Khó vì “lụy chữ tình”

06:00 | 20/09/2013

825 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyện xử lý các đối tượng tham nhũng cứ phải “ngó trước trông sau” xem đối tượng này có quan hệ, có thân thế ra sao rồi mới dám quyết đang là chuyện “rất thường ngày”.

Chống tham nhũng ở ta khó khăn là thế, mặc dù các quy định của pháp luật là rất đầy đủ. Chẳng thế mà trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ gửi Ủy ban Tư pháp Quốc hội gần đây đã chỉ ra rằng: Hầu hết các vụ án tham nhũng kéo dài, không xử lý dứt điểm được đều có liên quan đến những người có chức, có quyền.

Ngẫm chuyện ra mới thấy muốn nhanh, muốn dứt điểm thật chẳng hề dễ dàng chút nào. Chẳng phải người ta vẫn bảo tham nhũng là “tội của quan” hay sao, bởi chỉ có họ, những người có chức, có quyền thì mới thực hiện được hành vi tham nhũng, chứ một anh nông dân thì tham nhũng được gì! Chống tham nhũng ở ta vì thế là chống lại sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Nhưng vì họ vốn làm việc trong bộ máy công quyền, lại giữ chức vụ, có quyền, có những quan hệ nhất định với cơ quan này, sở ngành kia, thậm chí quan hệ rộng tới lãnh đạo cao cấp nên khi mắc tội sẽ được xem xét chỗ này, chiếu cố chỗ kia. Pháp luật của ta khi đưa phán quyết với người phạm tội cũng rất rõ ràng, tình ở đâu, lý ở đâu nhưng ngặt một nỗi, cái tình trong chống tham nhũng ở ta nó nặng nề quá, lớn quá, thậm chí nhiều khi làm lu mờ cả sự nghiêm minh của pháp luật.

Cuối tháng 7 vừa rồi, trước phán quyết khó hiểu của TAND tỉnh Vĩnh Phúc về hành vi tham ô tài sản ở Thành ủy thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), TAND Tối cao đã phải ra kháng nghị đề nghị hủy bản án với những căn cứ pháp lý khó hiểu trong quá trình xử lý vụ án của TAND tỉnh Vĩnh Phúc. Chuyện là thế này, trong thời gian từ tháng 9-2006 đến tháng 8-2010, Nguyễn Ngọc Quyền (nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên); Lại Hữu Lân (nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Vĩnh Yên) và một số cán bộ đã lợi dụng chức vụ cũng như sự hiểu biết của mình về các quy định Nhà nước về quản lý đất đai tại địa phương đã tiến hành chuyển đổi chủ đầu tư, báo cáo sai sự thật để lập dự án khu đô thị trên đất nông nghiệp để kiếm lời.

Hành vi cố ý làm trái của những người nói trên gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng, trong đó khoản tiền tham ô là hơn 7,4 tỉ đồng. Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khi đưa quan điểm về vụ án cho rằng: Hành vi của các bị cáo là bất chấp các quy định của pháp luật, coi thường kỷ cương, phép nước, coi thường dư luận xã hội, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế cho Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, khi vụ án được đem ra xét xử, mức án phạt cho các bị cáo lại không phản ánh đúng tính chất, mức độ nghiêm trọng của những hành vi sai phạm mà các bị cáo gây ra ví như việc tuyên mức phạt 5 năm với Lại Hữu Lân và Nguyễn Ngọc Quyền chẳng hạn. Theo TAND Tối cao, sự bất bình thường ở đây là với những hành vi sai phạm trên, các bị cáo phải bị truy tố, xét xử theo khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 10-15 năm tù.

Vậy nên, việc TAND tỉnh Vĩnh Phúc tuyên các bị cáo Lân, Quyền mỗi người 5 năm chỉ bằng một nửa mức khởi điểm theo khoản 3, Điều 281 là không đúng tính chất, mức độ phạm tội và vai trò của các bị cáo. Và TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã sai lầm về đường lối xử lý, áp dụng không đúng pháp luật và không đúng hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc quyết định hình phạt.

Câu hỏi đặt ra là tại sao TAND tỉnh Vĩnh Phúc lại đưa ra những quyết định khó hiểu như vậy? Và liệu rằng có phải vì những bị cáo này vốn là người có chức, có quyền nên đã được ưu ái đặt cái tình lên trên cái lý hay không? Câu trả lời có lẽ chỉ có những người trong cuộc, những người có thẩm quyền đưa ra phán quyết trên mới có thể trả lời.

Chống tham nhũng ở ta khó vì thế, vì ở đâu đó, không ít quy định của pháp luật về các hành vi tham nhũng đã không được tuân thủ một cách nghiêm minh, thậm chí bị xem nhẹ, bị làm giảm bớt sao cho có lợi nhất cho người phạm tội. Cuộc chiến chống tham nhũng - một “mặt trận” lớn mà Đảng, Chính phủ đặt mục tiêu đánh thắng - vì thế đang gặp khó.

Tại sao? Tại vì ở một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu chưa quyết liệt chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Và rằng việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ… Vậy nên, trong nhiều trường hợp, tham nhũng vẫn đang được bao che, được che giấu. Chữ tình ở đây là vậy, có khi vì nó mà những người có chức, có quyền sẵn sàng nhắm mắt cho qua.

Thanh Ngọc