Đàn ông ế vợ ngày càng nhiều

13:00 | 05/04/2013

2,589 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Tỷ lệ nam giới độc thân ở Trung Quốc đang ngày càng tăng, đặc biệt ở lứa tuổi trên 27, mặc dù nhiều người trong đó mong muốn được kết hôn và lập gia đình. Tại sao họ phải sống độc thân và đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Thuật ngữ “phụ nữ thừa” từng trở nên rất phổ biến ở Trung Quốc vào năm 2007, với sự góp phần quảng bá của Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc. Ngôn từ này ám chỉ những đại diện phái đẹp trên 27 tuổi không có gia đình và chưa sinh con. Tuy nhiên, khi lưu ý tới nhóm “đàn ông thừa”, các phương tiện truyền thông đã chỉ ra rằng lực lượng này còn đông đảo hơn và đang ẩn chứa nhiều vấn đề hơn.

Chính sách kế hoạch hóa gia đình và nguyên tắc “mỗi gia đình một con” của Trung Quốc đã dẫn đến chênh lệch trong cân bằng giới tính. Tổng điều tra dân số mới nhất ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ sơ sinh là 118 bé trai trên 100 bé gái. Mặc dù Trung Quốc nghiêm cấm việc chẩn đoán giới tính trước khi sinh và nạo phá thai chọn lọc, số bé trai vẫn cao hơn nhiều so với tỷ lệ tự nhiên. Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế Trung Quốc công bố số liệu thống kê cho thấy, việc áp dụng chính sách một con đã dẫn tới ít nhất 336 triệu ca nạo phá thai được thực hiện tại nước này, tương đương 1.500 ca mỗi giờ.

Hiện tượng này dẫn tới một hậu quả nghiêm trọng là hàng chục triệu đàn ông không thể tìm được bạn đời. Số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc có 5,82 triệu phụ nữ ở tuổi từ 29 đến 39 chưa lập gia đình, trong khi đàn ông độc thân ở cùng độ tuổi là 12 triệu người. Cứ 100 phụ nữ Trung Quốc chưa chồng sinh sau năm 1980 thì có 136 đàn ông chưa vợ. Nguy hiểm hơn, tỷ lệ này là 100/206 ở những người sinh từ năm 1970 đến 1980.

Tổng điều tra dân số mới nhất ở Trung Quốc cho thấy tỷ lệ sơ sinh là 118 bé trai trên 100 bé gái

Một số thanh niên phàn nàn rằng theo đuổi các cô gái là chuyện rất tốn kém, đặc biệt nếu hy vọng quan hệ nghiêm túc đi đến hôn nhân. Nhóm thanh niên khác chờ đợi nửa duy nhất của mình với nguyên tắc “Thà rằng được sẻ trong tay, còn hơn lời hứa trên mây hạc vàng”. Trong số này có những chàng trai con nhà giàu, tìm hiểu thông qua dịch vụ đặc biệt và tốn hàng chục nghìn nhân dân tệ mong chọn người phụ nữ đáp ứng lý tưởng của mình. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng phần lớn người Trung Quốc không vợ vì lý do kinh tế. Ở Trung Quốc, hầu hết các cô dâu tương lai muốn chú rể có căn hộ, chiếc xe hơi và một công việc đàng hoàng. Theo truyền thống, người đàn ông nên kết hôn với một phụ nữ thấp kém hơn anh ta về tài chính. Tuy nhiên, vì hầu hết những phụ nữ này cũng là đứa con duy nhất trong gia đình, họ thường có trình độ giáo dục tốt và thu nhập khá.

Giáo sư Cố Hiểu Minh tại Đại học Phúc Đán cho rằng, vấn đề đàn ông sống độc thân liên quan đến hệ thống an sinh xã hội ở Trung Quốc. Theo quan điểm của ông, trong một cộng đồng lành mạnh, đàn ông trẻ đến tuổi lấy vợ phải sở hữu tiềm năng kinh tế nhất định để xây dựng gia đình, chẳng hạn đủ tích góp mua căn hộ vừa phải.

Với thực trạng này, trước kỳ họp Hội nghị Chính trị Hiệp thương nhân dân toàn quốc (Quốc hội) hồi giữa tháng 3/2013, người giàu nhất Trung Quốc Đại lục, Tông Khánh Hậu, đưa ra đề xuất cấp nhà ở tại các thành phố cho tất cả các hộ gia đình Trung Quốc và nhận xét tình hình thanh niên không đủ khả năng mua hoặc thuê nhà ở các đô thị lớn vì giá quá cao là một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Theo đề nghị của ông Tông Khánh Hậu, các công nhân và viên chức trẻ có thể thuê căn hộ hai phòng từ nhà nước, với mức thuê không vượt quá 10% tiền lương. Sau khi họ tích lũy đủ tiền, chính phủ cần cho phép họ mua thế chấp căn hộ riêng trong vòng 15 năm, khoản thanh toán hàng tháng cũng không được vượt quá 20% thu nhập. Phải chăng biện pháp như vậy sẽ giúp một bộ phận “đàn ông thừa” biến thành “đàn ông có gia đình”.

Và dường như thấy rõ được những hậu quả của chính sách một con, chính quyền Trung Quốc mới đây đang tính toán sẽ thay đổi chính sách này. Hồi tháng 3/2013, Vương Bồi An, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và dân số Trung Quốc, cho biết trước mắt Trung Quốc cải thiện chính sách một con ở các vùng nông thôn, do những thay đổi về nhân khẩu học, kinh tế cũng như bối cảnh xã hội của Trung Quốc trong những năm gần đây.

Trong báo cáo chính phủ hôm khai mạc kỳ họp Quốc hội ngày 5/3/2013, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã cam kết Trung Quốc sẽ tiến dần đến việc cải thiện chính sách dân số nước này. Các gia đình khu vực nông thôn ở Thượng Hải, Thiên Tân, Liêu Ninh, Cát Lâm, Giang Tô, An Huy và Phúc Kiến sẽ được sinh thêm con thứ hai nếu con đầu là gái. Các gia đình ở cả thành thị và nông thôn của những địa phương này sẽ được sinh thêm con thứ hai nếu cả người cha lẫn người mẹ đều là con một từ chính sách một con của Trung Quốc ban hành trước đây.

Mã Từ, Giám đốc Viện Khoa học kỹ thuật Trung Quốc, khẳng định dù chưa được phổ biến rộng rãi nhưng chính sách sinh thêm con này trên thực tế đã có hiệu lực từ một năm trước đây. Đây là lần đầu tiên các quan chức trong ủy ban kế hoạch hóa gia đình chính thức lên tiếng về sự thay đổi trong “chính sách một con” của Trung Quốc. Theo ông Mã, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Số người trong độ tuổi lao động từ 19-59 tuổi đang giảm khoảng 3,45 triệu người mỗi năm, gây ảnh hưởng lớn đến lực lượng lao động của nước này. Trong khi đó, số người đến tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi sẽ lên đến 200 triệu người trong năm 2013. Đó là những nguyên nhân khiến Chính phủ Trung Quốc phải xem xét để cải thiện chính sách kế hoạch hóa gia đình của nước này cho phù hợp với hoàn cảnh xã hội hiện tại.

H.Ninh