Mao Trạch Đông với Nguyên soái Bành Đức Hoài

10:57 | 22/01/2015

4,064 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lá thư tôi viết cho Chủ tịch Mao Trạch Đông ngày 14/7/1959 tóm tắt một số vấn đề mà trước Hội nghị tiểu tổ Tây Bắc tôi không tiện nói ra.

(Tự thuật của Nguyên soái Bành Đức Hoài)

Hồi đó, tôi cho rằng đã nảy sinh một số hiện tượng “tả”, còn tư tưởng bảo thủ hữu khuynh cũng có, nhưng rất ít. Tôi nghĩ, nếu những vấn đề này tôi trực tiếp nêu ra trước hội nghị rất có thể sẽ gây nên sự rối loạn tư tưởng ở một số đồng chí và nếu như chính Chủ tịch Mao nhắc lại một chút về phương châm vững bước bằng hai chân thì những vấn đề này sẽ được uốn nắn một cách dễ dàng và chóng vánh. Như hồi mùa thu năm 1958, khi Công xã nhân dân thành lập chưa lâu, một số người còn có nhận thức rất mơ hồ về chế độ sở hữu và nguyên tắc phân phối theo lao động trong Công xã nhân dân, nhưng qua sự giải thích, dẫn dắt của Chủ tịch Mao, những vấn đề đó đã được uốn nắn nhanh chóng.

Mao Trạch Đông với Nguyên soái Bành Đức Hoài

Nguyên soái Bành Đức Hoài

Sáng ngày 17/7, bỗng tôi nhận được từ Văn phòng T.Ư gửi tới bản sao của lá thư đó, nhưng trên đầu thư lại thêm một tiêu đề chữ lớn: “Đơn ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài”. Ngày 18/7, trong cuộc họp tiểu tổ, tôi xin được thu hồi lá thư đó và trình bày rõ là lá thư đã viết quá vội vàng, suy nghĩ chưa thật thấu đáo nên ý tứ viết chưa thật rõ ràng, mạch lạc. Sáng ngày 23/7, Chủ tịch Mao nói chuyện trước hội nghị và đã phê phán lá thư của tôi khá gay gắt, gọi đó là  cương lĩnh của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh. Hơn thế nữa, còn chỉ thẳng rằng: Bành Đức Hoài đã phạm sai lầm sa vào chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa nước lớn. Trước những lời nói của Chủ tịch Mao, thật khó mà dùng ngôn ngữ để hình dung hết nỗi lòng tê tái, nặng nề của tôi. Về nhà, suy ngẫm lại nhiều lần về những lời chỉ trích của Chủ tịch Mao, thẩm tra lại nguyện vọng chủ quan và động cơ của mình, tôi chẳng thấy có điều gì là quá đáng, sai sót. Quả thật, lúc đó tôi buồn vô hạn.

Chạng vạng hôm ấy, khi tôi đang chậm rãi tản bộ trên con đường nhỏ ven hồ với tâm trạng nặng trĩu thì một đồng chí từ phía trước đi tới gọi tôi: “Anh Bành, anh đã suy xét kỹ về bài nói chuyện ban sáng của Chủ tịch chưa?”. Tôi dừng lại trả lời: “Phải trái, thẳng cong tùy lòng người, lâu dần trắng đen rồi sẽ rõ”. Anh ta vỗ vai tôi nói với giọng thật nghiêm túc: “Anh Bành, việc này không thể giữ thái độ “rắn nát mặc thây tay kẻ nặn” được đâu. Anh nên suy xét vấn đề sao cho có lợi đối với Đảng, với nhân dân, viết thành văn bản hẳn hoi mới phát ngôn”. Tôi nói: “Bây giờ tôi đang mệt mỏi lắm, viết không mạch lạc, rõ ràng được”. Đồng chí đó mách nước: “Anh nói đại ý để cậu thư ký ghi lại và chỉnh lý hộ, sau đó anh trực tiếp gặp Chủ tịch Mao trình bày, như vậy xem ra nghiêm túc và kín kẽ, sâu sắc hơn”. Tôi thở dài: “Tôi lại không mang theo thư ký, chỉ mang theo cậu đại úy tham mưu phụ trách điện báo quân sự, cậu ta không thể viết nổi loại văn kiện này được”. Tôi biết, những lời đồng chí ấy đóng góp là mang ý tốt, xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Sau khi về nơi ở, đồng chí tham mưu đưa trình bức điện của Quân khu Tây Tạng do Quân ủy chuyển. Nội dung bức điện yêu cầu cấp thêm xe vận tải. Tôi đem bức điện định sang bàn bạc với đồng chí Hoàng Khắc Thành. Sang tới nơi, vừa đẩy cửa tôi nghe vọng ra giọng nói của Hoàng Khắc Thành: “Các đồng chí phải hết sức bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ được làm sáng tỏ, cuối cùng Chủ tịch cũng sẽ hiểu ra thôi”. Khi tôi vào trong, thấy ngồi quanh bàn, ngoài Hoàng Khắc Thành còn 3 người nữa là Chu Tiểu Chu, Chu Huệ và Lý Nhuệ. Vừa nhìn thấy tôi, đồng chí Tiểu Chu vội kêu lên: “Lão Tổng ơi! (cách gọi tôn kính đối với người tổng chỉ huy của mình - ND). Chúng ta chỉ còn cách phái hữu có năm chục bước chân nữa thôi”.

Mao Trạch Đông với Nguyên soái Bành Đức Hoài

Chủ tịch Mao Trạch Đông và Nguyên soái Bành Đức Hoài (trái)

Không khí chùng xuống. Tôi quay về văn phòng của mình để xử lý bức điện. Tối hôm ấy, tôi lên giường nằm mà không sao ngủ được cứ trằn trọc luẩn quẩn với câu hỏi: “Bức thư mình gửi cho Chủ tịch để tham khảo, tại sao bỗng chốc lại biến thành bản đề xuất ý kiến, lại trở thành cương lĩnh của chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh? Cứ bảo lưu ý kiến của mình hay là làm kiểm thảo?”.

Ngày hôm sau, tức sáng ngày 24, có hai đồng chí xồng xộc đến chỗ tôi. Họ hỏi tôi đã suy nghĩ kỹ chưa? Tôi nói: “Lá thư mà tôi viết gửi chủ tịch là xuất phát từ tình hình cụ thể đã và đang diễn ra trong nước, cùng tình hình trong và sau Hội nghị Lư Sơn chứ chẳng có âm mưu, mục đích gì khác”. Họ lại hỏi trước khi viết thư, có gặp gỡ, bàn bạc trao đổi với đồng chí nào không? Tôi trả lời: “Tôi có nói với đồng chí Chu Tiểu Chu rằng tôi đang chuẩn bị viết thư gửi Mao Chủ tịch (chỉ đánh tiếng vậy thôi chứ không nói nội dung). Ngoài ra, tôi không nói với ai nữa”. Bọn họ lại nói: “Hãy gạt bỏ lá thư ra một bên mà nên kiểm thảo từ lợi ích của toàn cục”. Cuộc nói chuyện kéo dài tới hơn 2 giờ đồng hồ. Họ nắm tay tôi từ biệt mà mắt người nào cũng đỏ hoe, khiến tôi vô cùng xúc động. Tôi tự nhủ là “phải kiểm thảo thật nghiêm túc”.

Trong quá trình phát triển của hội nghị, tôi đã tỏ thái độ “nhũn như con chi chi”, họ cần gì tôi đáp ứng điều đó, miễn là không làm tổn hại tới lợi ích của Đảng và của nhân dân. Duy chỉ có vấn đề thuộc cái gọi là “Câu lạc bộ quân sự”, tôi kiên quyết giữ vững nguyên tắc thực sự cầu thị. Nếu không khai ra tổ chức, cương lĩnh, mục đích, danh sách của cái gọi là “Câu lạc bộ quân sự” thì bị chụp lên đầu tội danh không thật thà, không thành khẩn, dối trá, xảo quyệt… Có một lần, khi tôi đang làm kiểm thảo trước Hội nghị Quân ủy mở rộng thì một nhóm đồng chí bực tức gào lên: “Ông hãy thành thật khai hết đi! Đừng tìm cách lừa gạt chúng tôi nữa!”, khiến tôi lúc đó tức đến sôi gan, sôi ruột. Đành cố ghìm, tôi nói: “Hãy khai trừ tôi ra khỏi Đảng, lôi tôi ra bắn bỏ cho rồi! Trong các người, ai là thành viên trong “Câu lạc bộ quân sự” thì hãy dũng cảm đứng lên đầu thú cho xong đi!”. Vì vậy mà có một số đồng chí bảo tôi quá ngoan cố, cực kỳ không nghiêm túc. Nhưng tôi không thể khai bừa về tổ chức, cương lĩnh, mục đích, danh sách của cái gọi là “Câu lạc bộ quân sự” mà ai đó bịa ra. Nếu làm như vậy, sẽ gây nên hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Tôi đành tự hủy diệt mình, chứ quyết không thể làm tổn hại tới Quân đội nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

V.H

(Theo sách Trung Quốc)