Trung Quốc với vấn nạn "thực phẩm bẩn"::

Kỳ II: 1001 loại thịt lợn, gà, cừu

08:52 | 13/09/2014

896 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giới truyền thông từng đưa tin, tại Mỹ, sản phẩm “made in China” bị mất dần lòng tin của người tiêu dùng cho dù Trung Quốc đã và đang mở các cuộc truy quét tội phạm sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng bất hợp pháp.

>> Trung Quốc với vấn nạn "thực phẩm bẩn"

Hơn 1 năm trước (25/8/2013), cảnh sát Trung Quốc đã tịch thu hơn 30.000 tấn chân gà chứa hydrogen peroxide (một loại chất lỏng có thuộc tính oxy hóa mạnh được dùng làm chất tẩy trắng, khử trùng và tác nhân đẩy trong tên lửa) và bắt 38 người liên quan.

Được biết, hydrogen peroxide được sử dụng ở 9 nhà máy thuộc các tỉnh Giang Tô, An Huy, Hà Nam, Quảng Đông và cảnh sát phát hiện chất lỏng này đang được tẩm vào thịt. Chân gà là món ăn phổ biến ở Trung Quốc và đây không phải là lần đầu tiên sự việc liên quan đến mức độ an toàn thực phẩm của chân gà được phát hiện tại quốc gia này. Bởi tháng 7/2012, cảnh sát từng tịch thu 20 tấn chân gà hết hạn sử dụng trong một kho thịt đông lạnh. Sau đó (tháng 9/2012), chân gà bẩn bị phát hiện ở tỉnh Chiết Giang và cảnh sát đã triệt phá 35 đường dây tiêu thụ mặt hàng này nằm rải rác khắp cả nước.

Ngày 4/8/2013, Cơ quan giám sát thực phẩm và công nghiệp Trung Quốc, Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Thượng Hải và Cơ quan Công nghiệp và Thương mại Thượng Hải đã phối hợp điều tra đối với Công ty Shanghai Husi Food Co., Ltd (chi nhánh của tập đoàn OSI Holding Co., Ltd tại Trung Quốc) sau khi bắt 6 quản lý cấp cao thuộc Shanghai Husi Food (Công ty Phúc Hỷ Thượng Hải) để thẩm tra về cáo buộc đã trộn thịt quá hạn sử dụng với các thực phẩm tươi, in lại nhãn các sản phẩm quá hạn và các hành vi gian lận chất lượng sản phẩm khác.

Ngày 24/7, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin, cơ quan chức năng đang điều tra 581 nhà hàng, doanh nghiệp, công ty phân phối thực phẩm do vụ bê bối thịt thối của Công ty Phúc Hỷ Thượng Hải. Khách hàng của Shanghai Husi Food gồm McDonald's, KFC, Pizza Hut, Starbucks, Burger King, 7-Eleven và Papa John's Pizza. Shanghai Husi cũng là công ty cung cấp các sản phẩm thịt cho chi nhánh của hãng sản xuất đồ ăn nhanh McDonald's tại Nhật Bản và cửa hàng tiện ích FamilyMart Co. Hai chuỗi cửa hàng này đã ngừng bán tất cả các sản phẩm sử dụng thịt gà từ Trung Quốc ngay sau khi vụ việc kể trên bị phát giác.

Ngày 26/3/2013, Tân Hoa xã cho biết, giới chức tỉnh Tứ Xuyên đã phải vớt xác hàng trăm con lợn mỗi tháng tại một hồ chứa nước trong khu vực và tình trạng này đã diễn ra trong 5 năm qua. Tình trạng xác lợn chết cũng xuất hiện tại tỉnh Giang Tây, thành phố Thượng Hải, sông Trường Giang…

Ngày 6/1/2013, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Đông đã bắt 7 người vì bị nghi bơm nước bẩn từ hồ vào thịt cừu để tăng cân. Được biết, mỗi ngày các nghi phạm kể trên đã giết mổ 100 con cừu và lấy nước đầy vi khuẩn từ hồ bơm vào thịt để tăng trọng lượng (mỗi con cừu có thể được bơm đến 6 lít nước) trước khi bán. Chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2013, đã có hơn 900 người bị bắt giữ do bán thịt giả hoặc thịt bẩn.

Tháng 7/2011, 5 nghi phạm sản xuất và mở đại lý tiêu thụ chất clenbuterol (loại thuốc tăng trưởng sử dụng trái phép trong chăn nuôi lợn siêu nạc) đã bị cáo buộc với tội danh “sử dụng các phương tiện nguy hiểm gây nguy hại đến an ninh cộng đồng”. Tổng số tiền thu lợi bất hợp pháp từ việc sản xuất và tiêu thụ clenbuterol do 5 bị cáo này thực hiện là 3,8 triệu NDT và số hóa chất clenbuterol do họ sản xuất được tiêu thụ tại 8 tỉnh như Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tây. Người tiêu dùng từng được khuyến cáo về 7 dấu hiệu để nhận biết trứng gà giả. Theo báo chí Trung Quốc, trứng gà giả chứa chất hoá học và không có lợi cho cơ thể con người.

Người tiêu dùng cũng khá bất ngờ sau tuyên bố hôm 17/10/2011 của một chuyên gia Phòng Công nghiệp và Thương mại Bắc Kinh khi xác nhận, những chiếc chân giò trắng hồng, nõn nà, được làm sạch sẽ đã qua xử lý bằng hóa chất. Theo đó, những chiếc chân giò trắng hồng hấp dẫn, phần bì trơn láng sạch sẽ đã được xử lý bởi những hóa chất độc hại như: xút caustic soda, chất tẩy trắng hydrogen peroxide, sodium nitrite được bày bán công khai tại chợ cầu Ba Lý, huyện Thông Châu, Bắc Kinh. Trung Quốc đã cấm sử dụng chất clenbuterol để làm phụ gia thức ăn chăn nuôi từ cuối những năm 1990 bởi có thể gây ra các triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, đau đầu và tim đập nhanh ở người. Nhưng vì lợi nhuận, nhiều người đã bất chấp sức khoẻ của người tiêu dùng. Clenbuterol là chất phụ gia tăng khối lượng cơ bắp ở động vật và từng được vận động viên điền kinh sử dụng để tạo thành tích khi thi đấu.

Giới truyền thông từng đưa tin, tại Mỹ, sản phẩm “made in China” bị mất dần lòng tin của người tiêu dùng cho dù Trung Quốc đã và đang mở các cuộc truy quét tội phạm sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng bất hợp pháp. Dư luận từng quan tâm tới vụ bắt 2 nhân viên Wal-Mart và giam giữ hàng chục người khác trong vụ bê bối bán thịt lợn ở thành phố Trùng Khánh. Vụ bắt giữ được tiến hành sau khi Trung Quốc yêu cầu đóng cửa 13 cửa hàng thuộc tập đoàn bán lẻ Wal-Mart của Mỹ vì bị cáo buộc bán 63.547 kg thịt lợn thường nhưng lại dán nhãn là thịt hữu cơ.

Việc tuyên án tử hình (26/11/2011) đối với Lưu Tường, kẻ chủ mưu sản xuất, tiêu thụ chất clenbuterol (nguyên liệu chính tạo nên thịt lợn siêu nạc) để sản xuất thịt lợn siêu nạc từ đầu năm 2007 phải nhận án tử hình, hoãn thi hành án 2 năm được coi là hành động cương quyết của chính quyền trong việc xoá sổ “thực phẩm bẩn” đang hoành hành tại quốc gia hơn 1,34 tỷ người. Việc nhanh chóng đưa Lưu Tường cùng những người hữu quan (113 nghi can) ra xét xử sau khi bị bắt (25/3/2011) cho thấy mức độ nguy hiểm của vụ việc đối với đời sống và sức khỏe người tiêu dùng. Việc xử lý nghiêm 77 cán bộ nhà nước bởi sự tắc trách và lạm quyền (bị kết án từ 3 đến 9 năm tù) trong vụ án trên là hồi chuông cảnh tỉnh những người đã, đang và sẽ sản xuất cũng như quản lý đối với “thực phẩm bẩn”.

Theo Cơ quan Thuốc và Thực phẩm Đài Loan, vụ bê bối dầu bẩn đã làm tổn hại danh tiếng của hơn 1.000 cơ sở cung cấp thực phẩm và hình ảnh thực phẩm Đài Loan ở nước ngoài và đã lan sang Hongkong, Macau và Trung Quốc đại lục. Cơ quan chức năng Đài Loan đã thu giữ 49 tấn dầu tái chế của tập đoàn Toàn Thống khi khám xét và yêu cầu những công ty mua dầu từ cơ sở này thu hồi các sản phẩm đã sử dụng dầu bẩn.

Giới chuyên gia ước tính, có ít nhất 50% trong số 23 triệu dân Đài Loan đã tiêu thụ sản phẩm có chứa dầu bẩn kể trên. Được biết, 2.934 thùng dầu ăn trong kho của tập đoàn Toàn Thống đã bị cơ quan y tế thành phố Cao Hùng niêm phong. Tổng giám đốc tập đoàn Toàn Thống Diệp Văn Tường đã xin lỗi người tiêu dùng, nhưng khẳng định không biết gì về vụ việc này.

Theo tờ South China Morning Post, 4 nhà nhập khẩu của Hongkong là Dah Chong Hong, Synergy Foods, Angliss Hong Kong Food Service và Urban Food có liên quan tới vụ án kể trên. Chuỗi nhà hàng Bafang Yunji ở Hongkong cũng đã ngưng bán các loại bánh có nhân ở 54 cửa hàng của họ vì nhà cung cấp cho nhãn hiệu này ở Đài Loan đã nhập dầu bẩn của Quách Liệt Thành.

(Còn tiếp)

Đông Ngàn - Từ Sơn