Một căn cứ để đánh giá và xử lý cán bộ

10:45 | 08/02/2023

1,692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cố nhiên, dù có bao nhiêu quy chế, quy định cũng không thể đầy đủ nếu cán bộ không tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân.
Một căn cứ để đánh giá và xử lý cán bộ
Ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, nghe đọc lệnh bắt tạm giam hôm 11/1. (nguồn: internet)

Ngay trong những ngày đầu năm 2023, ngày 12-1 vừa qua, tại phiên họp 23, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (gọi tắt là Ban chỉ đạo T.Ư) đã thống nhất bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Vượt qua cái ngưỡng “tham nhũng vặt” vụ việc được xác định là tham nhũng có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn.

Mục đích đăng kiểm là nhằm kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện vận tải. Thế nhưng ở khá nhiều trung tâm, các nhân viên chỉ “đăng” mà không “kiểm”, gây hậu quả rất nặng nề mà nhiều người cho rằng, nó là “biến thể virus Việt Á”. Vụ việc nêu trên chỉ là một trong nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng bị phát hiện và xử lý. Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo T.Ư, trong năm 2022, có gần 540 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước). Đánh giá một cách toàn diện, qua 10 năm, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng bài bản, lớp lang hơn, số lượng vụ án đưa ra xử lý ngày càng nhiều ở hầu hết các lĩnh vực và ở các địa phương. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” đã bước đầu được khắc phục.

Việc xử lý được thực hiện nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với lương tâm, tình cảm, chứ không phải cứ xử nặng mới là tốt, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta coi trọng cả hai nhiệm vụ xâychống, phòngchống. Một trong những giải pháp quan trọng để xây là, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Cụ thể, ngày 2-2 vừa qua, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký Quy định 96 (thay thế Quy định số 262, ngày 8-10-2014 của Bộ Chính trị) về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp uỷ và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Đây được xem là một kênh giám sát, là cách “chấm điểm” đức, tài cán bộ. Theo quy định mới này, phiếu tín nhiệm ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, theo ba mức: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Cái mới của Quy định 96 là, nếu như Quy định trước đây, kết quả phiếu tín nhiệm chỉ là “kênh thông tin tham khảo”, thì nay sẽ trở thành căn cứ để “đánh giá và xử lý cán bộ”. Nếu cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp quá 50% thì sẽ phải từ chức. Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.

Một điểm mới nữa là, Quy định lần này nêu rõ, bản thân cán bộ phải nêu gương, vợ, chồng, con cũng phải gương mẫu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, căn cứ để xem xét, lấy phiếu tín nhiệm sẽ rộng hơn. Những ai đó có vợ/chồng, con vi phạm pháp luật, lợi dụng vị trí công tác của người thân để trục lợi, tạo dựng sân sau, sẽ không thể vô can.

Sau khi Trung ương ban hành quy định mới, dư luận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một bước luật hóa các chủ trương của Đảng. Đồng thời, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với những người có chức, có quyền không bị vòng xoáy quyền lực cuốn vào tham nhũng, tiêu cực.

Giống như các Quy định trước đây của Đảng ta về ngăn ngừa sự suy thoái quyền lực trong công tác tổ chức, cán bộ; về sự nêu gương; về những điều đảng viên không được làm, Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ là một giải pháp mới trong đánh giá, sử dụng cán bộ, phù hợp tình hình thực tiễn. Nó như một tấm gương để cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tạo môi trường tốt trong công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình. Đúng như một cán bộ vi phạm pháp luật khi bị xử lý hình sự đã ân hận nói rằng: Nếu trước đó các đồng chí nghiêm khắc với tôi, yêu cầu tôi kiểm điểm, đứng trước hội đồng kỷ luật thì giờ đây tôi đã không phải đứng trước hội đồng xét xử. Điều này, chúng ta đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu đối với công tác kiểm điểm, phê bình, phải thẳng thắn, công tâm và “có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Cố nhiên, dù có bao nhiêu quy chế, quy định cũng không thể đầy đủ nếu cán bộ không tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Họ quá tham vọng những bông hoa cài trước ngực mà quên đi gánh nặng trách nhiệm trên vai. Người xưa dạy rằng, tham muốn quá nhiều tất sẽ gặp họa. Niềm tin của quần chúng vào “lò lửa” đấu tranh phòng chống tham nhũng rừng rực cháy chính là niềm tin vào sự ngay thẳng và chính trực của đội ngũ tiên phong luôn khiêm tốn, cầu thị, thu nhỏ cái tôi danh vọng và quyền lực, lấy làm tròn việc lớn, việc chung làm hạnh phúc của mình.

Hải Đường

Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệtCông tác phát hiện và xử lý tham nhũng ngày càng quyết liệt
Phòng chống tham nhũng: “Phòng” là chính, “chống” phải đảm bảo nghiêm minhPhòng chống tham nhũng: “Phòng” là chính, “chống” phải đảm bảo nghiêm minh
“Biến thể virus Việt Á” trong lĩnh vực kiểm định“Biến thể virus Việt Á” trong lĩnh vực kiểm định
Phấn đấu vào Đảng không phải để “thăng quan, phát tài”Phấn đấu vào Đảng không phải để “thăng quan, phát tài”
Bịt lỗ hổng 'chết người'Bịt lỗ hổng 'chết người'