Châu Á: Nhà nhà đóng tàu sân bay

07:00 | 13/08/2013

1,256 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngay sau khi Nhật Bản ra mắt tàu sân bay “khủng” nhất từ sau Thế chiến thứ hai, hôm qua Ấn Độ cũng trình làng hàng không mẫu hạm tự đóng. Cùng với tàu sân bay của Trung Quốc, xét trong tổng thể, khu vực châu Á đang diễn ra một cuộc chạy đua đóng tàu sân bay.

Hàng không mẫu hạm lớn nhất của Ấn Ðộ được thiết kế và chế tạo ngay trong nước, khiến Ấn Ðộ trở thành quốc gia thứ năm sau Anh, Pháp, Nga và Mỹ làm được việc này.

Hôm 12/8, Ấn Độ đã trình làng chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên do nước này tự chế tạo, trong nỗ lực hiện đại hóa trang thiết bị quân sự hầu hết là mua của Liên Xô cũ.

Chiếc INS Vikrant có trọng tải 40.000 tấn sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2018, sau khi tiến hành xong một loạt thử nghiệm. Sự kiện này sẽ giúp Ấn Độ bước vào câu lạc bộ các quốc gia có thể tự thiết kế và đóng được hàng không mẫu hạm, đến nay chỉ mới có bốn nước là Mỹ, Anh, Pháp, Nga.

Chương trình này tốn kém khoảng 5 tỉ USD, bị chậm hai năm so với kế hoạch. Tuy nhiên đây là một giai đoạn đáng nhớ - theo như tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony, hiện diện trong buổi lễ ra mắt chiếc tàu sân bay trên tại cảng Cochin ở miền nam Ấn Độ. Ông nói: “Đây là bước đầu tiên của một chuyến hành trình dài, và là bước đầu quan trọng”.

Theo các nhà phân tích, Ấn Độ tìm cách đối phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của một cường quốc châu Á khác là Trung Quốc, bằng cách hiện đại hóa kho vũ khí của mình. Chuyên gia Rahul Bedi của tạp chí quốc phòng Jane’s nhận định: “Chiếc hàng không mẫu hạm sẽ được triển khai tại Ấn Độ Dương, nơi quy tụ các lợi ích thương mại và kinh tế của thế giới. Ấn Độ luôn lưu ý đến năng lực của Trung Quốc”.

Tàu DDH183 Izumo được Nhật ra mắt hôm 7/8

Trước đó ngày 7/8, Nhật Bản đã tổ chức lễ chạy thử cho tàu khu trục Izumo mang trực thăng tại xưởng đóng tàu ở tỉnh Kanagawa. Dự kiến sẽ hạ thủy vào năm 2015, đây là tàu chiến lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Tàu Izumo được xem là tàu chở trực thăng lớn nhất của Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ 2. Con tàu thuộc lớp 22DDH, dài 248m, có thể chở đến 9 trực thăng trên boong và 14 trực thăng trong kho chứa. Năm trực thăng có thể cất cánh và hạ cánh cùng một lúc, gồm cả trực thăng MV-22 Osprey. Tàu có lượng giãn nước tiêu chuẩn 24.000 tấn, tổng trọng tải 27.000 tấn, trang bị 3 hệ thống phòng không tầm ngắn Phalanx, 2 hệ thống phóng tên lửa phòng không SeaRAM.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, con tàu sẽ đóng vai trò quan trọng trong công tác cứu hộ, chống thiên tai, cũng như trong việc bảo vệ lãnh hải và lãnh thổ Nhật Bản. Nhật Bản phô trương tàu trực thăng vào lúc mà quan hệ Nhât-Trung không ngừng căng thẳng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tháng 11/2012, Trung Quốc cũng đã tiến hành thành công lần đáp thử đầu tiên của một chiến đấu cơ trên hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.

Việc phô trương nói trên nằm trong chính sách tăng cường sức mạnh quân sự của chính phủ Shinzo Abe. Đảng Tự do Dân chủ của ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 12 năm ngoái, và cũng vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện tháng 7 vừa qua. Ông Abe đã tuyên bố sẽ không ngại dùng vũ lực nếu người Trung Quốc đổ bộ lên Senkaku.

Theo giới quan sát, trong tương lai không xa, tàu chở trực thăng của Nhật có tiềm năng biến thành phương tiện chuyển chở các máy bay chiến đấu thế hệ năm F-35B.

Nhật Bản dự định đóng tiếp một tàu lớp Izumo. Bên cạnh đó, lực lượng quốc phòng Nhật sở hữu hai tàu khu trục chở trực thăng lớp Hyuga với lượng choán nước 19.000 tấn. Các tàu này cũng có sàn bay, thang nâng và nhà chứa. Tháng 6/2013, trong cuộc tập trận chung Mỹ-Nhật, lần đầu tiên trực thăng MV-22 Osprey của Mỹ đã thử nghiệm cất cánh và hạ cánh trên một tàu Hyuga. Như vậy, Nhật Bản sớm có khả năng sở hữu bốn hàng không mẫu hạm dành cho trực thăng và máy bay chiến đấu F-35B.

Việc đưa vào vận hành tàu khu trục chở trực thăng khổng lồ lớp Izumo của Nhật Bản có thể được xem như dấu hiệu tận trung của Hiến pháp hòa bình ở Nhật Bản, quốc gia đang trở thành cường quốc quân sự toàn diện với tiềm năng tấn công phủ đầu mạnh mẽ.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc

Trung Quốc không giấu diếm việc xây dựng hạm đội tàu sân bay. Nhưng trong cuộc đua này Nhật Bản có lợi thế quan trọng. Trung Quốc đang tự lực đóng hạm đội tàu sân bay, còn nỗ lực thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với Nga đã không thu được thành công. Quốc gia duy nhất hỗ trợ chương trình tàu sân bay của Trung Quốc trong những năm gần đây là Brazil, bằng cách cho phép các thủy thủ Trung Quốc tiếp cận tổ chức hoạt động trên tàu sân bay nhỏ San Paolo của họ. Ngay từ đầu, Nhật Bản luôn dựa vào các kinh nghiệm và công nghệ của Mỹ Khả năng là các F-35 sẽ xuất hiện trong biên chế hạm đội Nhật Bản trước khi chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Trung Quốc đi vào sản xuất hàng loạt.

Bất chấp những tiến bộ về phát triển hải quân của Trung Quốc, Nhật Bản vẫn cảm thấy rất tự tin hơn trong lĩnh vực này. Họ vốn giàu kinh nghiệm, nắm giữ thiết bị tối tân và đội ngũ nhân sự được chuẩn bị đặc biệt tốt cho chiến tranh chống tàu ngầm. Đối tác của Nhật Bản là các quốc gia phương Tây với kinh nghiệm lớn về khai thác hạm đội tàu sân bay. Để thay đổi cán cân tiềm lực, Trung Quốc cần phải gồng mình hết sức và tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài. 

Th.Long

Tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc