Xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraina:

Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga vì Ukraina

18:00 | 04/03/2015

1,408 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga thêm một năm nữa. Theo các nhà phân tích thì điều này cho thấy rõ là Mỹ muốn làm suy yếu nước Nga chứ không phải vì hòa bình ở Ukraina.

Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga

Tổng thống Mỹ thông báo gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt Nga

Cơ quan báo chí Nhà Trắng ngày 2/3 dẫn tuyên bố của Tổng thống Obama nói rằng, tình hình Ukraina hiện nay đã không được cải thiện gì sau hơn một năm xung đột. Như vậy, Mỹ sẽ kéo dài thêm một năm hiệu lực của tất cả các biện pháp trừng phạt chống Nga vốn ban hành trong năm 2014, bao gồm cả trừng phạt kinh tế mới áp đặt để chống Crưm.

Bình luận về điều này, tờ Global Research của Canada viết rằng quyết định trên một lần nữa cho thấy Mỹ “bị ám ảnh” bởi ý nghĩ nước Nga hồi sinh, lấy lại được sức mạnh xưa kia. Theo tờ báo, chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama không chỉ đối với Ukraina mà còn đối với Syria, Iran và các quốc gia khác, phục vụ mục tiêu chính là làm suy yếu nước Nga.

Tờ Global Research phân tích, không phải ngẫu nhiên mà Mỹ cho phép các loại vũ khí hiện đại lọt vào tay các phần tử cực đoan đang chiến đấu trong hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Tổng thống Bashar al-Assad là một đồng minh của Nga, và mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ là giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Nga chứ không phải chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Các vụ không kích của Mỹ vào các vị trí của IS tại Iraq thực chất chỉ dẫn đến việc mở rộng lãnh thổ do tổ chức cực đoan này kiểm soát .

Theo Global Research, Syria là chìa khóa để có khả năng thay thế Nga với tư cách nước chính cung cấp khí đốt cho châu Âu. Quốc gia này là trở ngại duy nhất không cho phép xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Qatar qua Saudi Arabia, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đến EU. Mà việc thực hiện một dự án như vậy sẽ cho phép Qatar cạnh tranh với Nga trên thị trường khí đốt lớn nhất thế giới, châu Âu.

Trước đây ông Obama đã ủng hộ tổ chức "Anh em Hồi giáo" do Qatar tài trợ, nhưng tổ chức này đã hoạt động không hiệu quả ở Syria, và hiện nay Mỹ bắt đầu hỗ trợ cho Nhà nước Hồi giáo, mà tổ chức này nằm dưới sự bảo trợ của Saudi Arabia.

Tuy nhiên, Global Research nhận xét, trong trường hợp chế độ Assad bị lật đổ, vấn đề tiếp theo mà Mỹ phải giải quyết có thể là Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì quốc gia này đã đạt được thỏa thuận với Nga về cung cấp khí đốt Nga sang châu Âu.

Nếu nói về chính sách của Mỹ đối với Iran, thì Ngoại trưởng John Kerry trong quá trình đàm phán với Tehran có thể tìm cách cung cấp khí đốt của Iran cho châu Âu. Tờ Global Research nhận xét rằng, nếu Iran theo Mỹ chống lại Nga thì điều đó sẽ làm thay đổi các quy tắc của trò chơi. Tuy nhiên, cuộc "cách mạng màu" kiểu như ở Ukraina không giúp gì để đạt được mục tiêu này, và Israel sẽ tích cực chống lại bất kỳ thỏa thuận nào với Iran.

Ngày 3/3, Alexei Pushkov, người đứng đầu Ủy ban Ngoại giao Quốc hội Nga nói rằng Mỹ đang tìm cách áp dụng ba kịch bản cho cuộc "Cách mạng Cam" ở Nga. "Đã có một kịch bản Maidan cho Nga với phương án quảng trường Bolotnyi. Các thành viên tham gia đã được nhìn nhận là một phong trào hứa hẹn cần có sự hỗ trợ về thông tin và chính trị" - hãng tin TASS dẫn lời ông Pushkov. Hiện nay, theo chính trị gia Nga, Mỹ đang nỗ lực thực hiện kịch bản thứ hai. Nó bao gồm việc duy trì các mối liên lạc với "phe đối lập cực đoan thân Mỹ gồm những nhân vật như Mikhail Khodorkovsky, Garry Kasparov, Mikhail Kasyanov".

"Kịch bản thứ ba - đó là gây bất ổn định về kinh tế ở Nga nhằm tạo ra những cuộc biểu tình phản đối, làm lung lay uy tín và tầm ảnh hưởng của ông Putin. Đúng là tồn tại những kịch bản như vậy. Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu chúng có khả thi" - ông Pushkov nói.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, cho đến nay những toan tính của Mỹ nhằm làm suy yếu Nga đã thất bại rõ ràng.

Nh.Thạch

tổng hợp