Nhạc xưa sống mạnh là tất yếu!

07:32 | 14/09/2013

1,223 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề sức sống của “nhạc xưa” trong đời sống âm nhạc hiện tại và thực trạng của “nhạc nay” mà chúng tôi đề cập đến đã nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn cũng như đọc giả. PetroTimes xin giới thiệu các ý kiến của nhạc sĩ, ca sĩ về vấn đề này.

>> Nhạc xưa đang lấn át nhạc nay?

 

Nhạc sĩ Phú Quang: Đừng có nghĩ khán giả là “ngu”…!

Tôi không có khái niệm nhạc xưa, nhạc nay hay bất cứ một khái niệm nào khác mà chỉ có nhạc hay và nhạc dở.

Nhạc hay là những tác phẩm có giá trị thì được công chúng đón nhận, còn nhạc dở thì đương nhiên chỉ sống èo uột hoặc có khi “chết” ngay từ những phút đầu tiên được chào đời. Vậy mới nói, một tác phẩm nghệ thuật nó cũng giống như một bào thai, sinh ra không đủ dưỡng chất thì nó chết non, còn đầy đủ dưỡng chất thì nó phát triển khỏe mạnh và có sức sống lâu bền.

Nhạc sĩ Phú Quang

Cái gì cũng phải có nền tảng, những ca khúc hay đã là nền tảng cho nền âm nhạc một thời, điều đó không thể chối bỏ. Thực tế là nhạc hay mới có sức mạnh để sống trong lòng công chúng lâu đến thế, còn nhạc dở thì có phùng má trợn mắt lên cũng chẳng được.

Bản thân các dòng nhạc chẳng có sự lên xuống và cũng không có sự lấn át nào ở đây cả. Nhạc nào đáp ứng được thị hiếu thì nhạc đó được đón nhận. Là người làm nghệ thuật thì trước tiên là hướng đến khán giả. Làm một sản phẩm âm nhạc thì phải hết lòng trước, trên cơ sở có hiểu biết để làm nên những tác phẩm từ trái tim đến trái tim. Không có trái tim thì chẳng làm nên được điều gì và không hiểu biết thì cũng chẳng thuyết phục được ai.

Vậy nên khi làm nhạc thì phải xem lại mình, xem sản phẩm của mình thế nào trước đã, nếu không được chấp nhận là do cá nhân mình chứ không thể nghĩ khán giả là “ngu”, rồi la lối om xòm lên được. Anh sáng tác là anh phục vụ nhu cầu của người nghe, phục vụ không nổi là sự thất bại rồi. 

Nhạc sĩ Vũ Quốc Bình: “Nhạc nay” đang loay hoay không lối thoát!

Tôi cũng thuộc thế hệ nhạc sĩ xưa, dòng nhạc xưa giúp tôi yêu âm nhạc và đến với âm nhạc thế nên nó chiếm vị trí khá đặc biệt trong tôi. Việc dòng nhạc ấy tồn tại và phát triển khá mạnh trong thời gian gần đây, theo tôi là điều bình thường nếu không muốn là điều đáng quý. Vì điều gì tồn tại mãi bất chấp quy luật thời gian thì chắc chắn nó đã có một giá trị không thể phủ nhận.

Việc công chúng quay trở lại yêu thích nhạc xưa và khá nhiều nghệ sĩ thực hiện các dự án nhạc xưa theo tôi là cần thiết. Nó như hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm âm nhạc, trong đó có tôi!

NS Vũ Quốc Bình

Nhìn bức tranh toàn cảnh âm nhạc những năm qua , có vẻ người làm âm nhạc vẫn loay hoay trong những con lạch nhỏ ngoằn ngèo bế tắt không có lối thoát. Người có chuyên môn, có thể làm một điều gì đó hữu ích cho âm nhạc thì ngồi tít trên cao, phê phán kẻ dưới thấp nhưng lại chẳng làm gì cả! Sân chơi còn lại dành cho những “nhạc sĩ” mới tập tành viết lách… Có thể họ có năng khiếu nhưng thiếu vốn sống và chuyên môn, sau một vài thành công ban đầu nho nhỏ, vốn sống và vốn cảm xúc cạn kiệt, tác phẩm họ nhạt dần.

Và cuối cùng đi vào con đường sao chép rập khuôn một vài ca khúc nổi tiếng nào đó của thế giới, thậm chí của Việt Nam. Thế là dòng nhạc “robot công nghệ” lấn át tất cả. Ca sĩ thiếu ca khúc hay, công chúng nghe 100 bài như một… vì vậy việc ca sĩ và công chúng hướng sang một một món ăn tinh thần khác là lẽ tất nhiên… Tuy cũ nhưng ngon miệng còn hơn phải ăn mãi một món ăn đồ hộp công nghiệp.

Có ý kiến cho rằng nhạc xưa “lên ngôi” là vì nhạc nay đang có-vấn-đề, nhưng lý do đó chỉ là một… Điều quan trọng nhất mà ai cũng biết nhưng không ai nhắc đến là để hát dòng nhạc xưa ca sĩ phải có thực lực. Và đa số các dự án nhạc xưa đều là của các ca sĩ có giọng hát rất tốt. Công chúng hiện giờ mua vé để xem, để thưởng thức những giọng hát chinh phục người nghe…Có lẽ sau này công nghệ  studio và kỷ xảo PR chắc cũng không còn phát huy tác dụng nhiều lắm ở các tụ điểm sân khấu ca nhạc.

Bản thân tôi không tin nhạc xưa lấn át hay kiềm hãm sự phát triển của “nhạc nay”. Có chăng là một cú sốc choáng làm cho những người làm âm nhạc hiện nay chững lại chứ không thể buông tay. Tôi tin họ sẽ tìm được hướng đi, sẽ chỉn chu lại những dự án âm nhạc để chinh phục lại công chúng yêu nhạc trong thời gian ngắn nhất.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: Cái gì hay thì để nó phát triển tự nhiên!

NS Nguyễn Ngọc Thiện

Bấy lâu trong dòng chảy của nhạc Việt thì nhạc xưa vẫn có chỗ đứng nhất định rồi, đâu cần bàn cãi. Chúng ta không thể và không nên kìm hãm những phát triển tự nhiên như thế. Chính những yếu tố này làm nên quy luật đào thải và thực tế, đã có cả nghìn tác phẩm nếu không hay thì không đến được với khán giả. Nếu có là sự lấn át thực sự, là trào lưu thực sự thì nó cũng là phục vụ xu thế, sự đa dạng trong dòng chảy âm nhạc cũng là cái hay.

Tuy nhiên, trên bình diện làm mới những ca khúc cũ thì tôi thấy cũng không hay cho lắm. Bởi tâm lý người Việt khó tiếp nhận những cái mới, mà dòng nhạc xưa thì nó định hình ở xúc cảm rồi... nếu thay đổi thì cũng thật khó.

Bản thân tôi vẫn tin tưởng vào những ca khúc nhạc xưa, nó có nhiều thứ mà ngày nay những người sáng tác khó mà làm được. Thực tế, chúng ta đang có những sáng tác rơi vào trạng thái quẩn quanh trong đề tài, hơn nữa ca từ quá đỗi bình thường nếu không muốn nói là tầm thường. Nên cái gì hay là chứng tỏ nó có sức sống, cứ để nó phát triển tự nhiên. Bằng không đến một lúc nào đó chúng ta lại phải lo sự lấn át của một thể loại khác còn nguy hiểm hơn nhiều...

Ca sĩ Tấn Minh: Nhạc xưa đã nằm trong mạch máu của mỗi người dân Việt Nam

Tôi không cho rằng nhạc xưa đang trở lại, bởi nó vẫn tồn tại trong đời sống âm nhạc từ trước tới nay. Chúng ta đừng có nhìn vào một vài ca sĩ trẻ hát dòng nhạc đó mà cho rằng nó trở lại. Việc ca sĩ trẻ hát nhạc xưa cũng là chuyện bình thường nên không thể nhìn vào đó mà nói nó ảnh hưởng hay lấn át ai cả. Và tôi nghĩ rằng, mỗi một dòng nhạc đều có một thị phần riêng, một đời sống riêng. Tất cả các dòng nhạc đều tôn trọng lẫn nhau cũng phát triển.

Ca sĩ Tấn Minh

Nói riêng đến vai trò của nhạc xưa thì tôi cho rằng nó như một cái gì đó nằm sẵn trong máu con người Việt Nam rồi. Mà đã nằm sâu trong tiềm thức như vậy thì chờ nó sẽ trỗi dậy lúc nào thôi. Nó cũng giống như dân ca Việt Nam, những đứa trẻ được nghe những câu ru à ơi của mẹ từ trong bụng đến khi trào đời, rồi tuổi thơ theo năm tháng... vẫn được nghe. Nên giới trẻ có đón nhận nhạc xưa cũng là đương nhiên, chẳng có gì ghê gớm. Họ nghe thì họ có sự tìm tòi cái mới, âm nhạc nó là những món ăn, khẩu vị từng người khác nhau, hợp thì họ mới dùng không hợp thì họ bỏ.

Còn mối lo sợ nhạc xưa ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển của nhạc nay thì tôi nghĩ không phải. Nó phát triển thành dòng, nên cũng không ảnh hưởng đến điều gì cả. Nó vẫn cứ tồn tại song song như trước nay nó vẫn từng tồn tại. Tất nhiên, việc dựa vào nhạc xưa mà làm mới ở các bạn trẻ thì tôi cũng cho đó là sự hơi bế tắc. Bởi nhạc xưa vẫn được nhận định là một hướng đi, một lựa chọn an toàn, bởi từ trước tới nay những thành công của dòng nhạc này là không thể phủ nhận, tất nhiên để hay thì không có dễ vì vượt qua những bậc tiền bối là điều rất khó.

Hư Trúc – Huyền Anh (Thực hiện)