Nghề... "ôsin bệnh viện"

18:50 | 30/06/2013

1,631 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vài năm trở lại đây, tại các bệnh viện xuất hiện một nghề với tên gọi "ôsin bệnh viện". Đây là nghề tự phát do nhu cầu cần người chăm sóc của gia đình bệnh nhân.

Giúp việc trong bệnh viện là nhu cầu

Theo ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Hữu Nghị điều dễ nhận thấy nhất là bất kể lúc nào, dù trời mưa hay nắng, cũng có một tốp người cả nam lẫn nữ đứng ngồi ngoài cổng. Đi vào trong viện, trên những hàng ghế đá cạnh khoa Điều trị theo yêu cầu lại bắt gặp một nhóm người khác ngồi “buôn chuyện”.

Đây là đội quân giúp việc tại bệnh viện đã được hình thành từ lâu. Nó quen thuộc đến nỗi hễ có gia đình nào muốn dịch vụ trông người ốm đến đây là có.

Người làm được việc, kinh nghiệm thì phải 200.000-250.000đồng/ngày. Người mới làm 130.000 - 150.000đồng/ngày cũng có. Thậm chí người trông coi nhà vệ sinh gần đó cũng kiêm luôn môi giới người giúp việc. Chị có đầy đủ số điện thoại của người làm, ai cần chị chỉ “alo” là có người. Những người giúp việc khi không có việc sẽ về quê nghỉ ngơi, nhưng nếu có khách gọi sẽ lập tức lên ngay.

Các ôsin ngồi đợi khách tại Bệnh viện Hữu Nghị

Bệnh viện Hữu Nghị là bệnh viện đặc biệt chuyên chăm sóc cho cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước. Do đó bệnh nhân cao tuổi chiếm phần lớn với nhiều bệnh mãn tính như: tiểu đường, hen suyễn, tim mạch, ung thư... và thời gian nằm điều trị tại bệnh viện thường kéo dài.

Hầu hết con của những bệnh nhân này đều đi làm, không có thời gian chăm sóc bố mẹ nên rất cần thuê người giúp việc. Đó là lý do khiến dịch vụ chăm sóc bệnh nhân cực kỳ phát triển tại đây. Nhiều nhất là khoa Nội A, sau đó đến khoa Điều trị theo yêu cầu, khoa Tiêu hóa, Tim mạch, Thần kinh…

Chị Nguyễn Thu Hằng, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm tâm sự: "Bố tôi bị tai biến mạch máu não, đã nằm đây gần  một tháng. Thời gian đầu chúng tôi thay nhau trông cụ nhưng cũng không thể bỏ việc cơ quan. Thấy dịch vụ chăm sóc người ốm cũng tốt nên tôi thuê một chị người Phú Thọ chăm sóc cụ.

Chị này đã có kinh nghiệm trông nom người ốm nhiều năm nên làm việc rất tốt, chăm chỉ, cần cù, và nhất là chịu đựng được sự khó tính của người già. Mình cả đời mới chăm một lần còn người ta làm chuyên nghiệp rồi, đang đêm cũng dậy được.

Mình băng bó vết thương, rửa ráy trên giường rất lóng ngóng nhưng họ làm quen nhanh lắm, rất sạch và gọn gàng. Tôi thấy nhiều chị cho bệnh nhân ăn bằng ống thông rất thành thạo. Nhưng giá khá cao 250.000 đồng/ngày.

Ngoài ra mình cũng phải trang bị cho họ quần áo, một chiếc giường gấp, chăn gối. Khi hết hợp đồng có thể bồi dưỡng cho họ ít tiền tàu xe. Lúc nào cần gọi họ tới trông nom tiếp. Mình coi họ như người nhà thì người ta cũng đối xử tốt, làm việc chăm chỉ" - chị Hằng chia sẻ.

Tuy nhiên việc chọn được người làm ưng ý không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhiều gia đình phải đổi qua nhiều người, đau đầu vì những rủi ro do người giúp việc gây ra.

Không may mắn như chị Hằng, anh Xuân Tú, phố Nguyễn Quý Đức phải thuê đến người thứ tư chăm mẹ mới tạm yên tâm: Mấy người tôi thuê trước họ mới vào nghề chưa có kinh nghiệm, mẹ anh lại khó tính thành ra không ai chịu được quá 3 ngày.

"Người mới từ quê ra, kiến thức cơ bản cũng chưa được trang bị, nhiều người không hoàn toàn tập trung vào công việc. Tôi thuê với giá 150.000 đồng/ ngày nhưng mỗi lần tranh thủ vào thăm mẹ lại nghe cụ phàn nàn về sự vụng về của người giúp việc. Thay đến mấy lần người giúp việc mà tôi vẫn chưa thấy yên tâm.

Cuối cùng tìm đến người thứ tư và đắt hơn một chút nhưng được việc, mình cũng yên tâm đi làm. Nói thật chứ không có họ mình cũng “chết”, chẳng biết xoay sở làm sao được" - anh Tú nói.

Kiếm sống với nghề vì cái "tâm"

Không chỉ tại Bệnh viện Hữu Nghị mà hình ảnh người giúp việc chăm sóc bệnh nhân còn xuất hiện khá nhiều ở Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Lão khoa… Trong bối cảnh xã hội công nghiệp, con cái đều bận rộn công việc, bố mẹ nằm viện không thể túc trực 24/24h là điều khó tránh khỏi. Nhất là với những người bệnh phải nằm viện điều trị dài ngày thì nhu cầu có một người trông nom là vô cùng cần thiết.

Người phụ nữ này được thuê chăm sóc ông cụ với giá 250 nghìn/ngày.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngân (Lâm Thao, Phú Thọ), một người có nhiều năm kinh nghiệm “ăn cơm bệnh nhân, ngủ giường bệnh viện” cho biết, để làm được nghề này, cần nhất là sự chịu khó, khéo léo và thành thạo những kỹ năng cơ bản của điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân. 

Thêm vào đó, phải tinh ý để đoán được ý bệnh nhân, phải hay chuyện và kiên nhẫn để lắng nghe những câu chuyện không đầu không cuối của người bệnh và cũng phải biết nhẫn nhịn để ứng phó với sự “quái tính” của bệnh nhân.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm nghề, chị cũng không nhớ rõ đã chăm sóc bao nhiêu bệnh nhân, nhưng có vài kỷ niệm đặc biệt khiến chị không quên được. Lần đầu làm nghề, chị đã gặp ngay một ca bệnh nặng, đó là một ông cụ ở khu tập thể Giảng Võ bị tai biến. Chăm ông gần một tháng ở Bệnh viện Hữu Nghị, khi con cháu ông đưa về nhà, gia đình bệnh nhân cũng thuê chị về cùng. 

Ở cùng một ông lão sống thực vật phải ăn cháo xông, gần như bất động, đi vệ sinh tại chỗ trong một ngôi nhà trống trải, đầu tiên chị cũng rất sợ. Con cụ mỗi ngày tạt qua 2 lần kiểm tra và nấu cháo, mọi việc còn lại, từ cho ăn, lau rửa vệ sinh cá nhân, dọn dẹp giường bệnh…, một tay chị Ngân đảm nhiệm. 4 năm sau ông cụ mới “đi”, chị cùng gia đình lo lắng việc hậu sự. Cảm kích trước sự tận tình của chị, gia đình tặng chị tiền, còn dẫn đi mua quần áo và rất nhiều quà cho chị mang về.

Với chị Thinh (Văn Lâm, Hưng Yên) hiện đang chăm sóc một ông cụ ngoài 70 tuổi bị bệnh tim. Chị Thinh chia sẻ: "Còn tỉnh táo, vợ con lại ở tận trong Nam nên ông cụ khó tính lắm. Thấy mình là người lạ nên cứ mắng té tát vào mặt. Thế mà hàng ngày vẫn phải thay bỉm, vẫn đút cơm, vẫn ngồi trực 24/24h. Nhưng làm lâu thành quen, chịu khó một tý để có tiền cho con ăn học!".

Hàng ngày người chăm sóc phải túc trực bên giường bệnh, ăn đứng, ngủ gật, sinh hoạt thiếu thốn. Có nơi người nhà bệnh nhân được trải chiếu, đặt giường gấp ngoài hành lang còn đỡ, nhiều bệnh viện không cho, người chăm đành thức trắng đêm.

Nhiều ca, bệnh nhân ăn nằm tại chỗ yêu cầu công việc lại cao hơn. Người chăm sóc bệnh nhân phải biết làm, sạch sẽ, gọn gàng và tỉ mỉ. Không những đòi hỏi phải có kỹ năng, mà còn phải có tình cảm với người già thì mới làm được.

Hầu hết bệnh nhân cần ôsin chăm đều bệnh nặng và là người cao tuổi phải nằm viện lâu. Muốn được con cái chăm sóc những ngày cuối đời. Tuy nhiên, nhiều gia đình lại có tư tưởng "khoán trắng" việc chăm sóc người thân của mình cho người giúp việc. Không ít trường hợp, bệnh tình của những bệnh nhân lại có xu hướng nặng thêm khi họ nhập viện mà không có người nhà bên cạnh.

Nghề “ôsin bệnh viện" cũng muôn màu muôn vẻ. Có thể thấy, họ thực sự là những người đã giúp ích rất nhiều cho các gia đình, đồng thời lại có thể tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho các lao động nghèo nông thôn bằng những đồng tiền chính đáng. 

Nguyễn Hoan