Khi Mỹ làm lành với Iran

17:00 | 02/03/2015

2,611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khi mối quan hệ giữa Mỹ và Iran càng được giảm căng thẳng bao nhiêu thì không khí giữa Israel và đồng minh Mỹ lại trở nên ngột ngạt bấy nhiêu. Hôm nay, Thủ tướng Israel có chuyến thăm Mỹ nhưng lại không được Tổng thống Obama tiếp đón.

Khi Mỹ làm lành với Iran

Thủ tướng Israel sẽ đọc diễn văn trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào ngày mai 3/3, theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner

Từ khi ông Hassan Rouhani, một giáo sĩ theo đường lối ôn hòa, lên làm Tổng thống Iran, quan hệ giữa Iran và phương Tây đã giảm nhiệt rõ rệt. Bởi ông Hassan Rouhani là con người thực dụng. Trong bài diễn văn đầu tiên trên cương vị Tổng thống ngày 4/8/2013, ông Rouhani quyết tâm làm việc để gỡ bỏ những chế tài của phương Tây đối với Iran xung quanh vấn đề hạt nhân của nước này.

Từ đó đến nay, tiến trình đàm phán giữa Iran và các cường quốc thế giới đã đạt nhiều tiến bộ. Quốc tế cũng đã nới lỏng khá nhiều các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ trên càng được dễ chịu bao nhiêu thì không khí giữa Iran và đồng minh Mỹ lại trở nên ngột ngạt bấy nhiêu. Iran và Israel là hai đối thủ “không đội trời chung” tại Trung Đông. Thủ tướng Israel Netanyahu là người liên tục chỉ trích việc đàm phán với Iran, ông cho rằng trong các cuộc đàm phán gần đây, Mỹ đã nhượng bộ nhiều trong khi Tehran vẫn có tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân và điều này không chỉ đe dọa an ninh của Israel mà còn gây bất ổn tình hình khu vực Trung Đông và toàn thế giới.

Mỹ và 5 cường quốc khác từ lâu đã tìm cách chấm dứt khả năng Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân, trong khi Iran nói rằng chương trình hạt nhân của họ nhằm các mục tiêu dân sự. Các cuộc đàm phán giữa Iran và Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga , Đức và Mỹ tập trung vào lượng uranium Iran được phép tinh chế, số máy ly tâm có thể vận hành và các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nước này sẽ được bãi bỏ mau chóng ra sao.

Ngày 24/2, Mỹ và Iran cho hay đã có một số tiến bộ trong các cuộc thương lượng về chương trình hạt nhân của Iran. Tuy nhiên việc đạt được thỏa thuận vẫn còn một chặng đường dài. Họ đang cố gắng đáp ứng hạn chót tự đề ra là ngày 31/3/2015 để đạt một thỏa thuận khung, với ngày 1/7/2015 cho một thỏa thuận chung cuộc, bảo đảm là các hoạt động hạt nhân của Iran nhắm mục tiêu hòa bình, để đổi lại việc các nước phương Tây sẽ bãi bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đã làm suy yếu nền kinh tế Iran.

Một ngày sau thông báo của Mỹ về kết quả đàm phán với Iran, tối ngày 25/2, trong cuộc nói chuyện tại trụ sở Đảng Likud ở Jerusalem, Thủ tướng Netanyahu tố cáo Mỹ và các quốc gia trong cuộc thương thuyết đã bỏ qua cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Ông nói: “Họ có thể chấp nhận việc ấy nhưng tôi không muốn chấp nhận”. Phát biểu của ông Netanyahu lập tức gây phản ứng từ Mỹ. Sáng ngày 26/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã sai lầm trong nhận định của mình về các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ với Iran.

Phát biểu trước một phiên điều trần của Quốc hội, ông Kerry cho rằng những gì đã đạt được cho tới nay trong các cuộc đàm phán với Tehran thực sự giúp Israel an toàn hơn bằng cách ngăn chặn Iran xúc tiến chương trình hạt nhân của mình. Ông nói những người chỉ trích các cuộc đàm phán đang diễn ra với Iran, trong đó có ông Netanyahu, có lẽ không biết mình đang nói gì!

Sự căng thẳng trên được đẩy lên cao độ khi Chủ tịch Quốc hội đảng Cộng hòa John Boehner (đảng hiện đang kiểm soát lưỡng viện quốc hội Mỹ) mời ông Netanyahu tới phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ vào ngày 3/3 mà không thông báo với các nghị sĩ Dân chủ của Tổng thống Obama, cũng như về việc Thủ tướng Israel đã nhận lời mời. Truyền thông Mỹ cho hay Chính quyền Obama cực kỳ khó chịu về việc này. Khoảng gần 10 nhà lập pháp đảng Dân chủ nói sẽ không tham dự cuộc nói chuyện của Thủ tướng Netanyahu tại quốc hội. Theo lời Thượng nghị sĩ Tim Kaine tiểu bang Virginia thì việc đọc diễn văn của ông Netanyahu là không thích hợp vào lúc Israel sắp tổ chức bầu cử và Mỹ từ trước đến nay vẫn tránh gây ảnh hưởng vào nội bộ Israel. Dân biểu Jan Schakowsky tiểu bang Illinois, dân gốc Do Thái, thì cho là ông Netanyahu muốn ngăn cản cuộc thương lượng với Iran.

Ngày 26/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice nói với truyền thông Mỹ rằng ông Netanyahu đã khơi lên tính đảng phái trong mối quan hệ giữa Israel và Mỹ. Ông Netanyahu đang vận động tái tranh cử, với cuộc bầu cử diễn ra ba tuần nữa. Bà Rice nói  việc Thủ tướng Netanyahu đọc diễn văn tại quốc hội và việc ông chống cuộc thương lượng với Iran là không phù hợp với tình đồng minh bền chặt Mỹ-Israel. Bà tuyên bố: “Thủ tướng Netanyahu đã có một mức độ can dự vào sinh hoạt đảng phái mà lẽ ra ông phải đứng ngoài”. Bà cho rằng “đây là sự phá hoại mối quan hệ đồng minh”.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest thì nói rằng mối quan hệ giữa Israel và Mỹ không thể bị hạ xuống mức quan hệ giữa Đảng Likud của Israel và đảng Cộng hòa của Mỹ - hai đảng bảo thủ. Josh Earnest cũng nói luôn là Tổng thống Obama sẽ không tiếp Thủ tướng Netanyahu.

Trong khi đó, hôm 1/3, trang tin Israel National News dẫn thông tin báo Al-Jarida của Kuwait cho hay Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2014 từng đe dọa hạ lệnh bắn các máy bay chiến đấu của Israel nếu Tel Aviv không kích các cơ sở hạt nhân của Iran.

Giữa lúc quan hệ Mỹ với đồng minh Israel căng thẳng, ngày 1/3, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu đã tới Washington, bắt đầu chuyến thăm Mỹ kéo dài 2 ngày. Phát biểu với báo chí trước khi lên máy bay, ông Netanyahu nói rằng ông đang thực hiện một “sứ mạng lịch sử” là nỗ lực và ngăn chặn một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Dự kiến ngày mai, 3/3, ông Netanyahu sẽ có bài diễn văn trước lưỡng viên Quốc hội Mỹ, trong đó ông sẽ giải thích lý do vì sao lại phản đối một thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

Lãnh đạo đảng Dân chủ và cá nhân Tổng thống Obama không hề mong muốn chuyến thăm này của Thủ tướng Netanyahu. Gần một nửa người Mỹ cũng không hoan nghênh bài diễn văn của Thủ tướng Netanyahu trước Quốc hội nước này. Theo một khảo sát do kênh NBC News và Wall Street Journal thực hiện, 48% số người được hỏi cho rằng việc Chủ tịch Hạ viện Boehner "qua mặt" ông chủ Nhà Trắng để mời Thủ tướng Netanyahu thăm Mỹ là quyết định không hợp lý.

Các nhà quan sát cho rằng tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran là một phép thử đầy khó khăn cho quan hệ đồng minh Mỹ-Israel.

Nh.Thạch

tổng hợp