Thị trường âm nhạc thủ đô đã qua thời uể oải
Cuộc đổi ngôi ngoạn mục
Trước đây, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vốn có đời sống văn nghệ khá im ắng. Minh chứng là các show diễn tỉnh chỉ ở mức lèo tèo, phòng trà, sân khấu, nơi tổ chức các hoạt động giải trí, giao lưu văn hóa lại ít ỏi. Điều đó khiến cho các nghệ sĩ khó có chỗ hành nghiệp nên đành phải ngậm ngùi xách valy Nam tiến. Quay lại thời điểm vài năm trước đây, “Nam tiến” vốn là lựa chọn hiển nhiên với những ca sĩ miền Bắc mong muốn thành danh, mà tiêu biểu là các giọng ca tên tuổi như: Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương, Tuấn Hưng, Hoàng Hải… Khi đó, mảnh đất phía Nam trở thành miền đất hứa của các ca sĩ trẻ và cũng là nơi gặt hát, làm giàu của những ca sĩ đã thành danh.
Ngược với sự nhộn nhịp, sôi động của thành phố Hồ Chí Minh, suốt một thời gian dài, thị trường âm nhạc Hà Nội như một mảnh đất bị bỏ hoang. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng này là do công chúng nghe nhạc của Hà Nội xưa nay nổi tiếng khó tính. Khán giả vẫn chủ yếu đến các nhà hát để nghe âm nhạc mang hơi hướng “thính phòng” và thường kiếm tìm loại hình được cho là “âm nhạc đích thực”. Vì thế nếu không xuất thân từ một ngôi trường danh tiếng, không được đào tạo bài bản và có thẩm mĩ âm nhạc sang trọng thì ca sĩ khó có thể thành danh. Thế nhưng thời gian khoảng 2 năm trở lại đây, các ca sĩ lại râm ran trở về hoạt động tại miền Bắc như một phong trào.
Hồng Nhung là ca sĩ đã thành công từ thị trường Hà Nội
Minh chứng là trong khoảng thời gian gần đây, các chương trình âm nhạc lớn nhỏ liên tục được tổ chức. Mật độ liveshow diễn ra trong các tháng cuối năm dày đặc đã kéo theo cuộc đua trên nhiều phương diện giữa các êkíp nghệ thuật, khiến khán giả có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
Điều này chỉ ra rằng, thị trường âm nhạc đang có sự thay đổi khi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh dường như đang đổi chỗ cho nhau: Một bên rất sôi động trong khi bên kia lại rơi vào tình trạng bão hòa và khá im ắng. Trào lưu Nam tiến đã được coi như hết thời và rất nhiều ca sĩ, nhất là những tên tuổi đến đã thành danh đều không bỏ lỡ cơ hội để tổ chức live show tại Thủ đô. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này?
Phù hợp với quy luật của nghệ thuật
Dễ thấy là nếu không có khán giả thì không thể có thị trường, thế nên có cung ắt phải có cầu, khi thị trường Hà Nội càng trở nên sôi động thì các ca sĩ đã từng có thời gian rời bỏ Hà Nội vào phía Nam đều tìm cơ hội lần lượt để quay về thủ đô. Theo đó, xu hướng “ra Bắc” của nghệ sĩ lên ngôi không phải do nhu cầu hưởng thụ của người Hà Nội đang thay đổi nên họ “chịu chơi” bỏ tiền ra mua vé các chương trình âm nhạc lớn nhỏ, mà như phân tích của bầu sô M.H (quản lý của một ca sĩ đã từng Nam tiến) thì: “Trước đây, có người phác họa đồ thị biểu hiện sự phát triển của thị trường ca nhạc thành phố Hồ Chí Minh hơn ba mươi năm qua bằng một đường “zic zắc” có xen lẫn những nội hàm kỳ dị, và đồ thị ấy được xác định bởi một trục tung là chất lượng nghệ thuật và trục hoành là thước đo của thị trường.
Ca sĩ Ngọc Anh biểu diễn trong đêm nhạc Phú Quang
Điều đó cũng nói lên rằng, nghệ thuật trong đó có âm nhạc đều có quy luật nhất định của nó. Khi lên đến cao trào thì tất yếu có sự thoái trào và ngược lại. Cũng như một chu kỳ hình sin, thị trường âm nhạc Hà Nội đang trong giai đoạn đi lên. Điều này dễ hiểu bởi sau nhiều năm thụ hưởng văn hóa qua các loại hình nghệ thuật khác như điện ảnh, mỹ thuật…thì nay người Hà Nội đang trải nghiệm một loại hình mới đó là âm nhạc. Còn với thành phố Hồ Chí Minh sau từng đấy năm bùng nổ, sôi động đầy náo nhiệt và phát triển mạnh mẽ thì việc rơi vào thoái trào cũng là điều tất yếu”.
Điều này phù hợp với chia sẻ của nhiều nhà tổ chức, cũng như các bầu sô phía Nam rằng, thị trường âm nhạc đòi hỏi phải có sự đổi mới, và thị trường miền Nam cần có thời gian để tái tạo lại sau một thời gian dài chạy hết công suất. Thực trạng đang tồn tại hiện nay là thị trường âm nhạc đã quá bão hòa với hàng loạt các ngôi sao, và sự xuất hiện của các chương trình, các chiêu trò đều đã trở nên cũ và nhàm chán. Trong khi đó, thị trường giải trí khu vực miền Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh dù phát triển mạnh và sôi động nhưng lại theo bề rộng mà kém chiều sâu. “Câu trả lời thấu đáo cho vấn đề này không đơn giản, bởi lẽ trước hết phải ghìm cương con ngựa bất kham kéo dòng nhạc chạy theo thị hiếu rẻ tiền, sau đó phải tìm ra phương án tối ưu cho con đường nghệ thuật của thời kỳ công nghệ biểu diễn. Nói chung đó sẽ là một chặng đường còn dài và còn xa”, ông bầu trên chia sẻ.
Xuân Bách
-
TP HCM: Xe khách niêm yết giá thấp, bán giá cao
-
Vé máy bay dịp lễ tăng cao, du khách đổi hướng đi tàu hỏa
-
Bích Phương trở lại sau 2 năm, thừa nhận gặp khó khi hoạt động độc lập
-
"Tiếng hát Việt toàn cầu 2023”: Cuộc thi dành cho người Việt khắp thế giới
-
Giá vé như mơ tận hưởng trọn tiện ích - đặt ngay vé Deluxe, Vietjet thôi!
-
Khánh thành Công viên tượng đài và Nhà lưu niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu: Dấu ấn tri ân và tự hào dân tộc
-
Họa sĩ Nguyễn Hòa và trường phái trừu tượng biểu hiện
-
Tổ chức Hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định”
-
Tết cạn, Xuân về
-
Lễ cúng rằm tháng Giêng - Nét đẹp văn hóa trong tâm thức người Việt