Tranh cãi quanh việc bệnh viện xin xác động vật quý hiếm làm thuốc

19:00 | 15/03/2013

1,654 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - UBND thành phố Hà Nội đã giao cho các sở ngành liên quan xem xét bàn giao 119kg sừng hươu, 11kg xương hổ, 4kg xương khỉ và 263kg tê tê bắt giữ được trong thời gian vừa qua, cho Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương để làm thuốc chữa bệnh.

Theo Bệnh viện Y học cổ truyền những mẫu vật trên đều là những vị thuốc có giá trị sử dụng trong điều trị bệnh. Vì vậy, họ đề nghị UBND thành phố Hà Nội cho phép bàn giao số mẫu vật trên để phục vụ công tác của bệnh viện.

Trước đề xuất này, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban ngành liên quan chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra thực tế và căn cứ các quy định hiện hành, đề xuất hướng xử lý theo đề nghị của Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.

Trước đó, Công an huyện Gia Lâm chuyển giao 119 kg sừng hươu, 11 kg xương hổ, 4kg xương khỉ; Phòng Cảnh sát Giao thông chuyển giao 263 kg vẩy tê tê. Nắm bắt thông tin, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã đề xuất xin tiếp nhận các bộ phận động vật hoang dã mà cơ quan chức năng thành phố Hà Nội bắt giữ trong thời gian vừa qua, để làm thuốc chữa bệnh.

Nhiều ý kiến cho rằng: Xác động vật có thể làm thuốc chữa bệnh.

 

Ngay sau khi Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đề nghị xin xác động vật làm thuốc, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã lên tiếng phản đối và khẳng định, đề nghị trên không chấp nhận được với bất cứ lý do gì.

Theo ENV, trên khía cạnh pháp lý, tang vật là động vật hoang dã thuộc nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP (trong đó có hổ) không được phép sử dụng cho mục đích thương mại. Với bất kỳ mục đích nào, thuốc xét cho cùng là sản phẩm thương mại. Như vậy việc sử dụng các tang vật này là vi phạm pháp luật.

Các tang vật này chỉ có thể được xử lý theo hai cách là chuyển giao cho một đơn vị nghiên cứu khoa học, giáo dục (ví dụ như viện nghiên cứu, bảo tàng) của Nhà nước tuyệt đối không liên quan tới các hoạt động thương mại; hai là tiến hành tiêu hủy.

ENV cho rằng, đứng trên khía cạnh y học, chưa có một nghiên cứu khoa học hiện đại nào nói rằng các sản phẩm là động vật hoang dã có thể được sử dụng làm thuốc. Tác dụng này đa phần đều là kinh nghiệm dân gian, là truyền miệng. Hơn thế nữa, căn cứ của phác đồ điều trị cũng như quy trình chế biến các sản phẩm này chưa được công bố. Tất cả những tang vật đó đều do cơ quan chức năng tịch thu của các đối tượng vi phạm vì hành vi của họ liên quan tới việc khai thác thương mại trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ.

Đứng trên góc độ cơ quan chức năng, không thể tịch thu của đối tượng vi phạm này để chuyển giao cho những tổ chức khác để sử dụng vào mục đích khai thác thương mại.

Mục đích của cơ quan chức năng khi thực thi pháp luật bảo vệ động vật hoang dã là ngăn chặn các vi phạm, nhưng xa hơn nữa, đó là giáo dục, nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ động vật hoang dã, giảm thiểu nhu cầu về sử dụng động vật hoang dã, từ đó bảo vệ các loài này trong tự nhiên. Do vậy, không có lý do gì lại gián tiếp kích thích nhu cầu sử dụng động vật hoang dã của người dân bằng việc chuyển giao cho bệnh viện để làm thuốc. Việc này đi ngược lại chính chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.

ENV nhấn mạnh, khoa học hiện đại ngày nay hoàn toàn có đủ điều kiện để chữa trị các loại bệnh mà chúng ta vẫn tin tưởng rằng có thể chữa trị bằng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Chúng ta đã và đang tận diệt các loài động vật hoang dã quý hiếm của Việt Nam, nhưng chưa đủ, chúng ta cũng đã và đang góp phần tận diệt các loài động vật hoang dã khác trên thế giới như tê giác ở Nam Phi vì những niềm tin không căn cứ vào tác dụng của động vật hoang dã.

T.Minh