Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia: Bước đột phá trong phát triển nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội: Trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Minh khẳng định: việc chăm lo chỗ ở cho người dân, đặc biệt là các đối tượng thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp luôn là ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, việc triển khai các chính sách về NOXH vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đột phá.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. |
Dự thảo Nghị quyết được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để tháo gỡ các rào cản hiện hữu trong quá trình đầu tư, xây dựng NOXH; đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thủ tục, đồng thời tăng cường các ưu đãi để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết cũng nhằm đạt được mục tiêu Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021–2030”; đồng thời góp phần điều tiết thị trường bất động sản theo hướng ổn định, lành mạnh hơn.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: một trong những nguyên nhân chính khiến việc phát triển NOXH gặp khó khăn là Việt Nam chưa có một định chế tài chính phù hợp, như Quỹ Nhà ở quốc gia, để bảo đảm nguồn vốn ổn định, lâu dài hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp.
Chính vì vậy, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia - một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có chức năng đầu tư xây dựng và tạo lập quỹ NOXH cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuê, thuê mua. Nguồn vốn hình thành Quỹ gồm ngân sách nhà nước cấp, đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ khai thác quỹ đất phát triển NOXH, bán tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Việc thành lập Quỹ không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, mà còn thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực phát triển NOXH, đúng theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NOXH.
Cắt giảm thủ tục, đẩy nhanh tiến độ
Để khắc phục tình trạng thủ tục đầu tư xây dựng NOXH còn phức tạp, kéo dài, Dự thảo Nghị quyết đề xuất nhiều giải pháp mạnh mẽ như: giao chủ đầu tư dự án NOXH đồng thời với việc chấp thuận chủ trương đầu tư; rút ngắn thời gian thủ tục còn tối đa 75 ngày (giảm khoảng 70% so với quy định hiện hành); miễn giấy phép xây dựng với công trình NOXH sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; cho phép chỉ định thầu rút gọn với các dự án sử dụng vốn công, vốn công đoàn, vốn doanh nghiệp nhà nước…
Ngoài ra, đề xuất bỏ bước lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và thủ tục thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi… sẽ giúp tăng tính linh hoạt và giảm thời gian triển khai thực tế các dự án.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra. |
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết và ủng hộ chủ trương thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia. Tuy nhiên, UBPLTP nhấn mạnh cần làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức và phạm vi hoạt động của Quỹ, tránh cách hiểu Quỹ có thể trực tiếp làm chủ đầu tư khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo Luật Nhà ở và các luật liên quan.
Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù trong Dự thảo mang tính đột phá nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí. Do đó, UBPLTP đề nghị Chính phủ bổ sung quy định về cơ chế kiểm soát, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, chất lượng công trình và mục tiêu xã hội của chính sách.
UBPLTP cũng đề nghị làm rõ quy định về việc hoàn trả tiền cho chủ đầu tư trong trường hợp có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận chuyển nhượng, tránh xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách khi dự án chưa hoàn thành hoặc không đạt mục tiêu ban đầu.
Tổng thể, Dự thảo Nghị quyết với 14 điều, bao quát từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc tổ chức thực hiện, đến các cơ chế cụ thể như lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, thuê mua, cơ chế sử dụng đất, bồi thường - tái định cư và tổ chức thực hiện… được đánh giá là văn bản có ý nghĩa chiến lược, thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn mới.
Nếu được Quốc hội thông qua, Nghị quyết sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho lĩnh vực NOXH - lĩnh vực đang rất cần các giải pháp mang tính đột phá và đồng bộ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội và ổn định thị trường bất động sản.
Huy Tùng
-
Đề xuất mở rộng quyền lập doanh nghiệp cho viên chức
-
Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia: Bước đột phá trong phát triển nhà ở xã hội
-
Đề xuất NHNN được quyết cho vay đặc biệt không cần tài sản bảo đảm, lãi suất 0%
-
Trình bổ sung hơn 4.327 tỷ đồng chi ngân sách từ viện trợ không hoàn lại trong năm 2025
-
Đại biểu Quốc hội: Cân nhắc việc thành lập tòa án chuyên biệt