Những điều ít biết về Giáng sinh

16:11 | 24/12/2014

2,584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giáng sinh thường gắn liền với hình ảnh ông già Noel, cỗ xe kéo tuần lộc hay bài hát Jingle Bells, nhưng bạn đã biết gì về ngày lễ này?

Ông già Noel

Thần Odin của Na Uy được coi là nguyên mẫu đầu tiên của ông già Noel. Vị thần này đã tặng quà cho trẻ em ngoan. Theo truyền thuyết, con ngựa 8 chân có tên Sleipnir của ông có thể nhảy cách quãng rất xa.

Thần Odin

Ý tưởng rằng ông già Noel trèo qua ống khói của các hộ gia đình để phân phát quà được đề cập tới lần đầu tiên trong một cuốn sách trào phúng xuất bản năm 1809, nhan đề "Lịch sử của New York".

Theo cơ quan quản lý nhập cảnh Canada, quốc tịch của ông già Noel là Canada vì ông sống tại Cực Bắc. Trong khi đó, người Hà Lan nói rằng, ông già Noel sống trong một lâu đài ở Tây Ban Nha và di chuyển nhờ tàu thủy chạy bằng hơi nước.

Người ta thường cho rằng, hãng Coca - Cola đã tạo ra hình ảnh chuẩn mực về ông già Noel lần đầu tiên năm 1931. Tuy nhiên, một người vẽ tranh biếm họa có tên Thomas Nast đã vẽ nên hình ảnh ông già Noel như chúng ta thấy ngày nay từ những năm 1860.

“Hô hô hô! Chúc mừng Giáng sinh” (Ho ho ho! Merry Christmas!) được miêu tả là tiếng cười sảng khoái của Ông già Noel! Và ngành Bưu chính Canada đã lấy mã bưu chính cho các thư gửi tới Ông già Noel ở Bắc Cực là: “H0H 0H0”

Cỗ xe tuần lộc

9 chú tuần lộc kéo chiếc xe trượt tuyết của ông già Noel, theo thứ tự là: Rudolph, Dasher, Dancer, Prancer, Vixen, Comet, Cupid, Donner,Blitzen. Tuy nhiên, không phải ngay từ ban đầu, ông già Noel đã có đủ 9 chú tuần lộc.

Năm 1821, trong bài Đêm trước Giáng Sinh (The night before Christmas) của nhà văn Clement Clarke Moore, Ông già Noël có 8 chú tuần lộc và tên lần lượt của từng chú là: Dasher, Dancer, Prancer, Vixen, Comet, Cupid, Donner,Blitzen. Đến năm 1939, chú tuần lộc mũi đỏ - Rudolph được thêm vào và như vây, Ông già Noel đã có 9 chú tuần lộc.

Cỗ xe tuần lộc của ông già Noel

Trong đó, chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph của ông già Noel ban đầu được gọi là Rollo và sau đó là Reginald. Cái tên Rudolph được đại chúng hóa năm 1939 nhờ nhà văn Robert L. May.

Chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph

Tuy nhiên, thay vì cưỡi tuần lộc hay chui ra từ ống khói theo truyền thuyết, tại Hawaii, bạn sẽ dễ dàng thấy ông già tuyết cưỡi xuồng máy đến tặng quà cho trẻ em vào đêm Giáng sinh. Đây là phương tiện di chuyển nổi bật bởi chiếc xuồng được sơn màu đỏ bắt mắt  do đàn cá heo lớn kéo vào bờ. Thậm chí, người dân tại Hawaii còn sáng tác riêng một ca khúc Giáng sinh có tên là Here Comes Santa in a Red Canoe (tạm dịch: Ông già Noel đang tới trên chiếc xuồng đỏ).

Ông già Noel ở Hawaii

Những tấm thiệp mừng

Bắt nguồn từ năm 1842 khi ông Henry Cole - 1 thương gia giàu có nước Anh đã nhờ Horsley - 1 họa sỹ ở London thiết kế 1 tấm thiệp thật đẹp để tặng bạn bè. Vào Noel năm đó, Horsley trình làng tấm thiệp đầu tiên trên thế giới và sau đó nó đã in ra 1000 bản. Thiệp Giáng sinh nhanh chóng bùng phát và trở thành mốt thịnh hành ở Anh trong suốt 10 năm kể từ khi Chính phủ Anh thông qua đạo luật năm 1846 cho phép bất kì người dân nào gửi thư đến bất kỳ nơi nào với giá rẻ. Không lâu sau, trào lưu này du nhập sang Đức và tới 30 năm sau người Mỹ mới chấp nhận nó.

Thiệp mừng Noel

Hallmark, nhãn hiệu thiệp nổi tiếng trên thế giới, đã sản xuất tấm thiệp đầu tiên vào năm 1915, và 5 năm sau nó đã trở thành một công ty chuyên nghiệp về thiệp.

Tấm thiếp Noel của UNICEF năm 1949

Năm 1949, UNICEF đã cho in tấm thiệp Giáng sinh từ thiện đầu tiên, tác giả của bức tranh là một cô bé 7 tuổi. Đó là bé Jitka Samkova ở Rudolfo, một thị trấn nhỏ bé của Tiệp Khắc trước kia.

Trang trí cây thông Noel

Đèn trang trí cho cây Noel được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1895. Nghĩ ra ý tưởng tuyệt vời này là một người Mỹ, Ralph E. Morris. Trước đó, cây thông Noel chỉ được làm duyên bởi những bông hoa giấy tự tạo, hay táo, bánh kẹo.

Nước Đức là một nước nổi tiếng về sản xuất đồ chơi thương mại và cũng chính nơi đây - thành phố Nuremburrg, những đồ trang trí cây thông đầu tiên của thế giới đã ra đời. Ngay từ cuối thế kỷ, đồ trang trí cây thông của hãng Lauscha đã sớm nổi tiếng ra ngoài biên giới nước Đức. Năm 1880, một người Mỹ đã sang Đức tìm Lauscha để “cất hàng” đồ trang trí cho cây Noel. Về nước, chỉ sau một ngày ông đã bán hết sạch số hàng đó. Các năm sau, Lauscha làm không kịp theo đơn đặt hàng từ Mỹ.

Vòng lá mùa vọng

Vòng lá mùa vọng là vòng tròn kết bằng cành lá xanh thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy. Cây xanh thường được trang hoàng trong các bữa tiệc của dịp Đông chí - dấu hiệu của mùa đông sắp kết thúc. Trên vòng lá đặt 4 cây nến. Tục lệ này khởi xướng bởi các tín hữu Lutherans ở Đức vào Thế kỷ XVI để nói lên sự giao tranh giữa ánh sáng và bóng tối.

Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa. Màu xanh lá nói lên hi vọng rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến cứu con người. 4 cây nến bao gồm ba cây tím - màu của Mùa Vọng, cây thứ 3 là màu hồng, là màu của Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng, hay còn gọi là Chúa Nhật Vui Mừng (Gaudete Sunday).

Thực đơn Giáng sinh

Cháo bột mỳ, một loại cháo rất đậm gia vị mà cả nhà người giàu lẫn người nghèo đều ưa thích, được xem là tổ tiên của món bánh pudding không thể thiếu trong tiệc Giáng sinh bây giờ.

Ngoài bánh pudding, mỗi nước có một thực đơn ẩm thực riêng. Bữa tối Giáng sinh truyền thống của Anh luôn có món lợn nấu mù tạt. Người Anh cũng thường ăn bánh pate với niềm tin rằng nếu ăn bánh này trong suốt Giáng sinh, họ sẽ có cả năm hạnh phúc.

Bài hát Jingle Bells

Bài hát Jingle Bells đã quá quen thuộc với mỗi chúng ta mỗi dịp Giáng sinh về. Tuy nhiên, một điều có thể bạn chưa biết, là mục đích ban đầu của Jingle Bells không phải được viết cho Giáng sinh và đây cũng không phải là tên mới đầu của bài hát.

Khi mới được sáng tác, bài hát có tên One Horse Open Sleigh - Cỗ xe ngựa kéo, được viết để hát dịp Lễ Tạ ơn. Dần dần, bài hát đã được thay đổi giai điệu cho phù hợp và đổi tên thành Jingle Bells để bạn có thể nghe vào mỗi giáng sinh, bằng 50 ngôn ngữ khác nhau.

Anh Anh (th)