Vẫn là… “lão Quềnh”

10:14 | 25/01/2015

2,092 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thông tin “Lão Quềnh” của "Đất và Người" nhập viện, đã thế lại còn mắc phải căn bệnh ung thư quái ác khiến nhiều khán giả yêu mến ông bàng hoàng, xót xa.

Biết tin “lão Quềnh” bệnh nặng, căn phòng ở tầng 8, khoa Ung Bướu, Bệnh viện 198 đông người ra vào hẳn, ai cũng lo lắng đến bệnh tình của lão. Nhắc đến bệnh ung thư, ai mà chẳng khiếp, nhận kết quả xét nghiệm chẩn đoán bệnh này, có khác gì nhận “án tử”. Ấy thế mà “lão Quềnh” mắc, lại còn mắc ở cấp nguy hiểm khi căn bệnh ung thư phổi đã… di căn.

Khỏi phải nói, ai nghe tin này cũng thấy hụt hẫng, những người yêu quý “Quềnh trọc” hẳn đều bị ám hình ảnh: Một lão nông lúc nào miệng cũng chực cười hềnh hệch, mở miệng ra là “không nên trì hoãn cái sự sung sướng ấy lại” trong phim…Vậy không biết bây giờ trên giường bệnh, lão Quềnh sẽ ra?!

Nghệ sĩ Hán Văn Tình

Tên thật của “lão Quềnh” là Hán Văn Tình nhưng người ta vẫn muốn gọi anh với cái tên “Quềnh” tếu táo. Đã 12 năm kể từ ngày Đất và Người lên sóng truyền hình, “Quềnh trọc” vẫn sống trong lòng khán giả như thế. Ở căn phòng nơi anh điều trị căn bệnh ung thư, thỉnh thoảng vẫn có người buột miệng gọi tên “Quềnh”.

Cố gắng không để lộ dáng vẻ mệt mỏi, cũng không than phiền về căn bệnh mà mình đang mang, dù từng tế bào ung thư quái ác đang hoành hành trong cơ thể thì điều đầu tiên “lão Quềnh” nói với mọi người vẫn là: “Đừng lo, mình không thể tuyệt vọng”. Lão Quềnh tếu táo: "Mình nào đâu có hút thuốc nhiều nhỉ, chỉ thi thoảng vui vẻ cùng anh em thì mình uống chút bia, chút rượu thôi. Sao nó (bệnh ung thư-PV) vẫn mò đến nhỉ?!”. Nghe lời lão nói, ai cũng phải phì cười, quả thực không hổ là người con của tổng Văn Lang.

Được biết, “lão Quềnh” phát hiện bệnh cách đây chừng hơn một tháng. Trước đó, anh thường thấy có biểu hiện lạ, sức khỏe giảm sút nhiều nhưng phải đợi đến sau ngày công diễn vở tuồng   Tiếng gọi non sông  Hán Văn Tình mới yên tâm đi khám. Thời gian trước công chiếu vở tuồng vào ngày 27/12/2014, nghệ sĩ ốm nhiều, không ít lần bị ngất lịm.

Ngày 31/12/2014, nghệ sĩ Hán Văn Tình được đưa vào bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn điều trị vì quá kiệt sức. Sau đó, anh được chuyển sang bệnh viện Lao Phổi TƯ. Tại đây, anh được chẩn đoán ung thư màng phổi, đã di căn sang gan.

Ban đầu chị Lan - vợ nghệ sĩ Hán Văn Tình giấu không cho anh biết bệnh tình. Nhưng về sau, các bác sĩ thông báo bệnh anh đã ở thời điểm nguy kịch, cần phải xạ trị nên thấy không thể giấu thêm, chị Lan đành nói để anh rõ. Vậy nhưng ngay từ khi lờ mờ đoán bệnh, đến khi biết rõ mình bị ung thư đã di căn, “lão Quềnh” vẫn giữ vững niềm lạc quan, anh nói: “Mình quan niệm con người đều phải theo ý trời, điều gì đến sẽ phải đến, mình sẵn sàng đón nhận nó". 

Chính vì thế mà tâm sự về việc “trốn viện” về nhà chữa trị bằng thuốc nam, lão Quềnh cũng nói nhẹ tựa lông hồng. Anh bảo: “Điều trị bệnh này tốn kém, mình thì không có điều kiện, mà như mình được biết thì những bệnh như thế này có điều trị cũng chỉ là kéo dài thời gian…”. Lão Quềnh bỏ lửng câu nói, cũng không ai dám hỏi thêm bởi ai cũng biết trong lòng “lão” đang nặng những bộn bề.

Nghệ sỹ Hán Văn Tình lạc quan trong bệnh viện

Nhập viện khẩn cấp vào đêm 23/1, mặc dù nhiều lúc phải thở bằng bình ôxi nhưng trên giường bệnh trong những câu chuyện cố gắng tếu táo của mình, “lão Quềnh” vẫn gắng gượng cười. Thế nhưng điệu cười của lão đã thiếu giòn, ánh mắt cũng hoang hoải một nỗi buồn. 

Có thể so với Sở trong Bão qua làng, Lão Trọc trong Canh Bạc, Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng, lão Quềnh trong Đất và Người… thì những vai diễn trong bộ môn nghệ thuật tuồng của nghệ sĩ Hán Văn Tình bị lu mờ hơn hẳn. Nhưng  lý do của sự hạn chế là nghệ thuật tuồng ít có cơ hội để đến với phần đông công chúng. Bởi những vai diễn như Lý Đại Hỷ trong Tiếng Thét trong hoàng cung, Sứ Nguyên trong vở Trần Hưng Đạo , Thổ Công trong Bạch Tinh, Kiều Công Tiễn trong Tiếng gọi Non sông … thì Hán Văn Tình đều tạo được dấu ấn riêng.

Có xem nghệ sĩ diễn tuồng mới hiểu, chỉ có tình yêu mới với nghệ thuật truyền thống, mới có thể nhập tâm vào từng vai diễn đến vậy. Dưới từng vai diễn, Hán Văn Tình đã làm mềm bộ môn nghệ thuật vốn khô cứng ấy.

Quả thật không dễ khi, một anh chàng mới học lớp 7, nặng chưa đầy ba chục cân, cao không đủ 1,4m, chỉ một tay xách nhẹ… mà dám làm một việc không tưởng là thi vào trường Đào tạo sân khấu vào năm 1973. Để rồi chính vì thân hình khiêm tốn ấy mà khi “đỗ vớt” vào trường, cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nghệ sĩ Hán Văn Tình không mấy thuận lợi. Người viết bài này cũng từng đặt câu hỏi: Bén duyên với điện ảnh, với hài như thế tại sao nghệ sĩ không chớp cơ hội, biết đâu lại... đổi đời, biết đâu đấy?!!. Thế nhưng, ý nghĩ này tuyệt nhiên không mảy may xuất hiện trong đầu nghệ sĩ Hán Văn Tình…

Có lẽ, những người đã may mắn tiếp xúc với người nghệ sĩ này đều chẳng thể nghi ngờ tình yêu với tuồng của anh. Bởi để gắn bó với tuồng đến ngày hôm nay, anh cũng đã từng phải bôn ba buôn bán, làm đủ các việc từ: mắc điện, lái xe thuê đến sửa chữa xe… để kiếm sống, nuôi nghề.

Trong những câu chuyện kể với báo giới, Hán Văn Tình hay nhắc nhớ đến tình yêu với nghệ thuật tuồng. Nghệ sĩ bảo: “Mình với tuồng như thể con sáo đã trót ăn mặn, đã trót yêu và gắn bó”. Nên dù khi đã bén duyên với điện ảnh, có nhiều cơ hội để “đổi đời” thì người nghệ sĩ này vẫn quyết “sống chết” với tuồng.

Một đời gắn bó, hy sinh vì nghệ thuật nhưng đến bây giờ khi lâm bệnh trọng, người nghệ sĩ ấy vẫn phải “chắt bóp” để quyết định mệnh sống của mình. Quả thực xót xa! Điều làm ai cũng phải suy nghĩ là trong câu chuyện khi được hỏi về điều nghệ sĩ Hán Văn Tình nghĩ lúc này? Thì anh chỉ bảo tiếc, tiếc là bởi sắp đến Tết rồi, anh sẽ không được gặp lại mọi người trong những đĩa hài tết như mọi năm.

Nghệ sĩ Hán Văn Tình nói: “Là nghệ sĩ thì phải say mê với nghề, nghề của mình là đem lại tiếng cười thư giãn cho khán giả. Giờ không có điều kiện phục vụ mọi người nữa quả thực mình rất tiếc, nếu có thêm thời gian, thêm sức khỏe để thực hiện những dự định còn dang dở thì tốt biết mấy…”.

Huyền Anh (Tổng hợp)