Bài thơ "Nhớ Bắc" của Huỳnh Văn Nghệ

09:35 | 05/08/2013

|
Bạn đọc: Trên Kiến thức Ngày nay số 769, phát hành ngày 20-12-2011 có bài “Thương nhớ Thăng Long” của tác giả Nguyễn Tấn Thành. Trong bài tác giả có đăng bài thơ “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ, nội dung như sau:

Ai đi về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng mến thương.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm, hồ xưa linh quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta.

(Ga Sài Gòn 1940 Huỳnh Văn Nghệ)
 

Tuy nhiên, tôi được biết bài thơ “Nhớ Bắc” của Huỳnh Văn Nghệ lại có nội dung khác hẳn (những chữ in đậm khác với bản trên, có thêm khổ thứ tư):

Ai đi về Bắc, ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn nhớ vẫn thương mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng.

Sứ mệnh ngàn năm đâu dễ quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô chốn cũ xa muôn dặm
Muốn trở về quê mơ cảnh tiên.

Như vậy là bài thơ “Nhớ Bắc” do Nguyễn Tấn Thành trích với bài thơ “Nhớ Bắc” mà tôi nêu thì bản nào là bản đúng của Huỳnh Văn Nghệ? Xin học giả An Chi chỉ dùm.

Bảo Sơn

Học giả An Chi: Chúng tôi cho rằng, trong các dị bản về bài thơ đã trở nên bất hủ này của Huỳnh Văn Nghệ, không có bản nào đáng tin bằng bản được gia đình của tác giả công bố hoặc thừa nhận. Báo Người Lao Động ngày 30-9-2010 có bài “Nhớ Bắc – bài thơ gan ruột” do Văn Học thực hiện, ghi lại lời ông Huỳnh Văn Nam, trưởng nam của tác giả và cả nguyên văn của bài thơ.
Ông Nam cho biết: “Theo các tác giả Nguyễn Tý, Huy Thông, Trần Xuân Tuyết và nhiều tài liệu đã trích dẫn khác, “Nhớ Bắc” được sáng tác tại Chiến khu Đ (Thủ Dầu Một - Biên Hòa) năm 1946, lúc ba tôi làm chỉ huy chiến khu ở đấy. Nhưng qua câu chuyện kể của ba lúc sinh thời và bài viết của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đăng trên Báo Hà Nội Mới gần đây càng khẳng định xuất xứ của bài thơ tại sân ga Sài Gòn năm 1940 là đúng”.
Ông Nam giải thích :
“Nhân sự kiện quan trọng thông tuyến đường sắt Bắc - Nam, Sở Hỏa xa Sài Gòn được Nhà nước bảo hộ ưu tiên một số vé cho nhân viên đi tham quan Hà Nội bằng xe lửa. Do số lượng ghế ngồi hạn chế nên sở phải tổ chức bốc thăm, người nào bốc trúng vé mới được đi. Huỳnh Văn Nghệ (đang làm việc tại đây – AC) may mắn là người duy nhất của Văn phòng Sở Hỏa xa bốc trúng vé đi tham quan. Vậy là niềm háo hức bấy lâu của một người con phương Nam luôn đau đáu muốn được về thăm đất Bắc sắp thành hiện thực. Nhưng khi Huỳnh Văn Nghệ hăm hở chuẩn bị cho chuyến đi bao nhiêu thì người bạn cùng phòng càng buồn nhớ quê hương bấy nhiêu. Hiểu được tâm trạng và nỗi lòng mong mỏi muốn trở lại cố hương của bạn, hai ngày trước khi lên đường, ông Nghệ quyết định nhường lại suất vé về Bắc cho người bạn tâm giao.
Buổi chiều tà luyến lưu tiễn bạn, khi đoàn tàu dần khuất bóng cuối sân ga Sài Gòn, một cảm xúc man mác buồn cứ ngập tràn tâm trí người ở lại và hình ảnh về một chốn kinh kỳ đô hội, hình ảnh Tháp Rùa nghiêng bóng nước hồ Gươm, hình ảnh những chùm vải chín mọng lúc lỉu trên cành và những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm... qua những câu chuyện kể của người bạn cứ thế ùa về.

Và rồi, Huỳnh Văn Nghệ đã phóng bút viết nên những câu được nhiều người ví là “thần thi”:

Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!

Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng...

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền,
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta?

(Ga Sài Gòn, 1940)

Cứ như trên thì khổ đầu của bài thơ cũng không hoàn toàn giống với khổ thơ bạn đã nhớ: câu đầu chỉ có 6 tiếng; còn chữ thứ 2 câu thứ ba lại là độ và bài thơ có đến 5 khổ. Về câu đầu, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét:
“Câu thơ mở đầu chỉ sáu chữ, thốt lên như một lời kêu “Ai về Bắc ta đi với”. Tâm tư của nhà thơ đã thành tâm tư chung của muôn triệu người đất Việt phương Nam, hơn thế, của muôn triệu người đất Việt muôn nơi, mỗi khi nhớ về quê Việt tổ. Thăng Long đây không chỉ là Thăng Long kinh thành, đó còn là vùng châu thổ sông Hồng - cái nôi của người Việt, của dân tộc Việt”.

Phạm Xuân Nguyên cũng nhận xét:

“Có ba chữ hay bị đọc sai trong hai câu này: “độ” thành “thuở”, “trời Nam” thành “nghìn năm” và nhất là “cõi” thành “nước”. “Cõi” đây là cõi giang sơn, vùng lãnh thổ, công nghiệp mở mang bờ cõi đất nước của bao đời tiền nhân, những con người ra đi từ sông Hồng đến lập ấp bên dòng Cửu Long. Biên tập sửa lại câu chữ như thế có vẻ làm câu thơ nghe mênh mang hơn, nhưng không hợp với tên bài thơ và nỗi niềm tác giả gởi gắm trong đó khi sáng tác. Và đặc biệt không tôn trọng nguyên văn một tác phẩm”.

Riêng về hai chữ “nghìn năm” (thay cho trời Nam), bài báo trên cho biết rằng, theo ông Cù Huy Hà Vũ, thì đây là do Xuân Diệu chỉnh sửa (ông Hà Vũ là con nuôi của nhà thơ này). Về chuyện này, ông Huỳnh Văn Nam cũng cho biết vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, gia đình ông sinh sống tại nhà số 10 Lý Nam Đế (Hà Nội), gần trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Có một lần, một nhà văn của tạp chí này đến gặp ông Huỳnh Văn Nghệ xin được đăng bài thơ “Nhớ Bắc” trên Văn nghệ Quân đội theo văn bản mà Xuân Diệu đã chỉnh sửa và ông Nghệ đã đồng ý. Vì được lưu hành rộng rãi nên câu thơ dị bản càng ăn sâu vào tâm trí người đọc. Chúng tôi cho rằng, chỉ với một chút tinh ý, ta cũng có thể hiểu rằng sở dĩ Huỳnh Văn Nghệ đồng ý chẳng qua là vì một sự nể nang. Chứ riêng Huỳnh Văn Nghệ – vẫn theo lời ông Huỳnh Văn Nam – thì cho biết như sau:

“Hai từ Trời Nam dùng ở đây ý nghĩa rộng hơn. “Trời Nam” không phải là sự bó hẹp về không gian mà là một sự khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của người Nam đã được “thiên định” như ông cha ta từng khẳng định trong “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo” hay “Nam quốc sơn hà”. “Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” – đó là tâm hồn, tư tưởng của người Việt tự ngàn đời hướng về gốc gác giống nòi... Hồn thơ thức tỉnh những mơ hồ về Tổ quốc”.

Tóm lại, theo chúng tôi thì trả chữ lại cho Huỳnh Văn Nghệ như trong văn bản của Báo Người Lao Động là một việc làm hoàn toàn hợp lý.

A.C