Cuộc xâm lấn không tiếng súng trên biển

20:21 | 05/05/2014

8,426 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Bằng việc đưa các giàn khoan dầu khí nước sâu và các tàu khảo sát đại dương ra các khu vực biển không phải của mình, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc xâm lấn không tiếng súng trên biển.

Trung Quốc muốn gì ở Biển Đông?

Chỉ có Trung Quốc mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác họ muốn gì ở Biển Đông khi bằng mọi giá áp đặt đường lưỡi bò 9 đoạn để đòi chủ quyền tới 80% diện tích Biển Đông, bất chấp luật pháp và sự phản đối của công luận quốc tế. Tuy nhiên, động lực nhãn tiền khiến Bắc Kinh giành giật từng tấc biển với láng giềng mà ai cũng có thể nhìn thấy được là trữ lượng cá và nguồn tài nguyên khoáng sản, dầu khí khổng lồ ở khu vực này.

Có một thực tế là Trung Quốc đang khát dầu và cần dầu để duy trì tốc độ phát triển kinh tế và lèo lái nền công nghiệp đang vươn lên mạnh mẽ, trong khi sản lượng khai thác từ các giếng dầu trên bờ đang “giậm chân tại chỗ” và tiềm năng có hạn tại các vùng biển cạn sau 30 năm khai thác.

Theo báo cáo Triển vọng Năng lượng 2035 của hãng dầu mỏ BP (Anh) công bố gần đây, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2027 và "qua mặt" Nga trở thành nước tiêu thụ khí đốt lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ) vào năm 2025.

Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới vào năm 2027

Để thỏa mãn nhu cầu năng lượng dường như bất tận này, đất nước đông dân nhất hành tinh buộc phải vươn “vòi bạch tuộc” ráo riết tìm kiếm, tranh giành các nguồn dầu mỏ và khí đốt trên thế giới bằng đủ mọi đường, từ mua lại các trang thiết bị, công nghệ từ những công ty dầu mỏ lớn của phương Tây đến thâu tóm các tài sản dầu khí ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã và đang theo đuổi một cuộc săn tìm năng lượng qua đường ngoại giao. Bằng chứng là trong các chuyến công du của giới lãnh đạo Trung Quốc những năm gần đây, dầu mỏ là đề tài không thể thiếu. Bắc Kinh sẵn sàng hào phóng chi hàng tỷ USD viện trợ cho các nước nhiều dầu để được đổi lại bằng các hợp đồng khai thác, hợp đồng đảm bảo nguồn cung dầu khí.

Thậm chí, Trung Quốc còn không ngại tranh đoạt, bất chấp rủi ro và căng thẳng với các nước láng giềng, để gia tăng nguồn dầu, đặc biệt là ở Biển Đông.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính Biển Đông có 11 tỷ thùng dầu thô và 5.400 tỷ m3 khí đốt. Trong khi đó, Bộ Đất đai và Tài nguyên khoáng sản nước này cho rằng, Biển Đông có từ 169 - 220 tỷ thùng dầu và 16.000 tỷ m3 khí đốt.

Còn các chuyên gia Trung Quốc thì kỳ vọng “Biển Đông có tiềm năng trở thành khu vực khoan nước sâu lớn thứ 4 thế giới, sau Vịnh Mexico, Brazil và Tây Phi”.

Để giữ thế độc quyền khai thác trên Biển Đông, Trung Quốc đã tuyên bố các hoạt động liên quan tới dầu khí trên Biển Đông sẽ bị cho là bất hợp pháp nếu không có sự cho phép hay tham gia của nước này. Bắc Kinh cũng ngang ngược cảnh báo, đe dọa trừng phạt các hãng dầu khí có hợp tác thăm dò, khai thác với các láng giềng trên những khu vực biển rõ ràng không thuộc về họ.

Không chỉ tự cho mình cái quyền “ôm” lấy Biển Đông, Trung Quốc còn đặt mục tiêu vơ vét tài nguyên dầu mỏ rõ ràng ở khu vực này với tham vọng khai thác 1 triệu thùng dầu mỏ/ngày ở Biển Đông vào năm 2020. Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã nhiều lần mời thầu thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong đó có các khu vực nằm hẳn trong hoặc sát với vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Điển hình là việc ngày 23/6/2012, CNOOC ngang nhiên thông báo công khai chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm sâu trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển gần nhất của Việt Nam 57 hải lý ở khu vực Nha Trang (Khánh Hòa), cách đảo Phú Quý của Việt Nam chỉ khoảng 37 hải lý. Bộ Ngoại giao và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cực lực phản đối hành động này và yêu cầu phía CNOOC hủy bỏ ngay việc chào thầu nói trên vì đó là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với thông lệ dầu khí quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia chính đáng của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Những "biên giới di động" trên biển

Chưa biết khai thác thực tế sẽ được bao nhiêu dầu khí ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh trước mắt đã rót những khoản kinh phí khổng lồ đầu tư cho chiến hạm, tàu chấp pháp… và đặc biệt là giàn khoan “khủng”. Chẳng thế mà vào năm 2012, khi Trung Quốc ra mắt giàn khoan Hải dương 981 (HD 981), Chủ tịch CNOOC Wang Yilin từng tuyên bố “Giàn khoan nước sâu là lãnh thổ quốc gia di động và là vũ khí chiến lược giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí ngoài khơi Trung Quốc”.

Hiện Trung Quốc đang sở hữu hai giàn khoan "khủng". Đó là HD 981 và Lệ Loan 3-1. Cả 2 giàn này đều đang hoạt động ở Biển Đông.

Giàn khoan HD 981

Giàn khoan HD 981 của CNOOC

Đây là giàn khoan cấp siêu sâu “cây nhà lá vườn” đầu tiên của Trung Quốc, do CNOOC và Tập đoàn Công nghiệp tàu thuyền Trung Quốc hợp tác xây dựng trong 6 năm với tổng số vốn đầu tư là 6 tỷ nhân dân tệ (19.020 tỷ đồng Việt Nam). HD 981 là giàn khoan nửa nổi nửa chìm hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 m, thuộc thế hệ thứ sáu, đồng thời là 1 trong 20 giàn khoan trên thế giới hoạt động ở độ sâu 3.000 m. Nhiệm vụ chính là khoan giếng thăm dò, khoan giếng sản xuất, hoàn thành giếng khoan và sửa chữa giếng khoan trên Biển Đông. Ngoài ra, giàn khoan “khủng” này cũng có thể được điều động đến các khu vực biển sâu ở Đông Nam Á và Tây Phi.

Giàn khoan 981 đã qua đăng kiểm của Trung Quốc và Mỹ, được mệnh danh là “hàng không mẫu hạm” trên biển bởi được trang bị tích hợp các thiết bị công nghệ đại nhất thế giới. Giàn khoan dài hơn 650 m, gồm năm tầng cao 136 m (tương đương tòa nhà 45 tầng). Trọng tải tịnh hơn 30.000 tấn. Diện tích boong tương đương với diện tích một sân vận động tiêu chuẩn. Giàn khoan có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 công nhân làm việc và nghỉ ngơi.

Giàn khoan HD 981 được trang bị 8 máy phát điện diesel công suất 44.000 kilowatt, có thể hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ điện của một thành phố 200.000 dân. Nó có 8 động cơ đẩy và công suất của mỗi động cơ tương đương với 5 đầu máy xe lửa. Lượng tiêu hao dầu diesel từ 100 đến 150 tấn/ngày hoặc 200 tấn trong điều kiện mưa bão. Do đó, giàn khoan có trang bị khoang chứa dầu với dung tích 4.500 tấn đủ cho máy phát điện chạy liên tục 30 ngày.

Theo thông báo của Cục Hải sự Trung Quốc, từ ngày 2/5/2014, giàn khoan HD981 đã vào định vị khoan tại vị trí có tọa độ 15029’ vĩ độ bắc, 111012’ độ kinh đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phản đối việc làm ngang ngược, xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 của CNOOC, đồng thời yêu cầu CNOOC dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Giàn khoan Lệ Loan 3-1

Giàn khoan Lệ Loan 3-1 của Trung Quốc

Giàn Lệ Loan 3-1 là giàn khoan dầu khí nước sâu lớn nhất châu Á do Trung Quốc tự thiết kế thi công trong khoảng thời gian 21 tháng tại Khu phát triển kinh tế Hoàng Đảo, Thanh Đảo.

Giàn có chiều cao 68 mét, được thiết kế 4 tầng toàn bộ bằng khung thép, với tổng trọng lượng 32.000 tấn, mặt sàn dài 107 mét, rộng 77 mét. Như vậy, độ cao của giàn xử lý khí “khủng” này tương đương với một tòa nhà 18 tầng và diện tích thì lớn hơn diện tích của một sân bóng đá tiêu chuẩn.

Giàn có chức năng phân loại dầu, khí đốt, loại bỏ nước và tạp chất ngay sau khi khoan hút từ dưới đáy biển, tất cả thành một hệ thống khép kín. Sau đó các thành phẩm được chuyển lên tàu vận chuyển Hải dương thạch du 299 để chuyển vào đất liền.

Ngoài ra, công trình khổng lồ này còn dành một khu vực khá lớn (3 tầng) làm chỗ ăn ở, sinh hoạt hằng ngày cho khoảng 120 người. Trong đó, có một phòng đặc biệt dành cho các hoạt động vui chơi giải trí, phòng cờ vua, phòng tập thể dục và phòng truy cập Internet với các thiết bị hiện đại, có thể thu nhận các tín hiệu truyền hình vệ tinh. Hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, với thiết bị khử muối nước biển cũng được trang bị trên giàn.

Hiện giàn Lệ Loan 3-1 đang hoạt động tại mỏ khí Lệ Loan 3-1, nằm trong lưu vực sông Châu, cách Hồng Kông 350km về phía Đông nam.

Linh Phương