Hãy sử dụng quyền lực tối cao của người tiêu dùng

06:00 | 28/07/2013

1,022 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa bao giờ hàng bẩn lại bủa vây con người như bây giờ. Từ cơm ăn, áo mặc đến những loại hàng thiết yếu sử dụng trong đời sống hằng ngày, dù ít hay nhiều đều nhiễm chất độc. Tuy nhiên, với những sản phẩm đó, người ta chỉ còn cách phân biệt để sử dụng, dẫu sự phân biệt ấy cũng chỉ mù mờ, lơ ngơ. Còn quyền lực tối cao của người tiêu dùng là tẩy chay lại chưa được tận dụng đến.

Nguyễn Bách (NLM số 240)

Từ quần bò… gây bệnh

Sau vụ áo lót Trung Quốc chứa chất lạ, mặc dù có kết luận của cơ quan chức năng trong nước là không ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng nhưng thực sự vẫn gây hoang mang, nhất là cho chị em phụ nữ thì nay lại đến quần bò (quần Jean) sản xuất tại đất nước có hơn 1 tỉ dân này có thể gây bệnh nguy hiểm chết người có tên là silicosis. Nguyên nhân dẫn đến bệnh này là do công nghệ mài vải jean bằng cát của các nhà máy sản xuất Trung Quốc. Trong khi công nghệ này từ năm 2000 một bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện ra có chứa silica, một khoáng chất trong cát có thể gây bệnh phổi chết người không những cho công nhân trực tiếp sản xuất mà còn cho người sử dụng.

Và đến năm 2004, thì các hãng thời trang lớn như Armani, Levi Strauss, Mango, Burberry… đã nghiêm cấm sử dụng công nghệ dùng cát để mài quần Jean và vải Jean. Thế nhưng 5 nhà máy sản xuất quần Jeans lớn hiện nay của Trung Quốc vẫn sử dụng, trong đó có nhà máy chuyên sản xuất quần Jean cho Hãng H&M, Levi và có tới 4% thị phần ở Mỹ là sản phẩm của họ. Thay vì sử dụng phương pháp an toàn hơn là dùng giấy ráp để mài quần, 5 nhà máy sản xuất quần Jean nói trên của Trung Quốc đã phun cát vào vải (hoặc quần) rồi làm tăng tốc quá trình mài mòn. Họ cho rằng làm cách này “công nghiệp” hơn dẫn đến năng suất cao hơn, chi phí lại rẻ hơn so với cách thủ công là dùng giấy ráp.

Công nhân mài quần bò bằng công nghệ phun cát

Cùng với quần bò gây bệnh thì một số loại vải Trung Quốc, đặc biệt là vải màu xanh và trắng chuyên dùng để may đồng phục học sinh cũng được phát hiện có nhiễm chất độc từ thuốc nhuộm có tên là aromatic amine. Chất độc này theo nghiên cứu của một bệnh viện ở Thiên Tân có thể gây bệnh ung thư bàng quang nếu sự tiếp xúc của da với nó nhiều lần. Phòng Giáo dục Thượng Hải, Trung Quốc sau khi kiểm tra, khảo sát đã phát hiện 6 nhà máy sản xuất đồng phục học sinh lớn nhất thành phố đã sử dụng thuốc nhuộm này để nhuộm vải may đồng phục và dư lượng để lại trên vải vượt quá mức cho phép. Trong tiêu chuẩn cho phép của Trung Quốc thì lượng thuốc nhuộm aromatic amine trên vải không được quá 20 phần triệu. Một số nhà máy đã giải thích trước sự việc trên: “Để đáp ứng thị trường có thu nhập thấp thì họ phải sử dụng nguyên liệu kém chất lượng”.

Không chỉ quần bò, vải may mặc mà nhiều sản phẩm khác của Trung Quốc cũng đều nhiễm chất độc hại. Theo cơ quan quản lý nước này, một số công ty như Bằng Phúc (Thâm Quyến) chuyên may sản xuất thương hiệu FDZ T-shirt; xí nghiệp may mặc Trung Sơn chuyên đồ Jeans, cotton; Công ty TNHH Vũ Phong (Quảng Châu) với sản phẩm chính là đồ lót nữ… đều có sản phẩm tồn tại hóa chất sinh học gây ung thư. 

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, hàng may mặc xuất xứ từ Trung Quốc tràn lan, thậm chí chiếm đại đa số thị phần, kể cả những sản phẩm được coi là “hàng hiệu”. Bởi vậy, với những quần áo gây bệnh của Trung Quốc không thể nói là không đến với người tiêu dùng. Một điều chắc chắn rằng, bất kể người dân nào, với quần áo mặc trên người dù nhãn mác có ghi “Made in Vietnam” hẳn hoi, nhưng cũng không khỏi nghi ngại: “Hàng Trung Quốc cũng nên”.

… Đến cá nhiễm độc

Tương tự, thực phẩm bẩn, nhiễm chất độc hại có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng ngập tràn thị trường nội địa. Đi đến đâu, dù siêu thị hay các cửa hàng bán buôn, bán lẻ, rong ruổi hè đường, đều nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt là trái cây như táo, lê, dưa vàng v.v… Có lẽ không cần phải kể thêm, chắc các bạn cũng hình dung được nó nhiều đến mức nào và mức độ độc hại đến đâu. Bởi các cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng tải quá nhiều. Chỉ có điều đáng nói là mới đây, cá tầm, loại hải sản trở thành khoái khẩu của nhiều người do cá chỉ có thịt và sụn, không có  xương được nuôi ở Trung Quốc, xuất sang Việt Nam (tất nhiên theo hình thức nhập lậu vì cá này chưa được phép nhập khẩu vào Việt Nam) nhưng lại trong tình trạng nhiễm hóa chất cấm.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do tình trạng nhập lậu cá tầm, cá trê, cá quả Trung Quốc vào Việt Nam nhiều nên cơ quan chức năng đã lấy ngẫu nhiên 30 mẫu tại các chợ đầu mối ở Hà Nội để kiểm nghiệm (mỗi loại 10 mẫu). Kết quả cho thấy hơn 10% nhiễm hóa chất độc hại, trong đó mẫu cá tầm và cá trê có Leuco Malachite, một chất được sử dụng để diệt vi khuẩn và nấm ngoài da của thủy sản nhưng đã bị cấm từ năm 2007 do bị tồn dư nhiều trong gan, thận, gây nhờn thuốc Tây y và gây bệnh nan y cho các cơ quan nội tạng. Còn mẫu cá quả nhiễm kháng sinh AOZ, cũng là loại kháng sinh được khuyến cáo không sử dụng trong nuôi thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cảnh báo: “Tình trạng buôn bán, vận chuyển cá tầm không rõ nguồn gốc xuất xứ không những đe dọa nghề nuôi cá tầm trong nước mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nguyên do là phần lớn cá này đều nhập lậu, không được kiểm soát chặt chẽ về dịch bệnh và mức độ an toàn thực phẩm…”.

Và để qua mắt các nhà chức trách cũng như làm “sạch” nguồn gốc xuất xứ cá tầm nhập lậu nhằm trục lợi, nhiều thương gia cả trong nước lẫn Trung Quốc đã “bắt tay” với nhau để đưa cá tầm Trung Quốc vào “rửa” tại các trại nuôi thủy sản, nhất là ở khu vực Lai Châu, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai… bằng cách đổ vào đầm nuôi một thời gian ngắn trước khi bán ra cho người tiêu dùng.

Phải biết “tẩy chay” hàng bẩn

Vậy, với vô số hàng bẩn, thực phẩm thiếu an toàn tràn ngập trên thị trường mà hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ là một ví dụ thì đối với người tiêu dùng không có gì mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn là nói “không” với những sản phẩm này để loại bỏ nó khỏi đời sống. Bởi những người kinh doanh hàng hóa, thực phẩm bẩn mưu đồ trục lợi trên lợi ích của người tiêu dùng thì chỉ khi người tiêu dùng cắt bỏ vĩnh viễn sự trục lợi đó mới mong được dùng hàng sạch. Còn nhiều người quan niệm rằng, mặc dù hàng kém chất lượng nhưng lại phù hợp với túi tiền và “không ăn thì biết ăn cái gì” thì đấy chính là sự thỏa hiệp, “tự giết mình”…

Và bằng chứng là người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm bẩn hằng ngày do sự “thỏa hiệp”… đó. Chúng ta đã thấy, cách đây chưa lâu, trên là trời, dưới là lê, táo… của Trung Quốc. Nhưng sau khi các cơ quan báo, đài đưa tin dày đặc về sự độc hại của chúng do tồn dư hóa chất vượt mức cho phép nhiều lần, phần lớn người dân, đặc biệt là ở thành phố đã tẩy chay và kết quả là những loại trái cây này giảm hẳn ở các khu vực chợ, siêu thị về số lượng. Bởi vậy, một lần nữa xin được nhấn mạnh: hãy sử dụng quyền lực tối cao của người tiêu dùng để bảo vệ mình và sức khỏe cộng đồng!

PGS.TS Trần Hồng Côn, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội khuyến cáo: Để giảm hóa chất độc hại, kể cả chất gây ung thư trên sản phẩm may thì trước khi mặc nên giặt nhiều lần. Việc giặt này sẽ "trung hòa" làm giảm độc tố. Khi mua quần áo, nên tránh mua những loại có mùi khó ngửi. Nếu quần áo nhuộm, phải giặt đến khi nào "thôi" hết màu nhuộm mới mặc. Trẻ em không nên ngậm, mút quần áo…

Nguyễn Bách