Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1/1/1914 - 1/1/2014)

Cải tiến tác phong công tác của chúng ta (tiếp)

07:00 | 28/12/2013

1,613 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Chúng ta cần xây dựng một tác phong làm việc ngăn nắp, trật tự, khẩn trương, hoạt bát hơn nữa, làm thật lực, chơi ra chơi, hễ làm là làm cho được, cho kỳ được, tức là một tác phong công tác cách mạng, làm đến nơi đến chốn".

>> Cải tiến tác phong công tác của chúng ta

Năng lượng Mới số 286

(Tiếp theo và hết)

Nhưng bây giờ giải quyết như thế nào? Chặt bàn, chặt ghế đi à? Thế thì hội nghị ngồi vào đâu, chúng ta còn nhiều hội nghị cơ mà! Các đồng chí! Tôi nhận thấy cái này phải có một cuộc cách mạng ghê lắm. Ai cũng thấy rằng mỗi bận đi xuống dưới, mọi người cán bộ trên cũng như dưới đều thấy sáng thêm ra, thêm ý kiến mới, thêm sức mạnh mới, làm việc bớt lù mù đi, mọi người đều công nhận như thế. Nhưng ngồi bàn giấy, cũng không phải là không có chân lý của nó; người ta ngồi bàn giấy cũng vất vả, tối tăm mặt mũi suốt cả đêm ngày thế thì còn chê trách vào đâu được? Về điểm này, tôi thấy chúng ta nói lý với nhau đã nhiều, cán bộ ta ai mà không hiểu sự cần thiết phải đi xuống dưới, tiếp xúc với quần chúng; bây giờ chỉ là vấn đề có tinh thần cách mạng dám làm, dám bỏ bàn giấy ra đi hay không? Một mối nguy cơ nghiêm trọng hiện nay đang đe dọa chúng ta là cán bộ đi lên thì nhiều, đi xuống thì rất ít; thậm chí cán bộ đại đội cũng có người “đứt chân”, không đi sát với trung đội, tiểu đội.

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự Hội nghị Quân chính toàn quân lần thứ nhất năm 1960

Người cách mạng phải là những tay dám sục sạo, xông xáo vào nơi thực tế, đòi hỏi tiếp xúc với quần chúng hằng ngày. Dám “bỏ bàn” mà đi, nhiều khi cần thiết đi hàng tháng để nghiên cứu nữa, đem bàn giấy xuống đại đội, giải quyết công việc tại chỗ. Người cán bộ cao chừng nào, càng đi sục sạo đây đó nhiều chừng ấy và như thế càng làm cho quan hệ trên dưới rất tốt. Anh không nên sợ vắng mình thì công việc ở cơ quan sẽ đổ bễ, trái lại chính vì anh sợ đổ bễ theo lối đó thì công việc lại càng đổ bễ. Anh dám đi xuống, có khi đi xuống lúc đầu tác dụng phần nào, sau càng ngày con mắt sẽ càng tinh hơn, tai sẽ càng thính hơn, tác dụng sẽ nhiều hơn, cái đó cũng phải dần dần thôi. Tục ngữ ta có câu: “Đi một quãng đàng, học một sàng khôn”. Đi càng nhiều thì sẽ càng có nhiều cái mới trong chủ trương, kế hoạch. Vì chúng ta ít đi, nên những sáng tạo mới trong phong trào quần chúng, chúng ta không biết, những nhân tài mới nảy nở ra, chúng ta cũng không hay, những sai lầm vướng mắc, chúng ta cũng không phát hiện được kịp thời, sự lãnh đạo của chúng ta trở nên lạc hậu với thực tế, lạc lõng chạy theo sau phong trào quần chúng, hóa thành ra sự lãnh đạo bảo thủ hữu khuynh. Đó là một điều rất đáng sợ đối với một người lãnh đạo.

Nhưng, hiện nay chúng ta quả là còn nhiều cán bộ lười đi, thậm chí có anh hun khói cũng không chịu ra khỏi bàn giấy, hình như có ma quỷ cột chân lại. Có những người còn làm việc theo lối công chức thời xưa, “sáng vác ô đi, tối vác về”. Buổi sáng đến cơ quan, ngồi vắt chân, hút thuốc, xem báo cái đã, xong đâu đấy giở “ca táp” ra xem, rồi hý hoáy viết ra một lô nào là những “tăng cường” với “đẩy mạnh”, không thì lại là “quán triệt thêm một bước với những “trên cơ sở…”, “trên cơ sở…”. Trên cơ sở cái gì? Trên cơ sở cái ghế 4 chân của anh ấy à? Thật là quái quá! Có anh biết rằng, trong một ngày công việc giải quyết giấy tờ của mình chỉ mất độ nửa ngày thôi, thế thì tại sao anh không bỏ nửa ngày để đi? Anh sợ đi xuống dưới người ta sẽ ăn thịt anh à? Không sợ, người ta chỉ mong anh xuống để tay bắt mặt mừng thôi. Các đại đội của chúng ta có một tinh thần mến khách rất cao.

Hiện nay, các cơ quan của chúng ta còn có hiện tượng tấp nập người, đó là một hiện tượng không tốt. Nếu chợ cần đông người, thì cơ quan cần vắng người. Sao cho cơ quan các cấp vắng vẻ, tức là cán bộ nên có mặt ở đại đội nhiều, đó mới là điều tốt. Tất nhiên, cơ quan cũng có lúc cần phải tập trung cán bộ để tổng kết công tác, xây dựng nghiệp vụ, nhưng thời giờ đó chỉ nên ít so với thời giờ đi xuống dưới, nhất là trong những lúc đang mùa huấn luyện hoặc có những cuộc vận động lớn ở bên dưới.

Như thế, chúng ta quyết tâm ra đi không phải là “ra đi không hẹn ngày về”, mà ra đi để mang về nhiều cái mới cho cơ quan, cho lãnh đạo và cho chính mình. Chúng ta hết sức khuyến khích bên dưới đi và trong năm nay, anh em có đi quá một tí cũng không sao. Làm được như thế thì trong một thời gian nhất định, các mặt công tác của chúng ta sẽ có nhiều cái mới, không còn sợ cũ kỹ nữa.

III. Nêu cao tác phong nghiêm túc, chính xác, khẩn trương, chống tác phong lề mề, vô trách nhiệm

Cuối cùng, tôi muốn nói qua về tác phong nghiêm túc, chính xác, khẩn trương, vì tác phong này đặc biệt cần thiết, không thể thiếu được trong đời sống quân sự của chúng ta.

Vừa qua, trong đợt đại hội chi bộ, chúng ta liên hệ mới thấy việc nắm tình hình, chế độ báo cáo, tuy bây giờ có phương tiện nhiều hơn trước nhưng lại có chỗ thua hồi kháng chiến. Các đồng chí cứ so với hồi chỉnh quân, chỉnh huấn 1953-1954 thì sẽ thấy. Còn chính xác đây, không có nghĩa là đòi hỏi cái gì cũng phải biết cặn kẽ cả. Những cái còn mơ hồ thì nói là còn mơ hồ, chưa biết rõ. Cái gì biết thì nói rõ ràng, không biết thì bảo là không biết, đó là tác phong chính xác.

Còn tác phong khẩn trương, cái này nói chung bộ đội mình bây giờ động tác của nhiều anh em còn lử khử lừ khừ lắm, thiếu mạnh bạo, dứt khoát. Tác phong khẩn trương không phải là khẩn trương quá mà ốm, nhưng anh đừng có lề mề như anh công chức thời xưa. Khẩn trương cũng không cần phải tối thứ Bảy bắt người ta họp, nghe anh nói con cà con kê. Chơi ra chơi, làm thì làm thật lực, làm việc gì thì phải làm cho kỳ được, có thời hạn dứt khoát xong xuôi, không kéo lê ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, đó là khẩn trương.

Ví dụ, có lần tôi đến Cục Cán bộ, hỏi một việc đã giao từ lâu. Các đồng chí ấy trả lời: “Chúng tôi đang nghiên cứu”. Thế thì mình phải xách mũ ra về, không dám nói gì nữa, vì người ta còn đang nghiên cứu, còn biết làm thế nào! Anh em thường chế giễu những ông lề mề: “nghiên cứu” thành ra “ngâm cứu”, cái đó cũng có phần đúng. Cố nhiên, có việc hệ trọng phải đắn đo suy nghĩ, cân nhắc mọi mặt, đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu là đúng, không nên hấp tấp cẩu thả. Nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng, trong tác phong của chúng ta có những việc đáng giải quyết cũng không giải quyết cho rồi, cũng lề mề, cứ “ngâm cứu”, “ngâm cứu” mãi. Ta phải làm việc có nguyên tắc, có kế hoạch, việc nào vào lúc ấy, không nên luộm thuộm là đúng, nhưng cơ quan và các thủ trưởng phải có tinh thần sốt sắng với những đề nghị của dưới, gặp việc cấp dưới cần giải quyết thì một mặt phải thận trọng suy xét cho đúng, nhưng một mặt phải có tinh thần nôn nao lo giải quyết cho xong. Chúng ta phải làm sao cho việc có thể giải quyết hôm nay thì đừng có để đến ngày mai.

Lại nói về khẩn trương thì nên như thế nào? Phải chú ý có làm có nghỉ, làm ra làm, chơi ra chơi, đừng có giờ nghỉ bắt người ta làm linh tinh, đến giờ làm thì lại làm uể oải, kỷ luật lao động không tôn trọng, năng suất không được bao nhiêu. Phải đòi hỏi năng suất cao, nhưng chú ý bảo vệ sức khỏe cán bộ và chiến sĩ, phải chú ý từ cái nhỏ. Ví dụ: Sáng Chủ nhật anh em được ngủ thêm một giờ, công tác chính trị trong cơ quan ở chỗ này là đừng làm cho loa phóng thanh 5 giờ sáng để kêu toáng lên.

Còn về điểm nghiêm túc chấp hành chỉ thị, nghị quyết thì hiện nay còn có tình trạng bỏ ngăn kéo, đang đem ra nghiên cứu kỹ để thi hành thì lại bỏ xó không biết đến, hỏi còn chấp hành nghiêm túc thế nào được? Do đó có nhiều cái cứ hỏi đi hỏi lại, nhưng chỉ thị đã có nói rõ rồi.

Tóm lại, chúng ta cần xây dựng một tác phong làm việc ngăn nắp, trật tự, khẩn trương, hoạt bát hơn nữa, làm thật lực, chơi ra chơi, hễ làm là làm cho được, cho kỳ được, tức là một tác phong công tác cách mạng, làm đến nơi đến chốn.

Các đồng chí,

Hôm nay tôi nói thế đã dài, có thể các đồng chí đã sốt ruột. Song, các đồng chí đều biết rằng đây là một vấn đề lớn, lâu rồi chúng ta mới nói chuyện với nhau thẳng thắn và kỹ càng như thế này. Và rồi đây, chúng ta sẽ còn phải nói đi nói lại nhiều lần, gây thành dư luận quần chúng ủng hộ cái đúng, phản đối cái sai, chúng ta mới có thể tạo ra sự chuyển biến mới trong lối làm việc của chúng ta. Các đồng chí! Chúng ta cần phải có mẫn cảm với cái mới, vứt đi những cái lạc hậu cổ lỗ, lỗi thời, có như thế sự lãnh đạo của chúng ta mới có sức sống. Tôi mong rằng sau hội nghị này, các đảng ủy sẽ chú trọng lãnh đạo, các thủ trưởng sẽ tự mình làm gương mẫu, giành một sự tiến bộ lớn trong tác phong công tác của chúng ta. Để kết luận, tôi xin “khấn” rằng: “Lạy trời phù hộ cho quân ta năm nay sẽ thu được một món bổng lộc lớn: Đó là món cải tiến tác phong công tác của chúng ta!”.

(Báo Quân đội Nhân dân, số 739, ngày 25 tháng 5 năm 1960,
NXB Sự thật, xuất bản lần thứ nhất, năm 1960)