Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine:

Mỹ - EU sẽ thực hiện bao nhiêu bước trừng phạt Nga?

16:00 | 07/03/2014

953 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 7/3, một phái đoàn nghị sĩ Crimea tới Moskva để thảo luận với đại diện Quốc hội Nga về vấn đề cấp thị thực cho người dân Crimea trong trường hợp Cộng hòa tự trị Crimea sáp nhập với Liên bang Nga. Trước đó, chính phủ Nga đã trình Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) dự luật về nới lỏng quy định cấp quốc tịch Nga cho người nước ngoài. Cũng trong ngày 7/3, hãng AFP cho biết, khoảng 200 người Tatar ở Crimea (cộng đồng Hồi giáo thiểu số Tatar ở khu tự trị Crimea) đã rời khỏi Crimea đến thành phố Lviv (phía Tây Ukraine, sát biên giới với Ba Lan) sau khi chính quyền Crimea thông qua sắc lệnh ủng hộ việc sáp nhập vào Nga. Những người này cảnh báo, sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh du kích chống lại quân Nga.

Thủ tướng Anh David Cameron nói tình hình tại Ukraine vẫn đặc biệt bấp bênh

Cùng ngày 7/3, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, chính quyền mới ở Kiev, vốn lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vi hiến, đã 'áp đặt các quyết định hoàn toàn phi pháp đối với khu vực phía Đông, Đông Nam và khu tự trị Crimea. Do đó, Moskva không thể làm ngơ trước những kêu gọi giúp đỡ trong vấn đề này.

Phát biểu sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama (kéo dài khoảng 60 phút), ông Putin khẳng định, vẫn còn những khác biệt giữa Moskva và Washington trong cách tiếp cận cũng như đánh giá về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Bởi ông Barack Obama đã hối thúc ông Putin chấp nhận các điều khoản về một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo đó, Nga rút quân khỏi các căn cứ tại Crimea, cho phép giám sát viên quốc tế vào để đảm bảo quyền lợi của người dân thuộc sắc tộc Nga tại Ukraine được tôn trọng và nhất trí đối thoại trực tiếp với giới chức Ukraine.

Theo giới truyền thông, sau cuộc họp bất thường kéo dài khoảng 6 tiếng đồng hồ tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra cảnh báo trừng phạt đối với Nga gồm 3 bước (cấm thị thực, phong tỏa tài chính và hạn chế kinh tế) nếu Moskva vẫn từ chối đàm phán trực tiếp cùng chính phủ lâm thời Ukraine. Trước đó EU đã ngừng các cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến tổ chức tại thành phố Sochi trong tháng 6. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy cảnh báo, nếu Nga không tìm cách giảm căng thẳng ở Ukraine, quan hệ EU-Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích nặng nề cuộc trưng cầu dân ý về gia nhập liên bang Nga của quốc hội Crimea bởi không phù hợp với hiến pháp Ukraine. Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, việc phong tỏa tài sản và lệnh cấm thị thực có thể nhanh chóng được áp đặt nếu đối thoại tại Ukraine không được triển khai. Đồng thời cảnh báo, London sẽ xem xét lại hoạt động bán vũ khí cho Nga. Trong khi đó Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế khác nhằm vào Nga cũng có thể sẽ được áp dụng.

Tuy nhiên, ông Francois Hollande vẫn nhấn mạnh: thương vụ bán tàu chiến hiện đại Mistral cho Nga vẫn diễn ra bởi Paris tôn trọng các hợp đồng đã ký! Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk khẳng định, đây không phải cuộc khủng hoảng của Ukraine-Nga, mà là cuộc khủng hoảng tại châu Âu.

Các nguyên thủ EU tại cuộc họp khẩn cấp hôm 6/3

Tờ Los Angeles Times vừa dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine, Trung tá Alexei Mazepa cho biết, hải quân nga đã kéo tàu chống ngầm Ochakov ra khỏi một bãi phế liệu hải quân của mình và nhấn chìm nó trong eo biển nối Biển Đen với Donuzlav Lake gần thành phố Novoozerne trên bán đảo Crimea để ngăn chặn tàu Ukraine ra Biển Đen. Giới truyền thông cho rằng, hải quân Ukraine đã rã đám khi thủy thủ bỏ tàu chạy về Crimea. Bởi sau khi trở về Ukraine, tàu hộ vệ Hetman Sahaidachny của hải quân Ukraine không trở về cảng chính ở Sevastopol (5/3), mà cập cảng Odessa vì Bộ tư lệnh hải quân nước này sợ thủy thủ trên tàu đào ngũ.

Tờ Washington Post cho rằng, Mỹ và đồng minh châu Âu đang từng bước thắt chặt thòng lọng xung quanh Nga khi đồng ý chi thêm tiền viện trợ cho Ukraine, cử quan sát viên quốc tế, điều thêm máy bay tới khu vực, áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Moskva. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich đã cáo buộc Mỹ (6/3) áp dụng tiêu chuẩn kép đối với sự kiên quyết của Moskva trước những diễn biến tình hình tại Kiev. Cũng trong ngày 6/3, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố nêu rõ, các động thái của EU nhằm xem xét tạm ngừng cuộc đàm phán về quy chế miễn thị thực với Nga là "hành động chính trị hóa, không mang tính xây dựng và vô căn cứ", đồng thời hy vọng điều này sẽ không xảy ra.

Trong khi Kiev còn chưa kịp hoàn hồn về quyết định ly khai của Crimea, Hội đồng thành phố cảng Sevastopol, nơi đóng quân của hạm đội Biển Đen, cũng bỏ phiếu gia nhập Nga ngay lập tức và cắt đứt mọi liên hệ với chính quyền Ukraine. Đồng thời ủng hộ quyết định của quốc hội Crimea tiến hành trưng cầu dân ý vào ngày 16/3. Được biết, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc gặp không chính thức với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị quốc tế về Lybia diễn ra tại thủ đô Roma (Italia), để tiếp tục thảo luận về tình hình căng thẳng tại Ukraine. Đây là cuộc gặp thứ hai của Ngoại trưởng Nga và Mỹ, nhưng đều kết thúc mà không đạt được tiếng nói chung về vấn đề Ukraine.

Trong một diễn biến liên quan, Nga vừa kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ điều tra xung quanh thông tin cho rằng, một trong những thủ lĩnh lực lượng đối lập tại Ukraine đã thuê các tay súng bắn tỉa bắn vào những người có mặt ở quảng trường trung tâm thủ đô Kiev trong các cuộc biểu tình tại đây hồi tháng 2. Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho biết, Moskva hy vọng Phó Tổng thư ký Jan Eliasson và Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc về nhân quyền Ivan Simonovic đang có mặt ở Ukraine sẽ thuyết phục chính quyền Kiev điều tra làm rõ vấn đề này. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng, phải điều tra và làm rõ nhân vật nào sử dụng vũ lực tại Kiev trong thời gian diễn ra biểu tình và những ai sát hại người dân.

Ngày 7/3, hãng Kyodo cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về tình hình Ukraine. Và Tokyo có khả năng sẽ hoãn chuyến thăm của Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov, tới Nhật Bản vào trung tuần tháng 3 nhằm phản đối những quyết định mới đây của Moskva đối với Ukraine.

 

Tân Hồng-Tiên Du