Lòng dân trông đợi

07:00 | 29/12/2013

1,473 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xem ra, việc tịch thu tài sản bất minh do làm giàu bất hợp pháp là đường lối đúng. Tuy đã có “đường” vẫn cần lộ trình để có “lối” để thực hiện trong khi chờ sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng và luật tố tụng hình sự. Đây là việc mà lòng dân đang trông đợi!

Năng lượng Mới số 286

Ở ta thường có chuyện “đường” đúng nhưng “lối” sai khiến đường lối chỉ là văn kiện lưu trữ vì bất khả thi. Chẳng hạn, nhằm chống tham nhũng, có đề xuất rất hăng hái rằng, cứ giàu bất thường mà không giải trình được là có thể bị tịch thu tài sản. Đối với tài sản tăng thêm, nếu không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc, người chủ có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ.

Được biết, tại Hội thảo hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo tinh thần Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng do Bộ Tư pháp phối hợp cùng UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc) đề xuất này đã gây tranh cãi.

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù hành vi làm giàu bất hợp pháp có tính nguy hiểm cho xã hội rất cao, cần phải hình sự hóa để xử lý bằng các chế tài hình sự, nhưng pháp luật Việt Nam chưa quy định hành vi làm giàu bất chính là tội phạm. Cần quy định tội danh làm giàu bất chính trong Bộ luật Hình sự.

Các chuyên gia gợi ý bước đầu có thể theo hướng quy định, bất kỳ người nào có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nếu có tài sản tăng thêm đáng kể so với thu nhập hợp pháp của họ, có nghĩa vụ giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm đó. Nếu họ không thể giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp của tài sản tăng thêm thì một phần hoặc toàn bộ tài sản tăng thêm đó sẽ bị coi là tài sản bất hợp pháp và bị tịch thu toàn bộ hoặc một phần. Ngoài ra, họ còn bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ. Xem ra nội dung này có cơ sở.

Nếu xử lý tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự cũng phải sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng, bổ sung thêm quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không giải trình được về nguồn gốc tài sản tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người kê khai. Nếu kết luận người đó không trung thực, cơ quan này chuyển vụ việc sang Viện Kiểm sát cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của Tòa án.

Các chuyên gia cho rằng, phương án khả thi nhất là chúng ta chỉ xử lý tài sản đã chứng minh được là bất hợp pháp, Nhà nước có quyền khởi kiện dân sự để đòi lại. Tuy nhiên, để kết tội, cơ quan công tố phải chứng minh phần tài sản tăng thêm không xuất phát từ thu nhập hợp pháp của bị can, bị cáo.

Xem ra, việc tịch thu tài sản bất minh do làm giàu bất hợp pháp là đường lối đúng. Tuy đã có “đường” vẫn cần lộ trình để có “lối” để thực hiện trong khi chờ sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng và luật tố tụng hình sự. Đây là việc mà lòng dân đang trông đợi!

Thọ Vinh