Trung Quốc: Tại sao xây dựng Vạn Lý Trường Thành?

07:00 | 02/09/2014

29,992 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vạn Lý Trường Thành (The Great Wall) là một trong 7 kỳ quan của thế giới và theo đề cử mới đây thì Vạn Lý Trường Thành vẫn nằm trong số những kỳ quan thế giới mới được Liên Hiệp Quốc xếp hạng trong năm 2007.

Đối với người Trung Quốc, Vạn Lý Trường Thành là một minh chứng về sự phát triển trong suốt 2.400 năm lịch sử của đất nước này. Tuy có lịch sử hơn 2.400 năm, song cho đến nay Vạn Lý Trường Thành vẫn còn khá nhiều bí ẩn chưa được tiết lộ. Điều đáng nói nhất là về chiều dài của Vạn Lý Trường Thành cho đến nay chưa có một công bố chính thức nào xung quanh vấn đề này. Có tài liệu nói độ dài của công trình vĩ đại này từ 4.800 km đến 6.400 km, nhưng có sách lại viết rằng, nó dài 6.700 km, còn theo công bố mới nhất thì Vạn Lý Trường Thành dài tới 7.300 km.

Được biết, công tác đo đạc đã được tiến hành từ ngày 16-11-2005 và cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc này là Viện Vạn Lý Trường Thành Trung Quốc. Giới truyền thông cho biết, Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng vệ tinh và những công nghệ tiên tiến khác để xác định lại chiều dài của Vạn Lý Trường Thành, đồng thời tìm ra những biện pháp và phương thức tốt nhất để bảo vệ danh thắng nổi tiếng kể trên. Theo giới chuyên môn, Vạn Lý Trường Thành thực chất là một tập hợp gồm những đoạn tường rào không liên tiếp, hơn nữa lại đi qua nhiều vùng xa xôi, hẻo lánh nên việc xác định chiều dài một cách chính xác là điều vô cùng khó khăn. Kể từ sau khi được Liên Hiệp Quốc xếp hạng di sản thế giới (năm 1987), Vạn Lý Trường Thành càng thu hút sự quan tâm của du khách thế giới.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 10 triệu du khách tới tham quan, du lịch tại Vạn Lý Trường Thành. Người Trung Quốc có câu “Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”. Chính vì thế nên nhiều du khách quốc tế khi tới Trung Quốc đều có gắng đặt chân tới Vạn Lý Trường Thành. Bên cạnh việc quan tâm, yêu mến, nhưng có lúc thái quá của du khách là sự lo lắng của các nhà quản lý. Quỹ Bảo tồn bảo tàng thế giới từng liệt Vạn Lý Trường Thành vào danh sách “những khu vực gặp nhiều nguy hiểm nhất”. Việc tu sửa Vạn Lý Trường Thành được thực hiện theo quy định của Luật bảo hộ di sản văn hoá do đơn vị được cấp phép tu sửa đảm nhận.

Trung Quốc: Tại sao lại xây dựng Vạn Lý Trường Thành?

Sự nổi tiếng của Vạn Lý Trường Thành đã thu hút khá nhiều nghệ sỹ nổi tiếng trên thế giới tới đây thi triển thân thủ như nhà ảo thuật nổi tiếng người Mỹ David Copperfield đã thực hiện màn trình diễn độc đáo có một không hai ngay tại Vạn Lý Trường Thành. Trường hợp bay qua Vạn Lý Trường Thành bằng ván trượt của tay trượt ván nổi tiếng người Mỹ Danny Way hôm 9-5-2005 cũng là trường hợp đầu tiên trên thế giới được phép làm như vậy. Và có thể nói không ai may mắn như ngôi sao truyền hình nổi tiếng của hãng BBC (Anh), ông Steve Coogan khi được chính phủ Trung Quốc cho phép quay bộ phim “Vòng quanh thế giới trong 80 ngày” trong năm 2004 trên Vạn Lý Trường Thành. Sở dĩ nói như vậy vì trước Steve Coogan chưa có ai nhận được vinh dự đó.

Vạn Lý Trường Thành được xây dựng từ thời Xuân Thu (770-476 trước Công nguyên), Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên), nhưng khi đó nó chỉ là những bức tường thành riêng lẻ. Khi đó hơn 20 nước là Sở, Tề, Yến, Nguỵ, Hàn, Triệu, Tần... đã xây dựng những bức tường thành nhằm ngăn chặn sự tấn công của các quốc gia khác cũng như giặc Hung Nô. Chỉ đến khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất đất nước, những tường thành kể trên mới chính thức được hợp nhất tạo nên Vạn Lý Trường Thành. Sau khi nhà Tần xây dựng được bức tường dài 10.000 dặm (221-207 trước Công nguyên), nhà Hán, nhà Nguỵ, nhà Tề, nhà Tuỳ, nhà Liêu, nhà Tấn, nhà Minh tiếp tục công cuộc duy tu, bảo dưỡng, kéo dài Vạn Lý Trường Thành. Theo các nhà chuyên môn, nhà Tần có công tạo dựng nên Vạn Lý Trường Thành, nhà Hán và nhà Minh có công kéo dài Vạn Lý Trường Thành như ngày nay, còn những triều đại khác chỉ tham góp theo kiểu “duy tu, bảo dưỡng”.

Được biết, tới đời nhà Minh (1368-1644), Vạn Lý Trường Thành mới thực sự được hoàn chỉnh bởi ngoài việc bảo quản 5.000 km tường thành có từ trước đó, người ta còn cho nâng cấp tới 18 lần và xây thêm 1.000 km tường thành nữa. Khu vực mà du khách ngày nay tham quan đều là những tường thành được xây dựng từ thời nhà Minh để lại. Sử sách cũng như dân gian từng nói rằng, để tạo dựng nên Vạn Lý Trường Thành hàng chục triệu người dân cùng binh lính đã phải lao động cực nhọc trong một thời gian dài và đã có không ít người phải bỏ mạng. Được biết, chỉ riêng việc “kết nối” các bức tường thành riêng lẻ để tạo nên Vạn Lý Trường Thành, nhà Tần đã huy động 300.000 lính và hàng triệu người dân đi lao dịch trong suốt 10 năm liền. Đến thời Bắc Tề, gần 2 triệu nhân công được huy động để xây dựng 450 km để kéo dài thêm Vạn Lý Trường Thành.

Các nhà quân sự cho biết, dọc theo Vạn Lý Trường Thành người ta lập nhiều tháp canh để khi bị địch tấn công họ sẽ dựng một cột khói nếu quân địch dưới 500 người, 2 cột khói nếu quân địch dưới 3.000 người... Nhưng theo quy định thời nhà Minh thì dựng một cột khói và bắn một phát pháo thể hiện quân địch có khoảng 100 người, dựng hai cột khói và bắn hai phát pháo thể hiện quân địch có khoảng 500 người, dựng ba cột khói và bắn ba phát pháo thể hiện quân địch có  trên 1.000 người. Giới quân sự cho rằng, nhờ có Vạn Lý Trường Thành mà nhiều triều đại đã đứng vững trước sự tấn công của ngoại xâm, cũng như nội loạn. Việc xây dựng nên Vạn Lý Trường Thành vừa là một kỳ tích, vừa là sự tiếp nối của các triều đại. Chính vì Vạn Lý Trường Thành được xây dựng qua nhiều triều đại nên vật liệu để nguyên vật liệu để xây dựng cũng không nhất quán. Tuy nhiên nguyên vật liệu chủ yếu vẫn là đất, sỏi, gạch, ngói và vôi.

Ngoài ý nghĩa quân sự, Vạn Lý Trường Thành còn có ý nghĩa văn hoá rất lớn lao. Người cổ xưa quan niệm, sự tồn tại của Vạn Lý Trường Thành, đồng nghĩa với sự tồn tại của họ và Vạn Lý Trường Thành là niềm tự hào của người Trung Quốc. Có một điều rất thú vị là độ dài và chiều rộng của Vạn Lý Trường Thành gần giống với kích thước của những tuyến đường cao tốc hiện đại ngày nay. Có người nói rằng, nếu không có chuyến du hành lên không trung của Dương Lợi Vỹ thì người Trung Quốc vẫn cho rằng, Vạn Lý Trường Thành có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ vũ trụ. Theo du hành gia Dương Lợi Vỹ, sở dĩ Vạn Lý Trường Thành không thể nhìn thấy từ vũ trụ bằng mắt thường bởi bề rộng chỉ có vài mét.

Nói tới Vạn Lý Trường Thành không thể bỏ qua những cửa ải nổi tiếng tại đây. Đầu tiên phải kể tới là Sơn Hải quan bởi đây là khởi điểm và là cửa ải đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành. Tiếp đến là Gia Dụ quan, khởi điểm phía Tây của Vạn Lý Trường Thành và được xây dựng năm 1372. Nương Tử quan (trước đó có tên gọi Vi Trạch quan) là một trong những cửa ải hiểm trở nhất, dễ phòng thủ, khó tấn công của Vạn Lý Trường Thành. Nhạn Môn quan là một trong những cửa ải có vóc dáng hoành tráng nhất của Vạn Lý Trường Thành bởi hai bên là những vách núi dựng đứng...

“Trường Thành dưới lòng đất” của Trung Quốc hiện có quy mô lớn nhất thế giới và nó được xây dựng cách đây hơn 1.000 năm. Được biết khu địa đạo này được phát hiện vào những năm cuối thập niên 1990. Sau khi tới tham quan thực địa, hàng trăm nhà khoa học, lịch sử, khảo cổ, địa chất, du lịch… đều có chung một nhận định - đây là địa đạo được xây dựng từ thời nhà Tống, nhà Liêu. Địa đào này được xây dựng với mục đích quân sự và có tính năng giống như Vạn Lý Trường Thành trên mặt đất. Nó chạy theo hướng Đông-Tây dài 65 km, được phân bố trên diện tích 1.600 km2, nằm giữa Bắc Kinh và Thiên Tân, nơi vốn là chiến trường kéo dài hàng trăm năm giữa hai triều Tống-Liêu. Đây được coi là phát hiện quan trọng trong lịch sử quân sự và là báu vật quốc gia.

Cuối tháng 5-2006, đập Tam Hiệp được xây dựng trên sông Trường Giang ở tỉnh Hồ Bắc đã đổ xong những khối bê tông cuối cùng để hoàn thành con đập khổng lồ có độ cao 185 mét, dài 2.390 mét. Đây được coi là công trình vĩ đại thứ hai sau Vạn Lý Trường Thành của người dân Trung Quốc. Khi đi vào sử dụng đập Tam Hiệp không những là công trình thuỷ điện lớn nhất thế giới, mà còn là công trình lớn nhất về bảo tồn nguồn nước, cho phép kiểm soát được lũ lụt ở khu vực trung và hạ lưu bởi nó rộng 1.045 km2, trải dài 663 km với mức nước trung bình là 175 mét cùng sức chứa gần 40 tỷ m3 nước.

Đông Ngàn - Từ Sơn