Bệnh viện những ngày giáp Tết (Bài 2)

06:00 | 30/01/2014

1,138 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã sắp đến thời khắc chuyển giao thiêng liêng sẽ điểm để chào đón năm mới, tiễn biệt năm cũ. Ấy thế mà, không như những dòng người đang tấp nập sắm sanh cho Tết, có những người vẫn đang tận tụy với công việc để hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoàn thành trách nhiệm của một người có lương tri nghề nghiệp. Họ chính là những bác sĩ khoác màu áo trắng.

>>  Bài 1: Tết này con không về

Bài 2: Bác sĩ không có Tết?

Trực thì không nghĩ đến Tết

Nếu như ngoài đường phố không khí Tết đã tràn ngập với sắc đào đỏ thắm, cờ hoa rực rỡ thì trong các bệnh viện, không khí trầm lắng hơn, chỉ thể hiện đâu đó trên những cành hoa được cắm bày trong góc phòng làm việc, vẫn một không khí làm việc nghiêm túc như mọi ngày, vẫn không có gì thay đổi như Tết chưa đến ngoài kia. Các nhân viên y tế vẫn cặm cụi với hồ sơ bệnh án, với kim tiêm, ống nghe... những “vật bất ly thân” trong nghề nghiệp.

Tại Khoa Sơ sinh của Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em, một khoa được coi là một trong những khoa vất vả nhất Viện, hai bác sĩ trực cùng gần 10 y tá, điều dưỡng viên... xoay trần với gần 200 trẻ sơ sinh đang phải nằm lại viện. Nếu như chăm sóc một trẻ sơ sinh bình thường đã khó khăn, với ngần ấy trẻ sơ sinh, lại mắc bệnh lý, công việc càng nặng nhọc hơn.

Bác sĩ Trần Văn Tú, ngồi bên chồng bệnh án cao ngất, tâm sự với chúng tôi: “Chúng tôi đã quá quen với công việc này nên không cảm thấy băn khoăn mỗi khi phải trực Tết. Mà nói thực, chỉ khi kết thúc ca trực, bước chân ra khỏi cơ quan, chúng tôi mới nghĩ đến Tết. Còn đã trực thì không thể nghĩ đến Tết được. Bởi tính mạng, sức khỏe của mỗi sinh linh nhỏ bé nằm kia không cho phép chúng tôi lơi là, phân tán tư tưởng mà phải theo dõi từng hơi thở, bữa ăn, giấc của các bé. Tết không thể len lỏi vào Bệnh viện. Cùng lắm, mỗi bữa ăn trong ngày trực của chúng tôi mới cho thấy là Tết đã đến Bệnh viện mà thôi”.

Các bác sĩ túc trực không kể ngày Tết, ngày nghỉ.

Bác sĩ Tú cho biết, theo quy định được nghỉ 9 ngày Tết, thì 9 ngày ấy, mỗi ngày có hai bác sĩ trực cùng gần 10 y tá, điều dưỡng viên và chế độ được hưởng trong những ngày trực Tết tất nhiên hơn hẳn ngày thường. Nếu ngày thứ 7, chủ nhật tiền trực được khoảng 120 nghìn đồng/ngày thì Tết tăng gần gấp đôi với thời gian trực 24 tiếng. Bác sĩ, Trần Diệu Linh, Phó trưởng Khoa Sơ sinh cho biết thêm, đối với những gia đình trẻ sơ sinh nào khó khăn, Bệnh viện có chế độ hỗ trợ và thậm chí trong những ngày Tết cũng được ăn miễn phí tại Bệnh viện.

Trong những ngày Tết, được biết, Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh sẽ có 20 khoa lâm sàng túc trực 100% cùng với lãnh đạo, hành chính, bảo vệ an ninh... theo đúng quy định của Bộ Y tế với mục tiêu: “Bảo đảm người bệnh, nhân dân được chăm sóc, điều trị chu đáo, kịp thời”.

100% ứng trực

Không chỉ Viện Bảo vệ Bà mẹ và trẻ sơ sinh mà bệnh viện nào cũng vậy, trong dịp Tết, phải bảo đảm công tác ứng trực 100%. Như Khoa Nhi Ung Bướu, cơ sở 2 Tam Hiệp, với mỗi lượt điều trị 30-40 bệnh nhân nên ở đây ngày Tết cũng như ngày thường, lúc nào cũng phải có kíp trực. Còn về phía bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Đại Bình, phó giám đốc Bệnh viện K, cơ sở 2 cho biết: “Năm nay, nghỉ Tết dài nên chúng tôi đã lên lịch trực Tết từ lâu. Hiện tại, lịch trực được phân theo tuyến, tuyến cán bộ, tuyến bác sĩ và tuyến y tá điều dưỡng trực chiến tại các khoa. Các quy chế về lương thưởng, trực tết của các cán bộ công nhân viên đều theo quy định chung từ Bệnh viện K1.

 Về công tác từ thiện thì bác sĩ Trần Văn Công, trưởng khoa Nhi Ung bướu cho biết: “Với đặc thù là một khoa Nhi gặp bệnh hiểm nghèo nên bệnh nhi ở Khoa chúng tôi có thể coi là được nhiều sự quan tâm từ xã hội nhất. Đã có những đội từ thiện hoạt động thường kỳ hàng tuần, hàng tháng… của các nhóm tình nguyện: Lá Me Xanh, CLB Chắp Cánh ước mơ, Hướng Thiện hay chương trình của các nghệ sĩ như Mang Âm nhạc đến Bệnh viện của ca sĩ Thái Thùy Linh… Quỹ “Ngày mai tươi sáng” của Bộ Y tế cũng hỗ trợ cho các bệnh nhân bị bệnh ung thư. Qũy được phát động hơn 2 năm và mỗi trường hợp cháu nhỏ bị mắc bệnh ung thư có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ kinh phí điều trị.

Nhóm từ thiện Lá Me Xanh trao quà tết cho các bé ở Khoa Nhi Viện K2.

“Đặc biệt những ngày cuối năm này, rất nhiều các nhà từ thiện đã đến với các cháu, với những hoạt động thiết thực để chung tay với gia đình, với bác sĩ xoa dịu nỗi đau cho các cháu. Tôi đánh giá cao những tấm lòng hảo tâm. Bản thân tôi nhiều năm gắn bó với khoa, hiểu và rất thương các cháu. Nhiều hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tôi mừng vì khoa và Viện nhận được nhiều sự chia sẻ từ các cá nhân, tập thể… bù đắp phần nào những thiệt thòi cho trẻ nhỏ”,  bác sĩ Công chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Công thì đối với những trường hợp phải ở lại dịp Tết, phía bệnh viện cũng có phát quà mừng năm mới, tặng bánh chưng… Đêm giao thừa, các bác sĩ, cán bộ công nhân viên trong kíp trực sẽ đến tận giường bệnh để tặng quà, thăm hỏi động viên chia sẻ với bệnh nhân và gia đình.

Hiện tại, số bệnh nhân phải ở lại cơ sở 2 của Bệnh viện K được biết là 60 bệnh nhân.

Hy sinh cũng là vinh dự

Tại Viện nhi Trung ương, lịch trực Tết đã được lên kế hoạch một tháng trước. Với gần 1.000 cán bộ nhân viên trong 41 khoa chuyên môn nên việc điều chỉnh, lên kế hoạch trực tết là một công việc khá phức tạp. Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Thanh Hải, Giám đốc Viện Nhi TƯ, trong dịp Tết Nguyên đán 2014, bệnh viện đã đưa ra các phương án thường trực, thuốc dự phòng và thành lập ban chỉ đạo phòng chống cháy nổ, cũng như dịch bệnh. Bệnh viện cắt cử hơn 200 cán bộ, nhân viên y tế thường trực trong dịp Tết.

Bệnh viện cũng có kế hoạch bảo đảm chu đáo cho bệnh nhân cũng như các cán bộ, nhân viên trực tại bệnh viện ăn miễn phí trong bốn ngày Tết, tổ chức tặng quà cho những bệnh nhân nặng phải ở lại bệnh viện. Mặt khác, hệ thống đường dây nóng của bệnh viện cũng được xử lý nghiêm túc theo chỉ thị 09 của Bộ trưởng Bộ Y tế để có thể xử lý các trường hợp khẩn cấp, khiếu nại về tác phong làm việc của các cán bộ, nhân viên…

Thực tế chúng tôi tìm hiểu tại các chuyên khoa lâm sàng của bệnh viện, lượng bệnh nhân khám và điều trị tại các khoa trong dịp tết hầu như không giảm. Trung bình đều khoảng gần 1.000 lượt bệnh nhân/ngày. Tết năm nay, Chính phủ cho phép nghỉ 9 ngày. Bởi vậy, cán bộ y tế thường trực trong dịp tết được xếp lịch ưu tiên cho các cán bộ có quê ở các tỉnh xa được về quê ăn tết nhưng ít nhất cũng phải trực trong vòng 3 đến 5 ngày.

Chị Phương Thảo, nhân viên khoa Điều trị Tự nguyện A cho biết: “Tổ chúng tôi gồm 5 người, có 2 người quê tận Sơn La, Hà Tĩnh. Bởi vậy để ưu tiên cho đồng nghiệp về quê ăn tết, 3 người còn lại phải chia nhau trực từ ngày 29 đến mùng 3 tết. Mỗi người “gánh” cho nhau một chút là truyền thống của chị em trong nghề chúng tôi”.

Là một bác sĩ có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, Tiến sĩ Trần Thanh Tú, Trưởng khoa Điều trị tự nguyện A cho biết: “Ngành y là một ngành đặc thù, khi lựa chọn ngành này chúng tôi đã và luôn hiểu rằng phải sẵn sàng hy sinh nhiều thứ mà ở người bình thường luôn có. Bởi ngành này không cho phép chủ quan và sai lầm. Là một khoa có 100% cán bộ, nhân viên là nữ, chúng tôi không ít lần phải động viên các y tá, nhân viên trẻ, nhất là dịp Tết. Vì trong khi nhiều chị em được đoàn tụ gia đình ngày Tết thì họ phải làm việc như ngày thường. Tôi cho rằng đó là sự hy sinh nhưng cũng là vinh dự của ngành y”.

Nhóm phóng viên