Vì sao Tây Ban Nha “dám” truy nã các cựu lãnh đạo Trung Quốc?

07:08 | 13/02/2014

29,275 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai cựu nguyên thủ Trung Quốc vừa bị tòa án Tây Ban Nha phát lệnh truy nã quốc tế, cùng 3 nhân vật khác đang bị điều tra đặc biệt. Tư pháp Tây Ban Nha lấy tư cách gì để thực hiện điều này và liệu họ có “làm thật” không hay chỉ là một quyết định mang tính “câu view”?

>> Click vào đây để bầu chọn "Ngôi sao phản cảm nhất trong năm"!

 

Cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc tháng 11-2012

Nguyên cớ của câu chuyện này bắt nguồn từ đơn kiện của hai nhóm ủng hộ Tây Tạng và một nhà sư Tây Tạng có quốc tịch Tây Ban Nha ra tòa án quốc gia Tây Ban Nha từ năm 2006. Đơn kiện này cáo buộc cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, cựu Thủ tướng Lý Bằng, cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cùng 2 quan chức cấp cao lãnh đạo Trung Quốc trong 2 thập niên 1980 và 1990 của thế kỷ trước, đã có những hành động vi phạm nhân quyền ở khu vực Himalaya.

Một phán lệnh của Tòa án Hiến định Tây Ban Nha ban hành tháng 6-2006, ra lệnh các tòa án nước này thực thi các quyền pháp lý phổ quát. Nguyên tắc pháp lý này cho phép các tòa án ở Tây Ban Nha tiếp nhận các vụ kiện về tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại không phân biệt nơi chúng xảy ra, cũng như quốc tịch của bị đơn.

Căn cứ theo phán lệnh trên, tòa án quốc gia Tây Ban Nha có quyền thụ lý đơn kiện nhằm vào các cựu lãnh đạo Trung Quốc và tiến hành điều tra vụ việc vì hai lý do: thứ nhất, một trong những nguyên đơn là một người Tây Tạng nhưng mang quốc tịch Tây Ban Nha, ông Thubten Wangchen. Lý do thứ hai là tòa án Trung Quốc cho đến giờ vẫn chưa chấp thuận điều tra theo yêu cầu của các nạn nhân.

Sau 7 năm điều tra, ngày 18/11/2013, Tòa án quốc gia Tây Ban Nha phán quyết rằng họ có nhiều chứng cứ cho thấy hai nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc can dự vào những hành vi bị nguyên đơn thưa kiện. Mỗi người đều có trách nhiệm về chính trị và quân sự trong giai đoạn điều tra kể trên.

Phán quyết này là cơ sở để thẩm phán thụ lý hồ sơ Ismael Moreno, ngày 10/2/2014, phát lệnh truy nã quốc tế đối với cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu Thủ tướng Lý Bằng.

Phát biểu với báo giới, ông Ismael Moreno nói: "Tội ác diệt chủng là một tội ác chống lại toàn bộ cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ chống lại các công dân Trung Quốc. Do vậy, Tây Ban Nha có trách nhiệm phải điều tra vụ kiện này".

Câu hỏi đặt ra là quyết định trên của tư pháp Tây Ban Nha là “đùa” hay “thật”?

Tây Ban Nha đang nổi lên như là một người bảo vệ quyền con người và công lý phổ quát. Tòa án Tây Ban Nha đã và đang đẩy mạnh phong trào truy tố các tội phạm quốc tế tại các tòa án nước mình. Năm 1998, một thẩm phán Tây Ban Nha đã bắt giữ và yêu cầu dẫn độ nhà độc tài Chile Augusto Pinochet từ Anh về Tây Ban Nha để xét xử. Gần đây, các thẩm phán nước này đã bắt đầu điều tra cuộc diệt chủng ở Guatemala và Tây Tạng.

Ông Ismael Moreno nói: “Tại Tây Ban Nha, bạn không thể có một phiên tòa mà không có mặt các bị đơn. Nếu bị can không thể sang Tây Ban Nha, hệ thống tư pháp sẽ làm việc với các quốc gia khác có hiệp ước tương trợ tư pháp với Tây Ban Nha để dẫn độ bị can, nếu như họ đi sang những nước này. Chúng tôi sẽ canh chừng khi họ di chuyển. Công lý cũng như các luật sư sẽ không dừng lại, họ đang gõ cửa nhà những kẻ phạm tội”.

Như vậy có thể thấy, tư pháp Tây Ban Nha sẽ “làm thật” và việc bắt giữ những cựu lãnh đạo Trung Quốc liên quan tới đơn kiện trên là hoàn toàn có khả năng xảy ra trong tương lai.

Chưa biết vụ việc này sẽ đi đến đâu, nhưng chính quyền Tây Ban Nha đang phải đau đầu để giải quyết hậu quả. Ngày 10-2, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc lo ngại vấn đề này có thể gây tổn hại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Madrid. Một nguồn tin ngoại giao từ Madrid cho biết: “Vụ kiện này đang được Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha theo dõi rất cẩn thận, vì lo ngại những phán quyết của tòa án có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đang rất tốt đẹp với Trung Quốc”. Các viên chức ngoại giao Tây Ban Nha cũng đã có những cuộc thảo luận với đại diện Trung Quốc tại Madrid về vấn đề này.

Tây Ban Nha là quốc gia có tam quyền phân lập. Đại Hội đồng Tư pháp là cơ quan có vai trò điều hành các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tư pháp. Tòa án Tối cao, có thẩm quyền tài phán trên toàn bộ lãnh thổ Tây Ban Nha, là cơ quan xét xử cao nhất trong bộ máy tư pháp, ngoại trừ đối với các quy định liên quan đến việc bảo vệ hiến pháp. Thẩm phán, quan tòa, cũng như các công tố viên, trong khi thực hiện các nhiệm vụ, không được đảm nhận các chức vụ công quyền nào khác và cũng không được tham gia các đảng phái chính trị, liên hiệp.

Hành pháp Tây Ban Nha không thể nào ảnh hưởng trực tiếp tới những phán quyết của tư pháp. Nhưng họ chuẩn bị thông qua một dự luật “hạn chế thẩm quyền phổ quát” của tư pháp liên quan đến những vụ kiện tương tự. Dự luật này, nếu được Quốc hội biểu quyết, sẽ có giá trị hồi tố đối với trường hợp truy nã các cựu lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế đang chỉ trích mạnh dự luật này.

>> Click vào đây để bầu chọn "Ngôi sao phản cảm nhất trong năm"!

H.Phan