Nhà văn nữ trẻ đi đâu?

16:33 | 23/03/2017

1,754 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung tuần tháng 3/2017, trong một buổi họp mặt định kỳ của Ban Nhà văn nữ (thuộc Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội, tổng số có 60 nhà văn nữ tới dự, thì hầu hết là các nhà văn trên 50 tuổi, nhiều nhất là lớp nhà văn trên 60 tuổi, thậm chí có nữ nhà văn trên 90 tuổi vẫn tới dự nghiêm túc, trong khi đó chỉ có 2 nhà văn tuổi 40 và 1 nhà văn nữ tuổi 30. Vậy các nhà văn nữ trẻ đi đâu?

Buổi họp mặt này là định kỳ, ngoài công tác báo cáo những hoạt động năm qua của Ban Nhà văn nữ, thì còn tuyên dương và thưởng cho những tác giả nữ có tác phẩm đoạt các loại giải thưởng văn chương và báo chí trong năm qua, thông báo về những chuyến đi thực tế sắp tới mà các nhà văn nữ có quyền tham gia, thông báo về các cuộc thi văn chương sắp tới và kêu gọi nhà văn nữ gửi tác phẩm dự thi, thông báo về việc các nhà văn nữ có tác phẩm từng được dịch sang tiếng Anh có thể gửi tác phẩm của mình đăng ở một tạp chí văn học của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để giới thiệu văn nữ Việt Nam ra thế giới.

Trong buổi họp mặt, các nhà văn nữ có thể thoải mái góp ý kiến, đề xuất với Hội Nhà văn những mong muốn thiết thực của mình trong vấn đề sáng tác, hỗ trợ sáng tác từ Hội Nhà văn. Họ lại có thể gặp gỡ nhau trong bữa liên hoan, để trò chuyện, trao đổi thông tin nghề, kinh nghiệm sáng tác, giúp đăng những tác phẩm mới của nhau, giúp nhau đề tài viết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống thường nhật nếu có khó khăn… Nhiều nhà văn nữ còn mang tác phẩm mới in của mình tới để tặng cho bạn nghề, vừa quảng bá, vừa là chia sẻ niềm vui, vừa tạo nguồn cảm hứng để bạn mình cũng đầu tư viết tiếp và xuất bản tác phẩm mới cống hiến cho đời.

Tuy nhiên, như trên đã đề cập, rất ít nhà văn nữ trẻ thuộc lứa 7X, 8X, lứa tuổi sung sức nhất trong sáng tác tới dự họp mặt, dù giấy mời đã được gửi tới tận địa chỉ của họ. Buổi họp mặt hoàn toàn thiếu vắng những gương mặt danh tiếng như Bình Nguyên Trang, Phong Điệp, Đỗ Bích Thúy, Thụy Anh, Di Li, Nguyễn Quỳnh Trang… Do đó, cảm giác như lực lượng văn học nữ đang thiếu sự kết nối và đồng thuận để tạo nên sức mạnh chung, tiếng nói chung, dòng văn học nữ mang màu sắc riêng biệt. Tại sao đa số nhà văn nữ lứa 7X, 8X lại không tham dự sự kiện này?

Hiện tượng vắng mặt của họ trong buổi họp mặt thường niên này đã diễn ra nhiều năm chứ không riêng năm nay. Phải chăng nội dung họp kể trên không đủ sức thu hút họ, hay do buổi họp được điều hành bởi những nhà văn lứa 5X nên cách làm, phương pháp hoạt động có độ vênh với lứa nhà văn nữ 7X, 8X? Tất nhiên có thể những nhà văn nữ không dự họp mặt sẽ có nhiều lý do riêng như cơ quan cũng họp giờ đó, đang đi công tác, nhà có việc bận, con ốm… Tuy nhiên, “người không muốn thì tìm lý do, người muốn sẽ tìm giải pháp”.

nha van nu tre di dau
Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng hoa cho đại diện Ban Nhà văn nữ Việt Nam

Nhà thơ Lưu Khánh Thơ lắc đầu nói, buổi họp mặt toàn những người già, thiếu sức sống lắm. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể vì người trẻ không thích các bà già nói chuyện dông dài, lôi thôi nên họ không đến. Còn nhà thơ Phạm Vân Anh, một trong số ít nữ nhà thơ trẻ tới dự buổi họp mặt này, cũng là người sôi nổi mang tới tập trường ca “Sa Mộc” mới xuất bản của cô tặng cho mọi người trong buổi họp mặt, đã chia sẻ: “Tôi thấy buổi họp mặt này rất có ý nghĩa nên tôi luôn ưu tiên đến dự sự kiện. Tới đây, được gặp những lớp nhà văn nữ gạo cội, được học hỏi kinh nghiệm, được truyền lửa tình yêu với nghiệp văn, học kỹ năng khai thác đề tài và năng lực sáng tác… Được nhiều như thế cho nên chẳng có lý do gì để không bố trí thời gian đến dự họp mặt được.

Thêm nữa, tôi cũng nghĩ rằng, tổ chức ra buổi họp mặt này là tâm huyết của Ban Nhà văn nữ và Hội Nhà văn Việt Nam, chi phí tổ chức cũng tốn kém, nên khi mình đến dự là thể hiện sự tôn trọng của mình với những nỗ lực của ban tổ chức, với tâm huyết của Hội. Khi mình đã là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thì việc mình tham gia các sự kiện do Hội tổ chức không chỉ là quyền lợi, mà còn là trách nhiệm, là sự trân trọng nghề văn. Nếu không thì tại sao mình tham gia Hội? Tất nhiên, mỗi nhà văn đều có động lực riêng để sáng tác, việc tham gia các hoạt động của Hội không phải chỉ để thúc đẩy sáng tác mà còn để kết nối tình cảm hội viên, kết nối quan hệ, hỗ trợ lẫn nhau trong sáng tác và cuộc sống, để nuôi dưỡng ngọn lửa sáng tác. Với tôi, những hoạt động họp mặt như thế này rất quan trọng. Ai không tham dự thì thiệt cho họ thôi”.

Trong buổi họp mặt, cũng có nhà văn nữ cao tuổi phát biểu hơi dài, phàn nàn hiện trạng tuổi cao sức yếu, với những căn bệnh hành hạ, khiến cho bà không đủ sức triển khai những ý tưởng viết của mình. Có thể những lời than thở dài của bà làm những người viết trẻ chán nản không muốn nghe, nhưng nếu là một người viết có tư duy tích cực và có tâm, họ sẽ tìm cách kết nối với người viết cao tuổi và với sinh lực dồi dào của mình, dùng ý tưởng của người già để viết nên tác phẩm chung và cùng đứng tên, có như vậy mới không lãng phí ý tưởng và tạo nên nhiều hơn những tác phẩm cho đời.

nha van nu tre di dau
Những nữ nhà văn cao tuổi vẫn tích cực trao đổi nghiệp vụ

Tuy nhiên, một chia sẻ nhỏ nhẹ của nhà thơ Nguyễn Thị Mai vào cuối buổi họp đã gây chấn động tới toàn thể các nhà văn nữ tham dự buổi họp hôm ấy. Đó là việc Ban Nhà văn nữ vừa đi thăm nữ nhà văn Nguyệt Tú, 92 tuổi, bị tắc nghẽn mạch máu não, hiện đang điều trị tại bệnh viện và có nguy cơ không qua khỏi. Sự việc bắt đầu từ sau tết Nguyên đán 2017, nữ nhà văn bị cảm lạnh, bà đã uống thuốc chữa trị, nhưng sau đó thấy khá hơn, bà lại tiếp tục viết. Lúc quá mệt, bà không chịu buông bỏ trang viết dở, nên bệnh chuyển nặng và khi được đưa tới bệnh viện thì bà đã ở tình trạng nguy kịch. Trước khi rơi vào tình trạng hôn mê, nữ nhà văn Nguyệt Tú đã dặn dò con bà về việc bà có tâm nguyện tặng 100 triệu đồng cho Ban Nhà văn nữ có thêm kinh phí hoạt động, hỗ trợ sáng tác. Tình cảm và ý chí với nghề của nữ nhà văn cao tuổi đã khiến nhiều nhà văn trong buổi họp lặng người đi. Vâng, có lẽ đứng trước một bạn nghề có tấm lòng cao cả như thế, thì chẳng lý do gì có thể biện minh cho việc ta từ chối tham gia những hoạt động nghề nghiệp, hay buông bỏ trang viết của mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tham gia buổi họp mặt cũng rưng rưng khi được đứng trước những nhà văn nữ đã viết trước ông vài thập niên. Ông không ngờ từ trong những trang viết lung linh, từng tạo nguồn cảm hứng để ông dấn bước vào con đường văn chương, các nhà văn nữ đã hiện ra trước mắt ông, trong đời thực sống động và đẹp đến thế. Họ là những người “mang đến vẻ đẹp khác biệt và vị trí khác biệt trong sáng tạo và cốt cách của mình, làm nên sự phong phú, đa dạng, đa màu sắc cho văn học Việt Nam. Các nhà văn nữ mang hai vẻ đẹp cùng lúc, đó là vẻ đẹp của nhan sắc và vẻ đẹp từ chiều sâu tâm hồn, tạo nguồn cảm hứng cho đồng nghiệp nam sáng tạo không mệt mỏi”.

Vì thế, hỡi các nhà văn nữ trẻ, chớ nên bỏ qua những cơ hội tiếp nhận kiến thức quý giá như thế, cơ hội tiếp nhận nguồn năng lượng nóng ấm như thế, bởi ẩn sau vẻ già nua bệnh tật và đau khổ, là sáng ngời vẻ đẹp của nguồn sáng tạo vĩ đại từ những nữ đại thụ văn chương.

Đặng Thanh