Làm sao để sách hay đến với độc giả?

07:20 | 27/09/2013

1,135 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đó là câu hỏi khó không chỉ cho những người đọc sách, mà còn là câu hỏi khó dành cho những nhà xuất bản, nhà làm giáo dục, nhà hoạch định chính sách… Bởi trong vô số cuốn sách trên thị trường hiện nay, việc tìm được một cuốn sách hay đúng nghĩa hay một cuốn sách phù hợp với mỗi người đọc thì không dễ chút nào.

Lâu nay, chúng ta vẫn thường kêu ca rằng, văn hóa đọc giờ xuống cấp quá, văn hóa nghe – nhìn đang lấn át mạnh mẽ. Và gần đây người ta giật mình với một thống kê: mỗi năm người Việt Nam đọc không quá một cuốn sách… Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ phân vân là đọc sách gì? Đọc như thế nào để có hiệu quả? Đọc có chọn lọc hay đọc như con vẹt? Các câu hỏi, băn khoăn đó đưa ra là thực tế vì lâu nay dường như chúng ta nói nhiều về văn hóa đọc nhưng chưa hướng dẫn cách đọc và đọc cái gì cho có hiệu quả?

Sách hay thường mang đến sứ mệnh khai minh cho chính người đọc

Nói về những nghịch lý, khó khăn của việc đọc sách thời nay, nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng: “So với cái thời mà việc in sách khó khăn, nhà xuất bản ít mà cơ quan kiểm duyệt quá nhiều thì hiện nay, sách trên thị trường ở ta rất phong phú nhưng tôi lại thấy độc giả càng ngày càng khó khăn hơn để tìm một cuốn sách thực sự hay trong rừng sách mênh mông đó".

Đồng thời, ông cũng khá lo ngại về chất lượng dịch thuật và cách làm sách của nhiều nhà xuất bản hiện nay. Vì thế giải thưởng Sách hay ra đời có mục đích hỗ trợ, gợi ý cho người đọc tìm được sách đáng đọc và qua đó góp phần nâng cao thị hiếu đọc, một phần quan trọng trong văn hóa đọc.

Ngoài ra, theo nhà văn Nguyên Ngọc thì để thực sự phát triển văn hóa đọc, có hai kênh cần đặc biệt chú trọng: Một là nhà trường, không thể nào tạo được niềm ham mê, hứng thú đọc sách cho trẻ em nếu không có sự rèn luyện ngay từ tấm bé. Thời xưa, cứ mỗi cấp đều có những bài luyện tập phải đọc hết một tác phẩm, sau đó là một tác giả, một giai đoạn văn học. Bây giờ hoàn toàn không có điều đó trong nhà trường. Hai là gia đình, chính việc cha mẹ đọc sách cho con nghe từ bé, và cha mẹ tạo một tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ sẽ cho con cái thói quen tìm kiếm và vận dụng tri thức trong sách.

Đồng ý với quan điểm này, học giả Bùi Văn Nam Sơn cũng cho rằng, cái khó khăn nhất là tập kỹ năng đọc sách từ bé. Ngày nay chúng ta nói sách hay, sách nhiều nhưng nhiều người không có thời gian và điều kiện để đọc. Còn nhà trường thì lôi cuốn hết công sức của trẻ vào việc học hành và thi cử, nên không còn thời gian rảnh rỗi để đọc ngoài sách giáo khoa. Đó là thảm họa. Đến tú tài còn như vậy thì lên Đại học cũng chẳng khác hơn là bao. Đến ĐH mà không đọc sách thì làm sao mà ta có 4-5% tầng lớp tinh hoa, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học cơ chứ.

Một bạn trẻ băn khoăn: “Đúng là sách hay thường mang đến sứ mệnh khai minh cho chính người đọc. Trong quá trình đọc sách, em cũng như nhiều người bạn của em đã đọc và cảm giác rằng mình giống như con vẹt, chứ không hẳn là khai minh. Cái gì cũng biết, cái gì cũng nắm nhưng không chuyên sâu và trở thành những con vẹt thông minh chứ không hẳn là khai minh”.

“Tôi nghĩ một cách giản dị, muốn làm con vẹt không dễ đâu. Chúng ta hiện nay đang rất thiếu những người có kiến thức cơ bản để làm con vẹt. Thế giới này, nếu anh học đến bằng thạc sĩ thì người ta cũng chỉ yêu cầu anh trình bày lại những kiến thức chung của nhân loại một cách chính xác. Cấp tiến sĩ thì mới đòi hỏi anh có chút đóng góp khác lạ”- Học giả Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ.

Do đó, cấp thạc sĩ trở xuống chỉ cần anh như con vẹt cái đã. Chúng ta đừng có tham vọng quá sớm. Vì ta chưa có những kiến thức nền tảng, chưa có sự chuẩn bị, chưa tích lũy gì hết thì đừng đòi hỏi sự sáng tạo. Vì thế người đọc cần có kiến thức cơ bản vững chắc, bài bản là điều hết sức cần thiết mà không nên coi thường. Để chúng ta có thể có những nhà khoa học có đủ trình độ để hợp tác với thế giới. Từ chỗ không đọc sách đến chỗ đọc sách nhiều quá rồi xem thường tri thức của nhân loại là nguy hiểm, là cực đoan.

Đồng thời, học giả Bùi Văn Nam Sơn cũng cho biết thêm là theo thống kê chính thức thì quốc gia nào cũng vậy, ngay cả những quốc gia phát triển như Mỹ thì chỉ 30-40% người sau khi đi làm là còn đọc sách, còn lại chủ yếu đọc báo và nghe nhìn là chính. Nhưng ở những nước phát triển có điều đặc biệt, có 4-5% dân số mỗi năm đọc từ 40-60 cuốn sách, đọc theo kiểu thâm cứu. Đó là lực lượng các nhà khoa học chuyên sâu.

Chúng ta thử tưởng tượng những quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Đức mỗi năm có 4-5% dân số đọc 40-60 cuốn sách, có nghĩa là họ có 3-5 triệu người làm khoa học, chuyên gia. Nên tiềm lực khoa học của họ rất mạnh. Do đó ông cho rằng “Chúng ta không nên xem thường việc đọc, trau dồi nền tảng kiến thức cơ bản. Rồi từ đó, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, lĩnh vực của mỗi người mà có những thao thức, tìm tòi, dằn vặt riêng…”

Ở nước ta đã có một tầng lớp tinh hoa chiếm 4-5% dân số chưa và mỗi năm bắt buột phải xử lí 50-60 cuốn sách chuyên ngành? Tiến hành thống kê và kiểm tra là biết ngay trình độ phát triển của đất nước so với thế giới- học giả Bùi Văn Nam Sơn trăn trở.

Đúng là vấn đề văn hóa đọc, đọc như thế nào, đọc cái gì, đọc ra sao… vẫn luôn là niềm trăn trở của nhiều người, nhất là thế hệ trẻ ở nước ta hiện nay. Do đó, tập thói quen đọc sách từ bé, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách từ trong học đường… có lẽ là một trong những nhân tố góp phần tạo nên một lực lượng tinh hoa của đất nước mai sau!

Thiên Thanh