Tại sao Tưởng Giới Thạch bỏ rơi Hongkong?

09:45 | 19/10/2014

4,708 lượt xem
|
Những căng thẳng tại Hongkong đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong và ngoài khu vực. Bởi Trưởng đặc khu hành chính Lương Chấn Anh tiếp tục bác đề nghị từ chức do người biểu tình đưa ra, chỉ chấp nhận đối thoại (sẽ diễn ra ngày 21/10 tại Học viện Y khoa, dưới sự chủ trì của Hiệu trưởng Đại học Lĩnh Nam Trịnh Quốc Hán), và xô xát giữa cảnh sát với người biểu tình vẫn nổ ra trong đêm 18, rạng sáng 19/10. Nhân dịp này Năng lượng mới xin trân trọng giới thiệu với độc giả tư liệu, theo đó Hongkong từng có cơ hội trở về Trung Quốc trước khi Đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc, nhưng Tưởng Giới Thạch đã bỏ qua.

Sau cuộc chiến tại Thái Bình Dương tháng 12/1941, tình hình thế giới đã có những biến đổi quan trọng - Anh, Mỹ và một số nước khác quyết định mở mặt trận thứ hai chống lại phe trục (Đức-Italia-Nhật), Trung Quốc và Anh đã trở thành đồng minh trong cuộc chiến chống quân phiệt Nhật và họ là một trong “Tứ cường” của cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phát xít. Nhưng tại thời điểm đó Mỹ đã lợi dụng triệt để Tưởng Giới Thạch để thắng Nhật, đồng thời làm suy yếu thế lực của Anh sau khi đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc nhằm phục vụ cho lợi ích của mình.

Tại sao Tưởng Giới Thạch bỏ rơi Hongkong?

Tưởng Giới Thạch, Tổng thống Roosevelt, Thủ tướng Churchill tại Hội nghị Cairo năm 1943

Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt từng nói với Tưởng Giới Thạch rằng, Washington sẽ gây áp lực với London để ủng hộ Trung Quốc thu hồi Hongkong sau cuộc chiến này. Bởi khi đó Anh đang ở vào tình thế vô cùng bất lợi - ở châu Âu, Anh bị Đức uy hiếp nên không thể cùng một lúc lo cho cả hai mặt trận Âu-Á, thêm vào đó là sức ép của Nhật tại Hongkong, Myanmar, Malaysia, Singapour... Do đó, ngày 11/6/1941, Bộ ngoại giao Anh đã phải ra thông cáo, theo đó sau chiến tranh London có thể sẽ bỏ những đặc quyền tại Trung Quốc.

Ngày 10/10/1942, đại diện của Anh đã chủ động gợi ý bàn vấn đề này với đại diện Trung Quốc, một cơ hội ngàn năm có một để thu hồi Hongkong đã đến và mọi người đều mong chờ vào quyết định của Tưởng Giới Thạch bởi ông ta được coi là đại diện hợp pháp của Trung Quốc thời điểm đó. Hạ tuần tháng 10/1942, đàm phán cấp cao Anh-Trung đã được tiến hành tại thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc. Tống Tử Văn đại diện cho Trung Quốc đàm phán với Đại sứ Anh tại Trung Quốc. Nội dung chủ yếu trong bản dự thảo của Anh là trừ quyền về “Trị ngoại pháp quyền” - những quyền được miễn trừ về ngoại giao, đình chỉ việc thi hành “Điều ước Tân Sửu” năm 1901, tô giới Thượng Hải và Hạ Môn được trả lại cho Trung Quốc... Nhưng trong bản dự thảo này không có một từ nào đề cập tới Hongkong.

Ngày 13/11/1942, đại diện Trung Quốc đã đưa bản dự thảo (có sửa đổi) cho Anh, yêu cầu huỷ bỏ “Điều ước mở rộng Hongkong” ký ngày 9/6/1898, yêu cầu Anh giao quyền quản lý Cửu Long và những khu vực liên quan cho Trung Quốc. Lập trường này của Trung Quốc được Mỹ và một số nước khác ủng hộ.

Tại thời điểm đó (năm 1942) quân đội Anh gặp nhiều khó khăn, trở ngại trên chiến trường Đông Nam Á, và dư luận chung đều cho rằng, London khó giữ được Hongkong, thêm vào đó là chủ trương nhược bộ của giới ngoại giao và chính giới Anh về vấn đề này. Nhưng Thủ tướng Winston Churchill lại cương quyết chống lại chủ trương này. Ngày 5/12/1942, đại diện của Anh đã thông báo cho Tống Tử Văn lời cự tuyệt của London về những yêu sách kể trên. Sau khi biết tin này Tưởng Giới Thạch đã nổi giận - nếu Anh không chịu nhượng bộ, ông ta sẽ không ký thoả ước Trung-Anh! Và việc này đã khiến cho đàm phán Trung-Anh đi vào ngõ cụt.

Đúng thời điểm gay cấn nhất thì Cố Duy Quân, Đại sứ Trung Quốc tại Anh trở về Trùng Khánh khuyên giải Tưởng Giới Thạch chấp nhận đề nghị “hữu hảo” của Anh để tránh hiểu lầm song phương. Ngày 21/12/1942, Thủ tướng Winston Churchill đã nhắc lại lập trường cứng rắn của ông ta tại cuộc họp nội các khiến Tống Tử Văn và Cố Duy Quân vô cùng khó xử, và đàm phán lại bế tắc. Nhật Bản đã tận dụng ngay thời cơ này để phân hoá lực lượng đồng minh, đồng thời ký tân ước Trung-Nhật để bày tỏ sự “thân thiện” như bỏ “Trị ngoại pháp quyền” và những tô giới khác tại Trung Quốc. Trong khi đó, Nhật thúc đẩy tiến trình đàm phán Trung-Anh... nên Tưởng Giới Thạch buộc phải ký bản hiệp ước theo hướng có lợi cho London.

Ngày 31/12/1942, Trung hoa dân quốc do Tưởng Giới Thạch đứng đầu đã ra thông báo không ghép hai vấn đề “Trị ngoại pháp quyền” với vấn đề “Tân Giới” - Hongkong vào làm một. Điều này đồng nghĩa với việc, Tưởng Giới Thạch từ bỏ yêu cầu thu hồi Hongkong. Tháng 11/1943, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt, Tưởng Giới Thạch và Thủ tướng Winston Churchill đã gặp nhau tại Cairo, Ai Cập.

Ngoài thời gian đàm phán chung, ông Franklin Delano Roosevelt đã gặp riêng Tưởng Giới Thạch để bày tỏ sự ủng hộ của Mỹ đối với việc Trung Quốc thu hồi Hongkong sau Đại chiến thế giới lần thứ hai. Tưởng Giới Thạch tỏ ra phấn khởi và nhờ Mỹ tác động với Anh về việc này. Mặc dù ông Franklin Delano Roosevelt đã gặp ông Winston Churchill, nhưng mỗi lần Tổng thống Mỹ đề cập tới vấn đề này Thủ tướng Anh đều cự tuyệt.

 

Tại sao Tưởng Giới Thạch bỏ rơi Hongkong?

Hội nghị Cairo

Sau cuộc đổ bộ thành công của quân đồng minh lên Normandi (ngày 6/6/1944), nghị sỹ Ascot, một thành viên của chính phủ Anh đã đề nghị với nội các công khai tuyên bố, Hongkong là lãnh thổ của Anh sau khi Đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc. Đề nghị này của nghị sỹ Ascot đã được Thủ tướng Winston Churchill nhiệt liệt ủng hộ, nhưng ông ta cho rằng không nên quá vội vàng công khai ý đồ này để duy trì sự đoàn kết chống phát xít giữa các nước đồng minh, đồng thời đánh lạc hướng sự chú ý của Trung Quốc trong vấn đề này. Tuy nhiên, Thủ tướng Winston Churchill đã ra lệnh cho thuộc hạ gấp rút chuẩn bị kế hoạch thu hồi Hongkong từ tay Nhật.

Tháng 5/1945, Đức đầu hàng vô điều kiện quân đồng minh, nhưng Nhật vẫn chưa chịu bó tay chịu trói nên Anh rất lo lắng Hongkong sẽ rơi vào tay Trung hoa dân quốc hoặc một thế lực khác. Do đó, ngày 23/7/1945, Anh đã họp phiên đặc biệt bàn việc “cướp lại Hongkong”. Thủ tướng Winston Churchill quyết định mặc cả với Mỹ trước, sau đó phái một lực lượng đặc nhiệm tới tước khí giới quân đội Nhật. Ngoài ra, Anh còn gấp rút bố trí hàng ngũ “quan lại” cùng chính phủ lâm thời tại Hongkong nhằm tạo ra sự đã rồi.

Ngày 11/8/1945, Bộ ngoại giao Anh đã gửi 2 bức điện mật - một cho Đại sứ Anh tại Trung Quốc, ra lệnh cho ông này liên lạc ngay với tình báo Anh và số quan chức Hongkong và người Anh từng bị Nhật bắt hồi chiếm đóng Hongkong để đưa họ trở lại chính trường ngay sau khi quân Anh vào tước khí giới quân Nhật. Một bức điện khác gửi cho Hạm đội Thái Bình Dương của Anh hoả tốc tới ngay Hongkong để tước vũ khí quân đội Nhật.

Trong khi quân Anh gấp rút chuẩn bị đổ quân vào Hongkong thì Tưởng Giới Thạch làm gì? Ngày 31/12/1942, Quốc dân đảng ra thông cáo sẽ không đưa ra yêu sách đòi thu hồi Hongkong sau khi Đại chiến thế giới lần thứ hai kết thúc. Nhưng trong nhật ký của Tưởng Giới Thạch lại ghi lời thề của ông ta - nếu sau cuộc chiến mà Anh vẫn khước từ không chịu trao trả Hongkong, ông ta sẽ điều quân để đòi lại! Nhưng khi quân Nhật đầu hàng, cơ hội ngàn năm có một đến để Quốc dân đảng thu hồi Hongkong thì Tưởng Giới Thạch lại bỏ qua vì ông đang quan tâm tới việc “tiêu diệt Cộng sản”.

Tháng 6/1944, Tưởng Giới Thạch thông qua kênh “không chính thức” thông báo cho Anh biết, theo đó nếu London ủng hộ Quốc dân đảng đánh Cộng sản sau cuộc chiến này thì ông ta sẽ nhượng bộ lớn trong vấn đề Hongkong. Điều này giải thích tại sao quân Anh dễ dàng đổ bộ xuống Hongkong tước khí giới quân đội Nhật.

Tuy có thoả thuận ngầm kể trên với Anh, nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn hùng hồn tuyên bố với thế giới: yêu cầu Ngô Quốc Trinh, Bộ trưởng ngoại giao triệu kiến Đại sứ Anh tại Trung Quốc đến để nhắc nhở Anh phải tuân thủ “mệnh lệnh số một” của tướng McArthur, chỉ huy tối cao của các lực lượng đồng minh tại khu vực Thái Bình Dương. Theo đó, nếu không được sự đồng ý của tướng McArthur và Tưởng Giới Thạch, quân Anh không được đóng quân tại bất cứ vùng đất nào của Trung Quốc. Sau khi “chính thức thông báo”, Ngoại trưởng Ngô Quốc Trinh đã nói thẳng với Đại sứ Anh: cứ yên tâm, chúng tôi sẽ không thu hồi Hongkong, nhưng ngài phải làm thế nào để khỏi làm mất mặt Tưởng Giới Thạch.

Tiếp sau hành động trên, Tưởng Giới Thạch còn hạ lệnh chuẩn bị tiến vào Hongkong, nhưng ông ta lại tuyên bố không chấp nhận sự đầu hàng của quân Nhật. Ngày 21/8/1945, quân đoàn 13 thuộc phương diện quân thứ hai của Quốc dân đảng đang chuẩn bị từ Ngô Châu tiến vào Cửu Long, Hongkong, một số đoàn quân khác cũng chuẩn bị từ Quảng Châu tiến vào Tân Giới để tước vũ khí quân đội Nhật thì nhận được lệnh dừng lại. Ngày 24/8/1945, Tưởng Giới Thạch ra tuyên bố, Trung Quốc sẽ không cử quân tới Hongkong để tước vũ khí quân đội Nhật, tránh sự hiểu lầm không đáng có của quân đồng minh!

Tại sao Tưởng Giới Thạch bỏ rơi Hongkong?

Tưởng Giới Thạch, Franklin Roosevelt và Churchill tại Hội nghị Cairo năm 1943

Dư luận cho rằng, ngoài việc muốn “diệt Cộng” nên đã bỏ qua cơ hội thu hồi Hongkong, còn có một nguyên nhân khác, đó là Tưởng Giới Thạch muốn tìm hiểu thực chất lập trường của Mỹ trong vấn đề Hongkong. Trong cuộc chiến chống Nhật, Mỹ-Trung là đồng minh, nhưng sau chiến tranh đối thủ chính của Mỹ là Liên Xô và trận địa chính của họ sẽ diễn ra ở châu Âu. Do đó, Mỹ rất cần sự ủng hộ của Anh trong vấn đề này, nên Hongkong đã trở thành “món quà” của Washington tặng London và đó là điều đương nhiên và dễ hiểu!

Để thuận lợi cho việc đổ bộ vào Hongkong của quân đội Anh, Thủ tướng Winston Churchill đã gửi điện mật cho Tổng thống Harry Truman (sau khi Tổng thống Franklin Delano Roosevelt chết hôm 12/4/1945), đề nghị ông ta ra lệnh cho tướng McArthur thay đổi “mệnh lệnh số một”. Theo đó, đổi nội dung “Quân đội Nhật tại Hongkong sẽ bàn giao vũ khí cho quân đội Trung Quốc” thành “Quân đội Nhật tại Hongkong sẽ bàn giao vũ khí cho quân đội Anh”. Đương nhiên yêu cầu này của Anh đã được Mỹ đáp ứng tức thì.

Thủ tướng Winston Churchill và Tổng thống Franklin Delano Roosevelt từng lên kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch cho dù họ là liên minh chống Nhật. Đây là tiết lộ động trời sau khi cơ quan lưu trữ Anh và Trung tâm nghiên cứu lịch sử Đại học Harvard (Mỹ) công bố một phần trong hồ sơ mật thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ hai. Khi đó, Thủ tướng Winston Churchill muốn ám sát Tưởng Giới Thạch để ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc ở châu Á. Người được giao nhiệm vụ tuyệt mật này là Phó tùy viên lục quân Anh ở Trung Quốc, Đại tá Charles. Trong khi đó, Tổng thống Franklin Delano Roosevelt ra lệnh cho Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Trung Quốc phải tìm cách loại bỏ Tưởng Giới Thạch và Chuẩn tướng Donne là người lên kế hoạch “Cá voi xanh”. Anh-Mỹ tuy đã phối hợp chặt chẽ, nhưng vẫn không thể thực hiện kế hoạch ám sát Tưởng Giới Thạch.

 

Đông Ngàn-Từ Sơn