Trung Quốc lo sợ chính biến ở Ukraina?

11:15 | 27/02/2014

5,308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Việc thay đổi chính quyền tại Ukraina đang khiến Bắc Kinh lo ngại. Nhiều hợp đồng kinh tế và quân sự giữa Trung Quốc với chính quyền Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych có nguy cơ tan thành tro bụi.

Bất ổn chính trị cùng với những vấn đề khác ở Ukraina, theo quan điểm của nhiều người, là một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây. Từ Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang theo dõi rất sát những tiến triển chính trị ở quốc gia đông Âu này.

Các cuộc biểu tình bùng ra ở Ukraina khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu để nhận lấy sự giúp đỡ từ Nga. Hiện nay, với một tổng thống tạm quyền thân phương Tây, cuộc chiến tranh giữa phương Ðông và Tây về vấn đề Ukraina vẫn tiếp tục và Trung Quốc dường như đã quyết định đứng ngoài cuộc tranh chấp này.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 25/2 nói Trung Quốc muốn thiết lập một mối quan hệ chiến lược với Ukraina và thực hiện các cuộc thảo luận song phương với quốc gia này về vấn đề viện trợ kinh tế.

Tuy nhiên, những lộn xộn chính trị tại Ukraina đã khiến Trung Quốc thiệt hại bước đầu. Ngày 26/2, Trung Quốc đã kiện Ukraina ra tòa vì vi phạm hợp đồng bán lương thực trị giá 3 tỷ USD. Trung Quốc đã nộp đơn lên Tòa án Trọng tài Quốc tế London đòi Ukraina bồi thường thiệt hại số tiền được nêu. Đơn kiện ghi rằng Công ty lương thực và ngũ cốc Trung Quốc đã chi 3 tỷ USD để mua lương thực ở Ukraina vận chuyển về Trung Quốc. Nhưng đến hạn, phía Ukraina không giao hàng.

Trung Quốc đang đặt mua 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr của Ukraina

Ukraina đang cần được cứu nguy kinh tế. Trung Quốc đã hứa viện trợ 8 tỉ USD cho Ukraina trong chuyến thăm của Tổng thống Yanukovych đến Bắc Kinh vào tháng 12/2013. Ðây là khoản trợ giúp bổ sung cho 10 tỉ USD mà Trung Quốc trước đó đã đầu tư vào Ukraina. Để đổi lại, Ukraina ký kết với Trung Quốc những hợp đồng về mua bán vũ khí và đất đai mà phần lợi nghiêng về Trung Quốc. Năm 2013, Ukraina đồng ý cho Trung Quốc thuê 5% đất để trồng trọt và nuôi lợn để bán cho các công ty nhà nước Trung Quốc. Ðây là một phần của thỏa thuận mà Trung Quốc hứa sẽ xây dựng đường cao tốc và các cây cầu tại Ukraina.

Bill Bishop là một nhà phân tích chuyên về các vấn đề Trung Quốc. Ông cho rằng trong khi Trung Quốc theo dõi những biến động ở Ukraina xem nó có ảnh hưởng như thế nào đối với các giao dịch thương mại với quốc gia này, thì Trung Quốc cũng có thể đang nghiên cứu để rút ra bài học từ cuộc “cách mạng” ở Ukraina. Theo ông Bishop, Trung Quốc cho phép truyền bá những thông tin về các cuộc biểu tình ở Ukraina mà không hề kiểm soát. “Một phần vì Kiev là một mớ hỗn độn, và tôi nghĩ hầu hết người Trung Quốc không muốn sống trong một mớ hỗn độn” - chuyên gia này nhận định.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng điều mà Bắc Kinh lo ngại nhất vào lúc này là những hợp đồng buôn bán vũ khí với Kiev có thể bị đổ bể. Việc chính quyền mới tại Ukraina ngả theo châu Âu và Mỹ là không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu Ukraina được gia nhập EU thì có thể chính phủ nước này sẽ loại bỏ các thương vụ mua bán vũ khí với Trung Quốc nhằm tránh lệnh cấm vận vũ khí mà EU áp đặt với Trung Quốc từ năm 1989.

Năm 2012, Ukraina trở thành nước xuất khẩu vũ khí đứng thứ 4 trên thế giới, với rất nhiều trong số đó xuất khẩu đến Trung Quốc. Ukraina chuyên sản xuất động cơ và bảo dưỡng các máy bay chiến đấu cũng như các loại máy bay khác của Trung Quốc. Chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, tàu Liêu Ninh, đã được làm tại Ukraina. Trung Quốc từng hợp tác với Ukraina về kỹ thuật sản xuất các tua bin khí trong tàu khu trục Aegis của nước này. Đầu năm 2014, Kiev và Bắc Kinh ký thỏa thuận an ninh với nội dung Bắc Kinh sẽ đảm bảo an ninh Ukraina nếu quốc gia này bị đe dọa xâm lược hạt nhân.

Theo chuyên gia Dương Thành thuộc Trung tâm nghiên cứu Nga, Đại học Sư phạm Hoa Đông - Thượng Hải, bất kể Kiev cuối cùng lựa chọn thế lực nào - EU hoặc Nga - tình hình Ukraina đều sẽ tiếp tục hỗn loạn. Nếu Ukraina gia nhập EU, Nga có thể sẽ tạm dừng thương mại khí đốt, nhưng nếu họ nghiêng về Nga, họ cũng sẽ đối mặt với sức ép lớn hơn trong quá trình dần dần gần gũi với EU. Hai tình hình này đều sẽ làm xuất hiện cục diện bế tắc về chính trị, khiến cho đầu tư của Trung Quốc ở Ukraina đối mặt với rủi ro. Sự thay đổi của Chính phủ Ukraina chắc chắn sẽ đem lại tính không xác định cho khả năng duy trì hợp tác thương mại tốt đẹp giữa Kiev và Bắc Kinh.

Nhưng Dương Thành cũng cho rằng, bất kể Ukraina đưa ra sự lựa chọn chính trị nào, họ sẽ vẫn bày tỏ hoan nghênh đối với đầu tư của Trung Quốc, bởi vì chỉ triển khai hợp tác kinh tế với một bên EU hoặc Nga không đủ để giúp cho nền kinh tế bị "trọng thương" của Ukraina thoát khỏi tình cảnh khó khăn.

Th.Long

tổng hợp