Nhìn lại công tác cứu hỏa sau vụ cháy cây xăng ở Hà Nội:

Không thể chiến đấu với "giặc lửa" theo kiểu "tùy cơ ứng biến"

15:24 | 09/06/2013

602 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gần 1.000 người thuộc các lực lượng khác nhau tham gia dập lửa, 17 xe cứu hỏa chuyên dụng, 2 tấn bột và rất nhiều thiết bị máy móc khác. Thế nhưng, phải mất gần 5 giờ đồng hồ vụ hỏa hoạn xảy ra tại Trạm Xăng dầu Quân đội số 2B, đường Trần Hưng Đạo, phường Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội mới được dập tắt. Sự căng thẳng, lo ngại cho cả một khu vực dân cư kéo dài trong chừng đó thời gian.

Cứu hỏa theo phương pháp “tùy cơ ứng biến”

Nhiều người đặt dấu hỏi, phải chăng lực lượng cứu hỏa gặp trục trặc gì chứ không chỉ đơn thuần là ngọn lửa quá dữ dội… Sau vụ cháy, việc cần làm ngay chính là nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, trung thực nhất về năng lực phòng cháy chữa cháy (PCCC) của các bên liên quan. Bên cạnh đó còn là tình trạng tồn tại nhiều trạm xăng nằm trong khu dân cư với đầy rẫy hiểm họa.

Thượng tá Trần Văn Vụ - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận Hoàn Kiếm cho hay: “Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ cháy, tôi đã có mặt tại hiện trường. Tiếp cận nơi phát hỏa thì thấy tình hình khá phức tạp khi xăng chảy tràn, lửa phun ra dữ dội từ xe bồn, nhiệt độ tăng cao, bức xạ nhiệt lớn, gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy. Nhận định vụ cháy khá phức tạp, Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm đã báo về Trung tâm Chỉ huy chữa cháy của Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội xin chi viện. Đồng thời, điều động xe chở cát và máy xúc, máy ủi tham gia vào công tác cứu hỏa”.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội: "Trang thiết bị phục vụ trong công tác cứu hỏa của chúng ta còn thiếu và yếu..."

 

Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Giám đốc Sở PCCC, lực lượng chữa cháy được triển khai thành 4 mũi, tập trung phun nước làm mát cho các công trình xung quanh và xe bồn đang cháy, đặc biệt là 3 miệng hố gas của 3 bể ngầm bên dưới với dung tích chứa gần 100m2. Quyết tâm ngăn chặn cháy lan và dập tắt đám cháy nhanh nhất, Sở Cảnh sát PCCC đã huy động 2 tấn bột chữa cháy, điều động tổng số 17 xe chữa cháy các loại (trong đó có một xe thang 32m và 3 xe cứu hỏa của Bộ Tư lệnh Thủ đô).

“Nhiệt độ liên tục tăng cao, bức xạ nhiệt lớn khiến lực lượng PCCC khó tiếp cận ngọn lửa. Đặc biệt, điểm cháy lớn nhất là 4 họng xuất ra của xe bồn. Do đặc thù xăng nhẹ hơn, nổi trên mặt nước, nước chảy đến đâu, xăng theo đến đấy nên càng phun nhiều nước làm mát vào thì diện tích cháy lại càng lan rộng. Để khống chế ngọn lửa lan rộng, lực lượng cứu hỏa đã huy động 32 xe chở cát để quây lửa lại, đồng thời dùng ống hút đặt trên mặt đường để ngăn chặn không cho xăng chảy xuống hệ thống cống ngầm của thành phố.

Quả thực, những biện pháp này là “tùy cơ ứng biến”, đều là những sáng kiến phát huy hiệu quả không hề có trong quá trình đào tạo chuyên ngành. Sau một tiếng cứu hỏa đầu tiên, đám cháy đã cơ bản được khống chế. Tuy nhiên, do miệng 3 bể ngầm chứa xăng chỉ cách xe bồn đang cháy khoảng 2,5m, các chiến sĩ PCCC đã dùng hết sức mình mở van thoát hơi nhằm giảm áp suất cho bình, đồng thời lấy chăn ướt đậy kín…” - Thượng tá Trần Văn Vụ chia sẻ.

Dư luận thắc mắc về việc sau hơn 2 giờ chữa cháy, lực lượng cứu hỏa đã khống chế được lửa, nhưng sau đó lửa lại bất ngờ bùng lên và dữ dội hơn trước. Ngoài ra nhiều người còn không hiểu tại sao lực lượng chức năng lại để xăng tràn theo nước, chảy và cháy lan tận ra phía ngoài mặt đường Trần Hưng Đạo. Có thể hiểu, cháy xăng là tình huống khó khống chế lửa nhất. Trong các vụ hỏa hoạn bình thường, để dập tắt lửa, lực lượng cứu hỏa sẽ phun bọt ngay từ đầu.

Thế nhưng, trong quá trình cứu hỏa tại đây, không thể ứng dụng biện pháp đó ngay từ đầu được bởi trong nền nhiệt độ cao, bọt phun vào sẽ bị phân hủy, không có tác dụng. Do đó, phải phun nước để giảm nhiệt xuống nhiệt độ thích hợp rồi mới phun bọt.

Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn - Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) phân tích: “Vụ cháy này là điển hình về độ phức tạp. Nếu cháy ở nơi có địa hình rộng thì chữa rất nhanh. Nhưng trạm xăng này chỉ có hướng chữa cháy từ cửa vào, hai bên là sân tennis và nhà ở nên rất khó tìm hướng tiếp cận khác. Trong nguyên tắc chữa cháy chung, tất cả các vụ cháy xăng dầu phải vừa chữa cháy vừa làm mát.

Vì khi cháy, vật chứa bị nung ở nhiệt độ rất cao, nếu không làm mát có thể phá hủy kết cấu của bồn xăng, làm tràn xăng dầu ra càng nguy hiểm. Quan trọng nhất là giữ không cho nổ”.

Trang thiết bị quá thiếu thốn

Vụ hỏa hoạn tại Trạm Xăng số 2B kéo dài 5 giờ đồng hồ. Khi lửa được dập tắt hoàn toàn, 9 chiến sĩ cảnh sát PCCC và 3 người dân bị thương, 2 ôtô và 6 xe máy cùng hai cửa hàng kinh doanh ăn uống liền kề bị thiêu rụi hoàn toàn.

Với tâm lý hoảng sợ, căng thẳng kéo dài, nhiều người đã cho rằng: “Khi diễn tập chữa cháy thì hoành tráng lao vào khống chế lửa chỉ trong tích tắc, thế mà khi cháy thật thì mãi chẳng dập nổi”. Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: “Hiện tại, trang bị cho lực lượng PCCC đang còn thiếu. Toàn bộ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội chỉ có 50 bộ quần áo chống cháy. Ngay sau khi xảy ra vụ hỏa hoạn, toàn bộ số quần áo chống cháy này đã được phát hết cho nhân viên”.

Một số chiến sĩ cảnh sát PCCC bị thương đang cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn

Trên thực tế, phương tiện chữa cháy như quần áo, ủng, xe thang, bột đều phải nhập khẩu với giá thành rất đắt, trong nước chưa sản xuất được. Mỗi bộ quần áo chống cháy có giá khoảng 300 triệu đồng, xe thang có giá hơn 30 tỉ đồng. Trong khi đó, nguồn ngân sách của Sở PCCC chủ yếu từ hai nguồn là Bộ Công an và UBND Thành phố Hà Nội lại không đủ để trang bị số lượng lớn đối với những trang thiết bị này.

Riêng về thiết bị chữa cháy của Việt Nam, Thiếu tướng Nghi chia sẻ: “Vừa qua, tôi có dịp đi thăm lực lượng PCCC của một số nước mới biết, trang thiết bị phục vụ trong công tác cứu hỏa hiện đại hơn mình nhiều. Điển hình như ở Nhật Bản, xe của họ chỉ dùng 5 năm là thải hồi, một chiếc xe được trang bị 86 thiết bị khác nhau phục vụ cho cứu hỏa. Không biết bao giờ mình mới được như họ…”.

Giám đốc Sở PCCC Hà Nội cũng tiết lộ, Sở đang đề xuất mua thêm một số bộ dò tìm âm thanh hình ảnh phục vụ trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Dẫn chứng về sự cần thiết của thiết bị này, Thiếu tướng Nghi đưa ra ví dụ về vụ sập nhà ở đường Tạ Quang Bửu (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vừa qua. Theo đó, khi tảng bê tông sập xuống, nạn nhân bị vùi lấp không biết đâu mà tìm. Nếu có thiết bị dò tìm sẽ biết nạn nhân nằm ở đâu, còn khỏe hay yếu... có lẽ sẽ giảm thiểu những hậu quả đau lòng.

Ẩn họa từ những quả “bom lửa” giữa khu dân cư

Vụ hỏa hoạn tại trạm xăng trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) là hồi chuông cảnh báo về hỏa hoạn nói chung và cháy nổ cây xăng nói riêng. Theo quy định, các trạm xăng dầu khi xây dựng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu như: Không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông; phải cách lộ giới ít nhất 7m tính từ mép ngoài hình chiếu bằng của công trình trạm xăng; khoảng cách an toàn giữa trạm xăng dầu với các công trình công cộng xung quanh phải bảo đảm 50m, cách đường điện cao thế 1,5 lần chiều cao cột điện và cách các điểm có tính chất nguy hiểm, cháy nổ 100m; phải cách nơi tụ họp đông người (như trường học, chợ) ít nhất 100m; bảo đảm an toàn về phòng chống cháy, bảo vệ cảnh quan…

Hiện nay ở Hà Nội có hơn 500 điểm kinh doanh xăng dầu, nhưng hầu hết các cây xăng này đều nằm sát các khu dân cư, vi phạm về khoảng cách an toàn phòng chống cháy nổ. Dạo quanh một vài điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Láng, Trường Chinh, Cầu Giấy... những cây xăng ở đây đều nằm sát nơi đông người, rất nguy hiểm. Thông tin về vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo càng khiến những hộ dân sống quanh khu vực có cây xăng trong thành phố lo lắng trước mối hiểm nguy đe dọa hằng ngày.

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại Trạm Xăng dầu Quân đội số 2B Trần Hưng Đạo

Điều mà cơ quan chức năng cần phải lắng nghe và hành động sau hồi chuông báo động đỏ lần này là sự an toàn của người dân trước những quả “bom lửa” đang nằm giữa các khu dân cư. Ai dám chắc chắn về độ an toàn mang tính bền vững của những cây xăng trên đường Đê La Thành, Tây Sơn, Khâm Thiên, Trần Khát Chân...?

Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi khẳng định, sau vụ việc này cần phải mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm tra, thậm chí tước giấy phép đối với người vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong thời gian tới, sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát hơn 500 cây xăng trên địa bàn Hà Nội, kiên quyết giải tỏa những cây xăng không đảm bảo các yêu cầu phòng chống cháy nổ. 

Về thực trạng những cây xăng ở gần khu dân cư, Thiếu tướng Đỗ Văn Sơn cũng cho rằng, nếu xảy ra cháy ở các cây xăng trên địa bàn thành phố thì đều nguy hiểm cả, bởi các cây xăng đều nằm trong khu dân cư. Theo tôi việc quá nguy hiểm, quá báo động. Với các cây xăng mới xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng đã rõ, tiêu chuẩn gắt gao, song với hơn 500 cây xăng cũ, tỷ lệ đạt mức tiêu chuẩn rất ít.

Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội lo ngại về việc xử lý đối với những cây xăng không đạt chuẩn, bởi sẽ khó làm vì nhiều trạm xăng vốn đã tồn tại từ 20 năm nay. Khi mới được xây dựng, những cây xăng này nằm ở khoảng cách đảm bảo an toàn, nhưng qua thời gian, nhiều hộ dân lấn ra. Bên cạnh đó, còn do quỹ đất của TP Hà Nội eo hẹp, mật độ dân cư cao, lượng xe lớn nên nhu cầu xăng dầu trong nội thành khá cao.

Nếu quyết liệt di chuyển các cây xăng khỏi nội đô thì người dân khi muốn đổ xăng lại phải ra ngoại thành. Ví dụ người dân ở quận Hoàn Kiếm muốn đổ xăng sẽ phải sang Gia Lâm, sau đó lại qua cầu để đi về. Như vậy có bất hợp lý quá không? - Thiếu tướng Nghi đưa ra giả thiết.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cho biết: Mỗi năm trung bình có 230 đến 250 vụ cháy nổ. Năm 2012 giảm 13%, từ 220 xuống 197 vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2013 có 76 vụ cháy nổ (75 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm chết 3 người, bị thương 11 người, thiệt hại 16 tỉ đồng). So với cùng kỳ giảm 49 vụ, 5 người chết, giảm thiệt hại về tài sản. Muốn đẩy lùi hỏa hoạn cháy nổ trên địa bàn Hà Nội, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội trông đợi khá nhiều ở công tác tuyên truyền về PCCC.

Giáo dục ý thức, nhận thức về PCCC cho cả các hộ gia đình, trường học là rất quan trọng. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, vì trong thời gian vừa qua, việc chấp hành quản lý chưa tốt. Đặc biệt là công tác xử lý, xử phạt vi phạm. Ngoài ra, cần sự giúp đỡ, phối hợp của các cơ quan chức năng và người dân, đặc biệt là cơ quan thông tấn, báo chí.

Thiên Minh