Chiến thắng của sự sáng tạo và sức mạnh Việt Nam

07:00 | 27/04/2014

1,661 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại sao Pháp chọn Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành "con nhím" khổng lồ? Từ đâu mà chỉ sau 16 ngày kể từ khi Na-va cho quân nhảy dù, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược? Câu chuyện xung quanh việc thay đổi cách đánh và vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, việc huy động nhân tài vật lực, đóng góp của bạn bè quốc tế cho thắng lợi "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"... Những điều đó sẽ phần nào được lý giải qua cuộc đối thoại với Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2014).

"Canh bạc" Điện Biên Phủ

PV: Thưa đồng chí Viện trưởng! Trong kế hoạch Na-va, lúc đầu chưa hề nhắc tới Điện Biên Phủ. Vậy tại sao, Pháp lại chọn Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm-"con nhím" khổng lồ, một pháo đài được họ mô tả là "không thể công phá”? Liệu điều này có đi ngược với chính chủ đích của Na-va là duy trì thế phòng ngự chiến lược trên miền Bắc trong mùa khô 1953-1954?

Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình và nhận chỉ thị của Bác Hồ. Ảnh tư liệu.

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Sau thất bại của nhiều tướng Pháp, Na-va được cử sang làm Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương. Chỉ sau hơn một tháng điều tra, nghiên cứu tình hình và làm việc với thuộc cấp, Na-va đã hoàn thành bản kế hoạch mang tên mình. Đây là kế hoạch của Pháp nhưng lại được Oa-sinh-tơn thông qua. Tại sao lại như vậy? Trong tài khóa 1953-1954, chi phí cho “chiến phí” của Pháp tại Việt Nam có tới 80% là của Mỹ. Theo “luật bất thành văn” của phương Tây, ai là người chi tiền thì kẻ đó sẽ điều hành chiến tranh. Vì vậy, Mỹ đứng sau điều hành dựa trên tướng lĩnh, quân sĩ của Pháp và bè lũ tay sai. Xương sống của kế hoạch Na-va chính là tập trung binh lực ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ để tiêu diệt lực lượng chủ lực của Việt Minh. Với lợi thế về máy bay, xe tăng, hỏa lực… ý đồ của Pháp là tiêu diệt quân chủ lực của Việt Minh đi tới kết thúc chiến tranh trong tư thế của người chiến thắng. Quyết định đánh chiếm và xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh, Na-va hy vọng có thể ngăn chặn được một cuộc tiến công của chủ lực ta ở Tây Bắc và Thượng Lào; thu hút một số đại đoàn Việt Minh, giảm nhẹ áp lực với đồng bằng, trì hoãn một cuộc tổng giao chiến trong mùa khô 1953-1954 trên chiến trường chính Bắc Bộ. Có thể nói, Pháp đã quyết định đầu tư lớn với nhiều tham vọng cho "canh bạc" Điện Biên Phủ...

PV: Đó là ý đồ của Pháp, còn chủ trương của chúng ta lúc này thì sao?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Để đối phó lại âm mưu của Pháp, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc họp hết sức quan trọng. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tổng tham mưu và Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ nhận định: Địch muốn tập trung binh lực thì ta tìm cách buộc chúng phải phân tán lực lượng. Nếu ta làm được việc này, về cơ bản ta đã thắng kế hoạch Na-va. Vì vậy, Bộ Chính trị quyết định trong Đông Xuân 1953-1954, chủ động mở các hướng tiến công chiến lược vào những địa bàn xung yếu của địch, buộc chúng phải tung lực lượng dự bị để giữ các hướng trọng yếu đó. Sau nhiều chiến dịch của ta, quân Pháp đã rút khỏi căn cứ Nà Sản. Ta nhận định, khu vực Tây Bắc, địch tương đối yếu và cử một lực lượng chủ lực tiến lên Tây Bắc. Khi quân chủ lực của ta có mặt ở đây, Pháp mới giật mình và nhanh chóng cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ. Rõ ràng, địch đã bị phân tán theo đúng ý đồ của ta.

Bộ đội ta cắm cờ trên nóc hầm tướng Đờ Cát. Ảnh tư liệu.

PV: Việc điều một số đơn vị chủ lực lên hướng Tây Bắc là chủ ý của ta, hay là đòn nghi binh để thăm dò động thái của Pháp?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Đây chính là chủ ý của ta. Ta cố tình điều lực lượng lên Tây Bắc để sẵn sàng chiếm giữ Tây Bắc nếu điều kiện có lợi. Khi Pháp phát hiện ra ta tiến quân lên Tây Bắc thì Na-va thấy rằng, không thể để mất Tây Bắc, chính vì thế mới tăng quân lên Điện Biên Phủ và xây dựng Điện Biên Phủ trở thành tập đoàn cứ điểm giống như căn cứ Nà Sản nhưng với quy mô lớn gấp nhiều lần. Pháp cho rằng: Tập đoàn cứ điểm Nà Sản nhỏ hơn nhiều nhưng cũng đã vô hiệu hóa 2 đại đoàn Việt Minh thì làm sao đối phương đánh được Điện Biên Phủ. Họ tính toán rằng, chúng ta không thể duy trì ở thượng du quá 2 đại đoàn và 2 vạn dân công. Đấy là chủ quan khinh địch của Pháp. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng mạnh đến nỗi, các tướng Pháp, trong đó có Đờ Cát đã từng thách Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh Điện Biên.

Sự nhạy cảm đặc biệt của Bộ thống soái

PV: Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy một điều thú vị và đặc sắc: Chỉ sau 16 ngày, nếu tính từ ngày 20/11/1953, ngày Pháp bắt đầu nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, trong điều kiện thông tin, trinh sát của ta rất hạn chế nhưng Bác Hồ và Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược. Một sự sáng suốt và nhạy cảm, đặc biệt trong đánh giá tình hình của Bộ thống soái tối cao?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Đây chính là điểm đầu tiên, đặc sắc, nhạy bén của ta. Ở tầm chiến lược thì chủ trương ban đầu so với diễn biến thực tế thường có những độ chênh nhất định. Nhưng ở đây có một điều kỳ diệu, đó là Đảng và Bác Hồ nắm chắc được xương sống của kế hoạch Na-va, vì vậy mới có chủ trương căng địch ra các hướng, buộc chúng phải phân tán lực lượng. Và khi phân tán lực lượng, đối phương đã phần nào rơi vào thế bị động chiến lược. Khi địch chủ động xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm với ý đồ nghiền nát chủ lực Việt Minh thì ta lại chọn ngay “yết hầu” của địch là nơi quyết chiến chiến lược. Đó là sự linh hoạt tuyệt vời.

PV: Nhìn một cách khách quan thì ngay khi kế hoạch Na-va ra đời, Pháp đã bắt đầu bộc lộ những sai lầm?

Thiếu thướng Vũ Quang Đạo: Có một sai lầm ở phía Pháp đã tạo đà cho ta. Đó là Pháp không đánh giá đúng con người Việt Nam, không đánh giá đúng bản chất chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong con mắt của những người Pháp đi xâm lược, họ chỉ nhìn vào quân chủ lực. Ta đánh giặc đâu chỉ có chủ lực. Ta đánh bằng nhiều thứ quân. Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ không phải tướng Pháp bất tài, họ rất giỏi về quân sự, nổi tiếng trong nhiều trận đánh… Nhưng cái tài của họ nằm dưới tầm nhìn chính trị hạn hẹp nên đã tạo ra một kết cục bi thảm.

Thiếu tướng, PGS, TS Vũ Quang Đạo. Ảnh: Văn Trịnh.

PV: Như đã biết, cách đánh lúc đầu được xác định là “đánh nhanh, thắng nhanh” và ta đã chuẩn bị mọi mặt theo hướng này. Sau này khi đánh giá, mọi người đều thừa nhận nếu sử dụng cách đánh này, ta chắc chắn thất bại. Mấu chốt nào dẫn đến quyết định thay đổi cách đánh, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Điều đó xuất phát từ thực tiễn. Lúc đầu, khi Pháp chưa tăng cường lực lượng lớn đến mức như sau này, hệ thống công sự, hầm hào, boong-ke, sức đề kháng… của địch còn nhiều hạn chế nên ta đưa ra phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” là phù hợp. Vấn đề là phương châm có thực thi hay không? Tại sao lại chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” chính là quá trình khảo sát chiến trường. Khi Tư lệnh chiến dịch lên đến nơi, căn cứ vào các thông tin tình báo, trực tiếp các tướng lĩnh đi thực địa, thấy rằng, cứ điểm không còn là “con nhím” bình thường mà đã trở thành một "con nhím" khổng lồ. Sức đề kháng và khả năng liên kết rất lớn; hỏa lực, binh lực và khả năng tiếp vận của chúng đã rất hoàn hảo. Nếu như vẫn giữ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” chắc chắn ta khó giành thắng lợi.

PV: Cứ thử tưởng tượng, nếu chúng ta vẫn giữ nguyên cách đánh thì cục diện sẽ như thế nào? Có nhà quân sự cho rằng, cuộc kháng chiến chống Pháp của ta phải kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Đại tướng Lê Trọng Tấn có lần nói, nếu vẫn “đánh nhanh, thắng nhanh” thì nhiều người trong chúng tôi sẽ không có mặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ…?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Đúng như vậy.

PV: Vai trò của tập thể chúng ta đã thấy rõ. Chúng tôi muốn đề cập đến vai trò của cá nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhất là trong quyết định thay đổi cách đánh. Nếu không nhầm, khi ấy, ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra, chỉ có ông Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ là nói đến các khó khăn và đề nghị xem lại cách đánh...

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Vai trò của Đại tướng gắn liền với vai trò của Đảng, Bác Hồ và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch. Đại tướng đã quán triệt sâu sắc lời dặn của Bác Hồ: “Tướng quân tại ngoại. Nếu thấy chắc thắng thì đánh”. Bác Hồ dặn như thế, tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là như vậy. Trận này là trận quyết chiến chiến lược, hầu hết các đại đoàn chủ lực đã có mặt để tham chiến, cho nên trọng trách hết sức nặng nề. Nếu thua, không chỉ là tiêu hao binh lực-những nguồn vốn quý nhất ta đã tích lũy trong 8 năm kháng chiến mà nhuệ khí của quân đội, tinh thần ý chí kháng chiến của cả một dân tộc sẽ như thế nào? Vấn đề không chỉ là 10 năm. Khi đã mất ý chí, mất tinh thần thì hậu quả hết sức nặng nề. Chính gợi ý của Bác Hồ và tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, căn cứ vào diễn biến chiến trường, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ, trao đổi với cố vấn Trung Quốc, với cơ quan tham mưu về phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là giai đoạn rất căng thẳng bởi vì ngày nổ súng theo phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" đã cận kề, đa số các đồng chí trong Đảng ủy mặt trận và chỉ huy các đơn vị đều đồng thuận với cách đánh cũ. Sau này, Đại tướng có nói, việc thay đổi cách đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là một quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của ông. Sau khi thông qua Đảng ủy mặt trận, Đại tướng đã điện xin ý kiến Bác Hồ, Bộ Chính trị và được đồng ý. Có thể nói, đây là một mẫu hình trong việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của cá nhân, một phương pháp làm việc khoa học và hiệu quả.

Sức mạnh lòng dân và tinh thần quốc tế

PV: Một trong những điều làm cho Pháp rất bất ngờ tại chiến trường Điện Biên Phủ là khả năng huy động sức người, sức của của Việt Minh cho chiến dịch. Chiến trường xa hậu phương, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn, bị bom đạn đánh phá quyết liệt nhưng vẫn không ngăn được những đoàn người chi viện cho tiền tuyến bằng những phương tiện thô sơ. Ngọn nguồn của sức mạnh ấy là từ đâu, thưa Viện trưởng?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Đó chính là lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước…”. Nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của Đảng là làm sao khơi dậy, tổ chức và phát huy được tinh thần đó, làm cho nhân dân đem lòng yêu nước ra để phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Vì vậy, không cần đến lệnh tổng động viên, người dân vẫn tự giác mang xe, mang ngựa đi thồ hàng cho chiến dịch. Điều này báo chí Pháp đã thừa nhận: Ở Điện Biên Phủ, xe tăng, tàu bay của Pháp đã thua “đôi bồ” của dân công Việt Nam.

PV: Xin được chia sẻ ở một khía cạnh khác, đó là sự giúp đỡ, ủng hộ quốc tế với Chiến dịch Điện Biên Phủ. Có người cho rằng, ta thắng ở Điện Biên Phủ là do Liên Xô, Trung Quốc viện trợ vũ khí, huấn luyện cán bộ, lại có đoàn cố vấn bên cạnh?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Chiến dịch Điện Biên Phủ là một cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam nên quốc tế rất ủng hộ ta, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa. Liên Xô giúp đỡ ta một cách gián tiếp thông qua thỏa thuận với Trung Quốc, đó là Liên Xô giúp Trung Quốc giải phóng khu vực Bắc và Đông Bắc, còn Trung Quốc có trách nhiệm giúp Việt Nam. Về mặt chính trị, các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô ủng hộ cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam, tạo ra một dư luận, một trào lưu quốc tế, là nòng cốt phản đối cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam và các nước Đông Dương.

Đối với Trung Quốc, một mặt ủng hộ ta trên trường quốc tế, mặt khác cử cố vấn sang trực tiếp cùng Bộ chỉ huy chiến dịch để tham mưu giúp đỡ. Mối quan hệ của cán bộ Việt Nam và cố vấn Trung Quốc trên tinh thần thẳng thắn, tôn trọng nhau vì thắng lợi chung của chiến dịch, không có chuyện "áp đặt, cưỡng chế". Trung Quốc đánh giá cao vai trò của Đảng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đặc biệt là vai trò quyết định của Tư lệnh chiến trường. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc giúp ta về vật chất nhưng công bằng mà nói, lượng vật chất đó tính trung bình chỉ bằng 1/5 so với yêu cầu chiến dịch, còn lại do chính nội lực của chúng ta quyết định. Bên cạnh đó, việc ta đánh và thắng Pháp ở Điện Biên Phủ cũng là góp phần làm cho phía Nam Trung Quốc ổn định. Có thời điểm ta giúp cách mạng Trung Quốc giải phóng khu Điền Quế, Việt Quế khỏi ách thống trị của quân Tưởng Giới Thạch. Đánh giá về lịch sử phải trên tinh thần khách quan, tôn trọng sự thật và mối quan hệ qua lại như vậy.

PV: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại. Những bài học từ chiến dịch vẫn luôn thời sự với mỗi chúng ta hôm nay. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, xin Viện trưởng cho biết những bài học kinh nghiệm chính yếu nào được rút ra từ thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước?

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Một chiến thắng vĩ đại như thế thì có thể rút ra rất nhiều bài học. Theo quan điểm của cá nhân tôi, bài học quan trọng nhất trong bất kỳ thời đại nào cũng cần, đó chính là phải biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân.

Bài học nữa được rút ra từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật quân sự. Trong thời đại ngày nay, ta đã có chủ trương, đường lối đúng nhưng nghệ thuật chỉ đạo trực tiếp là rất quan trọng, việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện mới là rất cần thiết.

Bài học thứ ba, đó là xây dựng yếu tố chính trị tinh thần của nhân dân và quân đội. CTĐ, CTCT chỉ phát huy được hiệu quả trong quân đội khi sự lãnh đạo của Đảng với nhân dân được tăng cường. Nếu quên việc này sẽ là một sai lầm chiến lược, vì không có thế trận lòng dân sẽ không có quân đội hùng mạnh.

Bên cạnh đó, phải luôn đề cao tinh thần tự lực, tự cường, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ và đoàn kết quốc tế theo đúng phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thêm bạn bớt thù”.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! 

Theo Trần Hoàng, Trịnh Dũng - Báo QĐND