Đa dạng các bộ sách giáo khoa sau 2015

07:00 | 15/12/2013

1,289 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo dự thảo lần 1 đề án Đổi mới chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, giai đoạn 2014 – 2015, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT đã đưa ra quan điểm mới “dần dần tiến tới việc đa dạng SGK”.

Chương trình thiết kế thành 2 giai đoạn

Hơn 1/3 số trang của dự thảo đề án được dành cho việc phân tích những thành công - thất bại của chương trình - SGK hiện hành và những bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong vấn đề này, đồng thời trình bày xu hướng làm chương trình - SGK của thế giới.

Đặc biệt, quan điểm về phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hòa giữa “dạy chữ”, “dạy người” và tiếp cận nghề nghiệp được nhấn mạnh trong dự thảo khi nói về định hướng chương trình – sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015. Chương trình sau 2015 không phủ nhận hoàn toàn chương trình hiện hành mà có tính kế thừa, đồng thời vận dụng kinh nghiệm của quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

Từ năm 2015, chương trình học được điều chỉnh giảm số môn bắt buộc.

Với thiết kế chương trình mới lần này, Bộ dự kiến xây dựng phù hợp với thời lượng dạy học. Cụ thể, tiểu học 2 buổi/ngày, trung học 1 buổi/ngày. Chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học và hoạt động giáo dục nhằm đảm bảo tính thống nhất và hệ thống. Chương trình được thiết kế theo 2 giai đoạn: Cấp tiểu học và THCS là bắt buộc (giáo dục cơ bản), cấp THPT là nâng cao, phân hóa và tiếp cận nghề.

Chương trình cũng được thiết kế theo hướng tăng cường tích hợp ở cấp tiểu học và cấp THCS, phân hóa rõ dần từ cấp tiểu học đến cấp THCS và sâu hơn ở cấp THPT. Giảm số lượng môn học bắt buộc trong mỗi cấp học, lớp học và tăng các môn học, các chuyên đề tự chọn đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, kỹ năng, năng khiếu, tiếp cận nghề nghiệp của học sinh.

Một trong những phương pháp dạy học được Bộ hướng tới là chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội và nghiên cứu khoa học. Cân đối giữa dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục; giữa hoạt động tập thể, nhóm nhỏ và cá nhân; giữa dạy học bắt buộc và dạy học tự chọn… để vừa phát triển năng lực cá nhân vừa đảm bảo chất lượng giáo dục chung cho mọi học sinh.

Tiến tới đa dạng sách giáo khoa

Một hay nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) vẫn là một trong những vấn đề được quan tâm trong lần đổi mới giáo dục phổ thông sắp tới. Dự thảo đề án lần này nêu rõ: “Dần tiến tới việc đa dạng SGK” và Bộ GD-ĐT cũng xác định đây là xu thế chung của các nước tiên tiến, SGK là một tài liệu dạy học quan trọng nhưng không phải là tài liệu duy nhất mà có thể có nhiều bộ khác nhau cho một môn học. Giáo viên và học sinh có thể tham khảo từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.

Từ định hướng này, Bộ cho biết sẽ công khai các tiêu chí đánh giá SGK để làm căn cứ cho việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt sử dụng SGK trong các cơ sở giáo dục. 

Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ địa phương có thể xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học phù hợp với đặc điểm của địa phương. Tuy nhiên, tất cả các tài liệu này phải do Hội đồng thẩm định cấp địa phương và Bộ GD-ĐT phê duyệt. Từng bước biên soạn, thử nghiệm và sử dụng sách giáo khoa điện tử ở những nơi có điều kiện.

Bộ GD-ĐT xác định sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa trong giáo dục.

Sau khi xây dựng chương trình tổng thể (thử nghiệm), Bộ GD-ĐT sẽ trưng cầu ý kiến về dự thảo này và thẩm định lần thứ nhất. Trên cơ sở đó xây dựng dự thảo chương trình các môn học từ lớp 1 đến lớp 12. Dự thảo chương trình các môn học này cũng sẽ được trưng cầu ý kiến và thẩm định lần thứ nhất để làm cơ sở biên soạn SGK (thử nghiệm) của các môn học.

Toàn bộ CT - SGK các môn học ở mỗi lớp và mỗi cấp học sẽ được thử nghiệm theo hình thức một vòng cuốn chiếu theo cấp học, bắt đầu thử nghiệm đồng thời từ các lớp đầu cấp  (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) của cả ba cấp học.

Mỗi vùng kinh tế - xã hội chọn một số tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng thành thị, nông thôn tham gia thử  nghiệm; mẫu thử nghiệm có khoảng 2% số trường phổ thông của cả nước. Bộ xác định mỗi chương trình đều cần có các yếu tố đảm bảo, quan trọng nhất là chất lượng đội ngũ giáo viên, năng lực cán bộ quản lý và cơ sở vật chất nhà trường.

Vì vậy việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục mới chỉ được thực hiện ở những nơi đã có đủ điều kiện đảm bảo, nơi nào chưa đủ thì tích cực chuẩn bị để sớm đủ các điều kiện cần thiết và triển khai áp dụng chương trình giáo dục mới.

Các trường và địa phương cũng sẽ được trao quyền “linh hoạt” trong việc thực hiện chương trình, miễn là đảm bảo mục tiêu, chuẩn và nội dung chương trình giáo dục phổ thông có tính thống nhất trên toàn quốc. Như vậy, các tỉnh/ thành có thể xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy học phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhưng những tài liệu này phải được thẩm định bởi hội đồng thẩm định cấp địa phương và được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Các trường có quyền bố trí, sắp xếp kế hoạch, bổ sung một số nội dung học tập phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng trường (gọi là chương trình giáo dục nhà trường).

Nhã Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...