Ai sẽ là Giáo hoàng?

19:00 | 11/03/2013

750 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thế giới đang chờ đợi vị Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo La Mã, sẽ được Hồng Y Ðoàn bầu chọn vào ngày mai (12/3) trong cuộc họp kín được gọi tên là “mật nghị” (conclave).

 

Kể từ năm 1975, Giáo hoàng John Paul II quy định chỉ có các hồng y dưới 80 tuổi được họp bầu. Theo tờ báo L'Observatore Romano của Vatican thì 117 trong số gần 200 hồng y đủ điều kiện này và có lẽ sẽ có 115 trong cuộc họp cơ mật viện vì một hồng y người Anh rút lui và một hồng y người Indonesia đau yếu không tới được.

Các hồng y từ khắp thế giới đến Vatican dự cuộc họp tiền mật nghị, đi qua hai vệ binh Thụy Sĩ của Tòa Thánh đứng gác cửa, hôm 4/3

Quá trình mật nghị

Các hồng y sẽ họp ở nhà nguyện Sistine trong Tòa Thánh Vatican và không ra khỏi nơi đây suốt thời gian bầu cử, có thể kéo dài nhiều ngày, cho đến khi bầu lên được một vị tân Giáo hoàng. Những biện pháp an ninh hết sức chặt chẽ được thực hiện để bảo đảm bí mật tuyệt đối, bao gồm kiểm soát máy nghe lén, hoàn toàn không có bất cứ một tiếp xúc nào với bên ngoài, kể cả bằng điện thoại, máy chụp hình, máy quay… Cũng có khoảng 70 người hiện diện ở Santa Maria, khu nhà các hồng y cư trú trong thời gian cấm phòng, gồm bác sĩ, đầu bếp và nhân viên giúp việc khác, nhưng không được vào phòng họp.

Bằng đức tin trong tín ngưỡng, các hồng y cầu nguyện để xin sự hướng dẫn thiêng liêng, rồi viết tên người muốn bầu trên lá phiếu đem lên bỏ vào một cái ly đặt trước ban thờ. Không có sự trao đổi ý kiến giữa các hồng y, không có ứng cử, đề cử hay vận động nào lúc đó. Trên nguyên tắc có thể bầu bất cứ một giáo dân nào trong hay ngoài Vatican, nhưng thực tế lịch sử từ nhiều thế kỷ, các Giáo hoàng được bầu đều là một người trong số các hồng y.

Ðể đắc cử Giáo hoàng phải được đa số 2/3 phiếu, nếu không sẽ bắt đầu ngay vòng bầu phiếu thứ nhì và cứ như thế tiếp tục cho đến khi vị nào hội đủ túc số ấy. Mỗi ngày chỉ có tối đa 4 lần bỏ phiếu và nếu sau 3 ngày liền vẫn chưa có kết quả, sẽ nghỉ một này để cầu nguyện.

Thể thức bầu Giáo hoàng đã có từ 9 thế kỷ, do Giáo hoàng Nicolas II đặt ra năm 1059 và qua thời gian đã có nhiều sửa đổi. Theo trang mạng Aleteia.org ở Ý của tổ chức Truyền giáo Quốc tế, Giáo hoàng Nicolas II không ấn định đa số đắc cử cho nên trong hơn 100 năm sau đó có nhiều tranh chấp rắc rối, và đến 1179 mới có quy định túc số 2/3. Nhưng điều này đưa đến khó khăn khác như trường hợp năm 1268, cuộc họp Viterbo kéo dài tới 33 tháng mà vẫn không bầu được Giáo hoàng. Ðể áp lực mau đi đến quyết định, thời đó người ta đã không cho các hồng y ra khỏi đại sảnh trong Tòa Thánh và gỡ đi một phần mái nhà tạo khó khăn sinh hoạt của các vị.

Giáo hoàng Gregory X được bầu lên sau đó ý thức được tình thế ấy đã quy định thể thức mật nghị bắt đầu từ năm 1275, theo đó các hồng y sẽ họp kín không bị ảnh hưởng nào khác bên ngoài. Ðồng thời nhằm gây áp lực cho các hồng y mau chóng đi đến kết luận không để giáo hội bị trống ngôi Giáo hoàng, có lúc người ta đã dùng tới cách cắt khẩu phần: Sau 3 ngày còn một bữa ăn và nếu lâu hơn nữa chỉ có bánh mì và nước lạnh được cung cấp! Cho đến đầu thế kỷ 19, mật nghị vẫn có lần kéo dài tới trên 7 tuần lễ nhưng sau này chỉ còn lâu lắm là trong mấy ngày.

Như vậy, mật nghị như ngày nay đã có từ 738 năm và mật nghị sắp tới là lần thứ 76 dù rằng sẽ bầu ra Giáo hoàng thứ 266. Thể thức bỏ phiếu kín viết trên giấy cũng mãi tới năm 1621 mới bắt đầu áp dụng với Giáo hoàng Gregory XV.

Giới truyền thông tụ tập bên cạnh lò đốt tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican, 9/3/2013

Họp tiền mật nghị

Tất cả các hồng y trên thế giới, dưới hay trên 80 tuổi, đều tập họp đầy đủ về Vatican hôm 4/3 và tham dự cuộc họp chuẩn bị mật nghị, kéo dài khoảng một tuần lễ. Trong “tiền mật nghị” này, các hồng y thảo luận về những thách thức tương lai của giáo hội, các buổi đối thoại hàng ngày sẽ giúp phác họa hình ảnh và đặc điểm cần có ở vị Giáo hoàng mới và đồng thời là cách để một số hồng y xác định cá nhân với mọi người, tuy không phải để “quảng cáo” về mình. Mặc dù các hồng y đã thường xuyên có những tiếp xúc và am hiểu lẫn nhau qua những kỳ họp tại Vatican hoặc trao đổi riêng bằng nhiều cách, tiền mật nghị là cơ hội quyết định để một số hồng y thật sự nổi lên thành người có khả năng được bầu vào vị trí lãnh đạo 1,2 tỷ giáo dân trên thế giới.

Những giới am hiểu sinh hoạt của Vatican nói rằng khác hẳn với các cuộc bầu cử chính trị, ở đây không có vận động tranh cử và không bị ảnh hưởng bởi báo chí truyền thông. Nhưng điều ấy không có nghĩa là giới truyền thông sẽ không tìm mọi cách để khai thác tin tức ở tiền mật nghị bởi vì dù là các hồng y họp riêng nhưng không tuyệt đối kín như mật nghị. Do đó chắc chắn sẽ có những bài phân tích, nhận định và dự đoán dù dự đoán có thể sẽ rất xa kết quả. Ðặc biệt là các công ty cá cược ở các nước phương Tây không vì tính cách tôn nghiêm của Giáo Hội Vatican mà tránh biến sự kiện này thành một phương tiện cờ bạc khi mà quần chúng đều rất ham muốn và náo nức chờ đợi kết quả.

Một nhà bình luận nói rằng: “Tôi không nghĩ rằng luôn luôn có sẵn một nhân vật thích hợp đúng lúc đúng chỗ. Vấn đề không ở chỗ ai sẽ thành Giáo hoàng mà ở chỗ Giáo hoàng tương lai sẽ như thế nào”.

Giáo hoàng danh dự Benedict XVI đã xác định sẽ không gây tác động gì đến mật nghị cũng như không có tiếp xúc với bất cứ hồng y nào về dự tiền mật nghị. Nhưng không kể tình trạng tất cả các hồng y sẽ dự mật nghị đều do hai Giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI bổ nhiệm, sự kiện Giáo hoàng thoái vị lần đầu tiên từ 600 năm có một ảnh hưởng tâm lý quan trọng.

Ðạo lý con người không cho phép nói đến những cái dở của một người vừa mới từ trần, nhưng với một người rút lui thì khác. Các hồng y có thể thoải mái hơn khi đề cập đến những cái hay và cái dở của triều đại Giáo hoàng vừa qua và như thế quyết định chọn lựa Giáo hoàng mới sẽ có thể dựa vào những chuẩn mực cụ thể hơn khi cân nhắc và đồng thời phức tạp hơn trong lý luận. Bên cạnh đó, không có một hồng y nào có cơ hội tình cờ nổi bật lên qua tang lễ của vị Giáo hoàng như trường hợp Hồng Y Joseph Ratzinger khi đọc bản điếu văn Giáo hoàng John Paul II. Kết quả là Giáo hoàng Benedict XVI đã được bầu chỉ cần qua 4 vòng bỏ phiếu. Trong mật nghị sắp tới, không hồng y nào thu được sự chú ý đặc biệt và người ta tin rằng cuộc bầu chọn sẽ kéo dài hơn lần trước vì thiếu một cá nhân sẵn có vị thế ưu việt.

Một yếu tố được nói đến nhiều hiện nay là sự biến chuyển trên thế giới về số giáo dân của Vatican, Nam Mỹ chiếm 27.87% tổng số giáo dân trên thế giới, châu Âu 26.37%, Bắc Mỹ và vùng biển Carribean 17.88%, Châu phi 12.57% và châu Á 11.51%. Nếu tính theo tỷ lệ dân chúng địa phương thì 80.66% Nam Mỹ là Công Giáo, Bắc Mỹ và Carribean 40.65%, trong khi châu Âu chỉ có 37.85%. Hệ luận của tình hình này là rất có thể Vatican, và các hồng y, muốn có một vị Giáo hoàng lần đầu tiên từ châu Mỹ.

Ðược coi là có triển vọng thành Giáo hoàng tương lai bao gồm những hồng y sau đây, theo dự đoán của các dư luận am hiểu và giới truyền thông, với điều kiện không nên quên rằng dự đoán từ bên ngoài như thế có thể rất xa kết quả cuối cùng.

Hồng Y Odilo Scherer, 63 tuổi, Tổng Giám mục Sao Paulo, giáo phận Công Giáo lớn nhất Brazil. Ông được coi là người bảo thủ ở trong nước nhưng được nước ngoài đánh giá là trung dung. Là ứng viên nhiều triển vọng nhất của khu vực Nam Mỹ, tuy vậy các giáo hội Tin Lành đang phát triển mạnh mẽ tại đây là điểm bất lợi với ông.

Hồng Y Joao Braz de Aviz, 65 tuổi, Brazil, mới được thụ phong năm 2011, đem đến sinh khí mới cho giáo hội, là người ủng hộ dân nghèo nhưng chưa phải là khuôn mặt nổi bật.

Hồng Y Leonardo Sandri, 69 tuổi, sinh tại Argentina trong gia đình di dân gốc Ý. Ông giữ chức vụ Ðổng lý Văn phòng, chức vụ cao thứ ba ở Vatican, từ năm 2000 đến 2007, bị coi là thiếu kinh nghiệm dẫn dắt con chiên và nhiệm vụ giám sát các giáo hội phương Ðông mà ông đang phụ trách không phải là một chức vị có quyền thế trong Tòa Thánh.

Hồng Y Peter Turkson, 64 tuổi, dân Ghana, là ứng viên hàng đầu châu Phi, thông thạo 6 ngoại ngữ, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Vatican, tiếng nói của Vatican về lương tâm xã hội. Sự chỉ trích Hồi Giáo trong một hội nghị tôn giáo ở Vatican, được thu vào băng video, có thể là một bất lợi cho ông.

Hồng Y Timothy Dolan, 63 tuổi, Tổng giám mục Giáo Phận New York, với cá tính vui vẻ và hòa đồng, nhưng bị coi là tác phong quá Mỹ không thích hợp với nhiều văn hóa dân tộc khác.

Hồng Y Marc Ouellet, 68 tuổi, Canada, Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, là người bảo thủ nhưng không cứng rắn và sinh quán Quebec cho ông sự nối kết giữa cựu và tân thế giới.

Hồng Y Louis Antonio Tagle, 55 tuổi, Philippines, mới được thụ phong tháng 11/2012, rất được sự yêu chuộng của giáo dân, ngôi sao đang lên ở Viễn Ðông và là người trẻ có thể thích hợp với chủ trương của Vatican.

Hồng Y Angelo Scola, 60 tuổi, Tổng Giám Mục Milan, được coi là “bộ óc siêu việt” của Ý với hai bằng tiến sĩ triết học và thần học, nổi danh với sự hòa hợp Công Giáo và Hồi Giáo.

Gian Franco Ravasi, 70 tuổi, dân Ý, Bộ trưởng Giáo dục của Vatican từ năm 2007 và là người đại diện giáo hội về lĩnh vực nghệ thuật, khoa học văn hóa, kể cả chủ thuyết vô thần. Nhưng ông thiếu kinh nghiệm về dẫn dắt con chiên và khó được coi có khả năng được sự ưng thuận của các hồng y.

Hồng Y Chistoph Schoenborn, 67 tuổi, người học trò của Giáo hoàng Benedict và có khả năng về dẫn dắt con chiên. Nhưng một số tư tưởng cải cách của ông gặp ngay chính sự chỉ trích của những linh mục Áo.

Các công ty cá cược châu Âu đưa ra những dự đoán khác, ở Ý, Hồng Y Angelo Scola được coi là ứng viên nhiều tiềm năng nhất, với tỷ lệ đặt cược 2-1. Hồng Y Peter Turkson của Ghana đứng hàng thứ nhì với tỷ lệ cược 5-2. Công ty cá cược Paddy Power ở Ireland cho rằng Hồng Y Peter Turkson đứng đầu bảng trong khi Hồng Y Timothy Dolan rất ít triển vọng, tỷ lệ cá cược là 33-1.

Như đã nói không có hồng y nào là nhân vật đặc biệt nổi trội nên kết quả tuyển chọn trong mật nghị có thể sẽ rất phức tạp và kéo dài. Bên ngoài không thể nào biết diễn tiến cuộc họp ra sao, nhưng theo một tục lệ đã thành truyền thống, người ta sẽ chờ xem khói bốc ra từ ống khói lò sưởi nhà nguyện Sistine. Sau mỗi vòng bỏ phiếu chưa có kết quả, các lá phiếu được đốt cùng với rơm ẩm hoặc một hóa chất để bên ngoài chỉ thấy khói đen bay lên. Cuối cùng khi một vị Giáo hoàng đã được bầu, các lá phiếu và tất cả giấy tờ được đốt và bên ngoài sẽ nhìn thấy khói trắng bốc lên. Ðể có khói trắng rõ ràng, người ta còn đốt thêm rơm khô và sau này có thể cả hóa chất.

Ðiều khoản gọi là “Universi Dominici Gregis” do Giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI sửa đổi quy định là nếu sau 34 lần bỏ phiếu vẫn chưa có túc số 2/3 thì các hồng y sẽ không tiếp tục ghi phiếu bầu kín nữa mà sẽ chọn một trong hai người có số phiếu cao nhất cho đến đó và hai vị này không được phép bỏ phiếu cho chính mình. Như vậy có thể chắc chắn sau 10 ngày là lâu nhất, phải thấy khói trắng bay ra từ ống khói nhà nguyện Sistine.

H.Phan (Tổng hợp)