Trung Quốc phát triển “siêu tên lửa”

00:40 | 27/08/2012

1,591 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 24/8, các phương tiện truyền thông Trung Quốc Đại lục lần đầu tiên thừa nhận rằng nước này đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với kỹ thuật tối tân, có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ.

 

 

Báo cáo của IHS Jane dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng Pháo binh 2 đã tiến hành vụ thử đầu tiên của loại tên lửa DF-41, thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc.

Ngày 22/8, tờ Thời báo Hoàn cầu-một ấn bản của Nhân dân Nhật báo (Cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc)-đã phủ nhận một báo cáo do cơ quan tư vấn IHS Jane công bố hồi tuần trước rằng một quả tên lửa Đông Phong-41 (DF-41) đã được lực lượng Pháo binh 2-lực lượng tên lửa chiến lược của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)-thử nghiệm hồi tháng 7. Thay vào đó, Thời báo Hoàn cầu nói rằng Trung Quốc đang phát triển một loại tên lửa như vậy. 

Báo cáo của IHS Jane dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng Pháo binh 2 đã tiến hành vụ thử đầu tiên của loại tên lửa DF-41, thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc.

Nhà báo Andrei Chang thuộc Tạp chí Quốc phòng Hán hòa có trụ sở tại Canada nói rằng chưa chắc hiện nay Pháo binh 2 đã đủ khả năng tiến hành một vụ thử nghiệm toàn bộ hành trình của loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ ba. Ông Chang nhận định: “Những thách thức và khó khăn giữa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba rất phức tạp. Những thông tin mà tôi vừa thu thập được cho thấy Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng khắc phục nhiều vấn đề, mặc dù họ đã mất hơn 20 năm để phát triển nó”. 

Trong khi đó, Antony Wong Dong-Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế có trụ sở tại Ma Cao-cho rằng thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc sẽ không được đặt tên là DF-41 bởi vì dự án đó đã bị hủy bỏ từ cách đây 1 năm. 

Thời báo Hoàn cầu dẫn lời Ngụy Quốc An, chuyên gia quân sự có quan hệ gần gũi với Pháo binh 2, cho biết Trung Quốc đang phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba, một loại tên lửa đúng như mô tả của giới truyền thông phương Tây. Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết tên lửa được thử ngày 24/7 không phải là tên lửa DF-41. Phát biểu trên Thời báo Hoàn cầu, Ngụy Quốc An nêu rõ: “Thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba được trang bị kỹ thuật mang nhiều đầu đạn, có khả năng độc lập quay trở lại bầu khí quyển (MIRV) chính là hướng phát triển của lực lượng Pháo binh 2”. 

Trung Quốc từ lâu đã khẳng định sẽ không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, và các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc được thành lập để chống lại các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, chuyên gia Ngụy Quốc An cho rằng Bắc Kinh nên tiếp tục phát triển thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ ba bởi vì Trung Quốc đang phải đối mặt với những mối đe dọa hạt nhân đã gia tăng, với việc cả Mỹ và Nga đều thất bại trong việc loại trừ các loại vũ khí trong kho vũ khí hạt nhân của hai nước này. 

Báo cáo của IHS Jane dẫn lời cựu quan chức tình báo quân đội Mỹ Larry Wortzel nói rằng thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc có thể đánh bại các lực lượng phòng thủ tên lửa của Mỹ. Theo ông Larry Wortzel, “tên lửa DF-41 là loại tên lửa có khả năng cơ động và sẽ rất khó bị phát hiện cũng như bị đánh chặn bởi khả năng cơ động cao của nó”.

Trong khi đó, giáo sư Phillip Karber thuộc Đại học Georgetown (Mỹ)-chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu các chương trình hạt nhân của Trung Quốc-cũng nói với IHS Janes rằng thế hệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thứ ba của Trung Quốc-loại tên lửa có khả năng mang tới 10 đầu đạn MIRV-“sẽ đủ để Trung Quốc nhằm mục tiêu vào tất cả các thành phố có dân số hơn 50.000 dân” với 32 quả tên lửa loại này. Giáo sư Karber nhận định nếu Trung Quốc hoàn thành việc phát triển loại tên lửa như vậy nhằm vào các thành phố của Mỹ, và Mỹ không xây dựng các hệ thống phòng thủ tên lửa để chống lại loại tên lửa này, điều đó báo hiệu sự kết thúc của việc ngăn chặn tình trạng bành trướng hạt nhân ở châu Á.

Nh.Thạch (Tổng hợp)