Những kỳ tích trên... giấy của ngành giáo dục Trung Quốc

10:00 | 21/09/2014

1,289 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhân dịp khai giảng năm học mới, tờ New York Times đã đăng một bài phân tích về lỗi hệ thống của giáo dục Trung Quốc. Nó cho thấy một bức tranh méo mó về sự nghiệp trồng người của nước này…

 

Một cuộc khảo sát quốc tế năm 2010 cho biết, học sinh trung học Thượng Hải đã đánh bại học sinh Mỹ cũng như nhiều nước thế giới ở môn toán, khoa học và đọc. Cụ thể, đó là cuộc kiểm tra PISA (Program for International Student Assessment) dành cho học sinh 15 tuổi do Tổ chức phát triển hợp tác kinh tế (OECD) tổ chức. Với điểm trung bình 500, trong cuộc thi toán, học sinh Thượng Hải đạt 600 điểm (Singapore 562, Đức 513 và Mỹ 487); ở môn đọc, học sinh Thượng Hải đạt 556, so với hạng nhì Hàn Quốc với 539 và Mỹ 500 (thứ 17); ở môn khoa học, học sinh Thượng Hải đạt 575, so với hạng 23 là Mỹ chỉ đạt 502… Nhiều người tin rằng đó là bằng chứng cho thấy tính “ưu việt” của giáo dục Trung Quốc, nơi có hơn 260 triệu học sinh-sinh viên và khoảng 15 triệu giáo viên, với tỉ lệ xóa mù chữ đạt 92% so với 67% năm 1980.

Trong báo cáo của tổ chức Nesta (Anh), người ta cũng dự báo Trung Quốc qua mặt Mỹ về ngân sách đầu tư R&D trong 10 năm nữa. Chỉ số trích dẫn khoa học từ giới nghiên cứu Trung Quốc trên các chuyên san quốc tế đã tăng 9,5% vào năm 2011. Năm 2012, Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey dự báo, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ chiếm đến 30% tổng nhân công có trình độ đại học trên thế giới so với vỏn vẹn 5% của Mỹ. Năm 2008, Mỹ có 14% sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành khoa học, kỹ thuật, cơ khí và toán; trong khi Trung Quốc là 42%... Tất cả cho thấy chính sách giáo dục của Trung Quốc dường như là đúng hướng và chẳng có gì phải bàn cãi. Thành quả mà nó đạt được hoàn toàn xứng đáng với ngân sách khổng lồ 7,79 ngàn tỉ tệ (1,26 ngàn tỉ USD) trong 5 năm qua, như loan bố của Chính phủ Trung Quốc vào tháng 3/2013.

Để thấy sức nóng giáo dục Trung Quốc, không ví dụ nào cụ thể bằng kỳ thi đại học hàng năm gaokao (“cao khảo”). Trung bình 9-10 triệu thí sinh tham gia mỗi năm, “cao khảo” là cánh cửa hẹp mà gần như mọi học sinh trung học phải bước qua. Sau 12 năm phổ thông, “cao khảo” là vạch đích quan trọng, một chuẩn mực được thiết kế để đánh giá hàm lượng chất xám thế hệ tương lai, bất luận rằng mùa “cao khảo” là một ác mộng (tại Tứ Xuyên, học sinh phải học trong bệnh viện, với ống thở oxy, nhằm giúp tập trung hơn; học sinh nữ tại nhiều thành phố thậm chí uống thuốc ngừa thai để “an toàn” trong mùa thi; và tại một lò luyện “gà chọi” được xem là lớn nhất Trung Quốc, trường Mao Thảo Hán tại An Huy, học sinh phải học 17 tiếng mỗi ngày…).

Một học sinh Trung Quốc đang "dùi mài kinh sử" chuẩn bị cho kỳ thi Cao khảo - tốt nghiệp trung học phổ thông

Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ hiệu quả nền giáo dục Trung Quốc không đơn giản chỉ căn cứ vào sự so sánh mức độ dùi mài kinh sử, cũng như so sánh bảng điểm cuộc thi PISA mà đối tượng học sinh Trung Quốc tham gia đều xuất thân từ Thượng Hải chứ không phải bất cứ tỉnh thành nghèo nào ở nước này.

Chỉ lấy ví dụ “cao khảo”, đã có thể thấy sự bất cập và bất bình đẳng nghiêm trọng trong hệ thống giáo dục Trung Quốc. Nó cho thấy giáo dục Trung Quốc không được phân bổ đồng đều, ngang bằng và mọi đối tượng đều có thể thụ hưởng như được kỳ vọng. Trong thực tế, “cao khảo” được thiết kế như một vách đá sừng sững làm nhụt chí học sinh vùng xa. Theo Rachel Lu trong bài viết trên Foreign Policy, điểm “sàn” của các đại học tên tuổi ở những thành phố lớn như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải, dành cho thí sinh có hộ khẩu địa phương của họ, thường thấp hơn so với thí sinh hộ khẩu “trái tuyến” từ các tỉnh thành xa!

Cao Minh