạn B: “Ơ! Mênh mông biển khơi câu hò thương nhớ… Vang về miền Nam quê ta”. Tình yêu thử thách trong bão tố và chiến thắng được thể hiện trong hạ trào của đoạn B: “Biển dập dìu, biển tâm tình, biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi”

Ca khúc có ba cao trào. Đoạn chậm có một cao trào, đoạn nhanh có một cao trào. Ngoài hai cao trào trên, ở đây ta bắt gặp cao trào lớn nhất của toàn bài. Ở cao trào lớn này, độ dồn nén tình cảm đã được dâng lên ở mức mãnh liệt nhất, kịch tính nhất: “Biển nói lên lời bao ngày thương nhớ biển ơi…” và sau đó được giải tỏa: “Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay” trong nhịp cuối cùng. Người nghe có cảm giác nhẹ nhõm trước cái kết dài lặng dần.

Nguyễn Tài Tuệ đã lựa chọn tinh hoa văn học dân gian tích hợp vào làm cho hồn cốt của ca từ thêm sức nặng “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người bên ấy có buồn hay không”. Nỗi buồn nhân gian ấy, được trải nghiệm vào câu hát gan ruột:“Kề vai bên nhau chớp bể cùng mưa nguồn”.

Khi sáng tác, ngoài giai điệu, thì ca từ đã được nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ chăm chút như một người thợ kim hoàn làm chữ, vậy mà gần nửa thế kỷ sau khi bài hát ra đời, ông vẫn còn sửa một từ trong lời ca của “Xa khơi”.

noi niem xa khoi
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và Bùi Tuyết Mai tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Ông kể: “Việc sáng tác âm nhạc của tôi cứ như dòng máu lưu chảy trong huyết mạch vậy. Tôi muốn bài hát phải toàn bích và sẽ làm cho nó trở nên toàn bích chừng nào tôi có thể. Tôi thay đổi ba lần mới chọn được chữ “liệng”: “Lướt sóng liệng đôi bờ tung tăng”. Ban đầu là “liền”. Viết về biển phải làm sao để hai chữ đôi bờ vang ngân, bóng lồng bóng trập trùng, nhịp nối nhịp trẻ trung, khao khát yêu đời quấn quyện, phải làm sao để đôi bờ được hòa nhịp tự do phơi phới? Vì đó là Hiền Lương, là đôi bờ nhạy cảm nhất lúc bấy giờ của lịch sử dân tộc. Viết được đến “liền đôi bờ” đã là sự diễn đạt ca từ ở mức độ tiến sát vào mỹ cảm rồi! Con nục con măng còn tung tăng liền được đôi bờ, tại sao con người lại bị đôi bờ chia cắt. Nhưng tôi lại thấy chữ “liền” chưa thấu triệt. Tôi tìm ra chữ “lượn” thế chỗ cho từ “liền”. Những tưởng chữ “lượn” đã yên vị, sau một khoảng thời gian lắng lại và chiêm nghiệm, tôi thấy vẫn chưa phù hợp. Từ “lượn” là động từ, nhưng tính chất động còn yếu, chưa đủ sức nặng điểm nhãn cho biểu tượng nghệ thuật biểu đạt khát vọng nối liền. Cuộc tìm kiếm của tôi như vậy là chưa thể cán đích. Cuối cùng, tôi cũng đã tìm thấy chữ “liệng” này”.

Trong “Xa khơi”, còn nhiều chữ rất tinh tế khác, ví dụ như chữ “đọng” trong câu: “Thuyền về mái đọng chiều nay”. “Chiều” là điểm về của người Việt. Không hẳn là mái nhà, cũng không phải mái chèo. Một vời vợi không gian ngưng tụ để người ta ngóng đợi, để lắng lại, để níu giữ, để khao khát. Mái đọng chơi vơi một cách tài tình giữa âm nhạc, ngôn ngữ:“Thuyền về mái đọng chiều nay. Nhìn phương Nam con nước vơi đầy… thương nhớ”. Đó là chữ của sáng tạo ca từ Nguyễn Tài Tuệ mà ta không gặp trong từ điển.

“Xa khơi” không chỉ là một ca khúc lịch sử của một thời. Nó còn là một trong những bài hát hay nhất viết về biển cả, gắn bó với ký ức của nhiều lớp người, với xa cách, nhung nhớ và đau thương. “Xa khơi” như một biển cả mênh mang được thể hiện nhiều chiều kích tưởng tượng trong âm nhạc hiện đại Việt Nam.

Bùi Tuyết Mai