Hạ khúc Tây Hồ

16:47 | 15/07/2012

2,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hồ nước lớn nổi danh rộng 500 hécta giữa lòng Hà Nội có từ thời các vua Hùng dựng nước, đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc, sau nhiều lần đổi tên dựa theo những huyền tích cửu vĩ hồ ly, kim ngưu truyền thuyết, thì từ 500 năm nay, người Việt đã quen với tên gọi Hồ Tây.

Đầy vơi thực lạ cảnh Tây Hồ

Trước tự Trời kia khéo vẻ đồ

Mây lẫn nước xanh màu đúc ngọc

Nguyệt lồng hoa thắm vẻ in châu

Cây là tán rợp tầng cao thấp

Sóng gợn cầm tâu nhịp nhỏ to

Bầy sẵn thú vui non nước đủ

Tây Hồ giá ấy dễ đâu so!

(Bài thơ Phong cảnh Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng)

Ngàn năn qua, Tây Hồ luôn là cảnh sắc hùng tráng nên thơ, đi vào nghệ thuật, thi ca, huyền sử…, lại đặc biệt gắn với nhiều dấu ấn của các đấng quân vương như Lạc Long Quân, Lý Thái Tổ, Lý Thần Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Thế Tông…, cũng lưu truyền tôn vinh những bậc mẫu nghi và danh nhân có công đức lớn với nhân dân quanh vùng như vương phi Phạm Thị Ngọc Đô, Từ Hoa công chúa, Túc Trinh công chúa, Minh Không thiền sư, vương phi Vũ Thị Ngọc Xuyến…

Trấn Quốc cổ tự với lịch sử 1500 năm, được coi là ngôi chùa lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội, nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.

Cuộc sống bình yên của người dân Hà Nội qua bao thế hệ vẫn như thuở nào gắn bó và gần gũi với Tây Hồ. Bên cạnh những du khách thưởng lãm phong cảnh, ngao du hóng mát…, vẫn là những miệt mài mưu sinh, toan lo thường nhật.

Cùng "nghe” khúc trầm bổng một chiều mùa hạ của Tây Hồ qua những tấm hình:

Liễu. Chỉ có bên hồ, liễu mới thực là thúy liễu, mềm mại, quyến rũ, khơi gợi nhu tình…

Nốt du dương say đắm của Hạ khúc.

Hoa. Điểm xuyết lên bức tranh thủy bích Tây Hồ những nét chấm phá rực tươi sắc màu của thiên nhiên…

Hợp âm Nắng-Lá-Hoa.

Thuyền rồng, nét phong nhã đặc trưng của Tây Hồ. Nốt hào tráng của lịch sử.

Xuất hiện sau ngàn năm tồn tại của Tây Hồ, con đường ven hồ uốn lượn như dải lụa níu chân con người với Tây Hồ. Nốt luyến láy hữu hình của thời gian.

Tự bao đời, người Hà Nội gắn bó, gần gũi với Hồ Tây. Chiều chiều, nghỉ ngơi thư giãn bên hồ luôn là nhu cầu cuộc sống của họ.

Và cũng không ít người vẫn bươn trải mưu sinh quanh hồ. Trường đoạn da diết đời thường của Hạ khúc.

Nốt thăng trên gương mặt chàng trai trẻ…

Và nốt giáng… trong sinh mệnh của tiểu lý ngư.

Du khách thong thả thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên giữa lòng Hà Nội…

… Chỉ vài bước chân, họ đã bỏ lại phố phường ồn ào sau lưng, hướng ra không gian bao la, thu vào ống kính cảnh sắc nước trời lồng lộng. Dấu lặng của Hạ khúc.

Hạ khúc trở nên rộn ràng với những bước chân bé nhỏ tung tăng…

Chiều hạ vàng, những cơn gió miên man từ mặt hồ làm không gian dịu mát và nơi đây vẫn luôn là điểm hẹn hò nên thơ của tuổi trẻ. Những hàng cây như những dòng nhạc kẻ thẳng lên trời.

Vào cuối ngày, một cơn giông bất chợt tràn đến khiến cho cảnh hồ trở nên huyền bí lạ thường…

… Mặt hồ chốc lát nổi sóng ầm ào kích thích. Cao trào của biến tấu trở nên bi hùng hơn lúc nào hết. Hoàng hôn trên Tây Hồ mỗi ngày một đặc sắc khác nhau, ngàn năm nay đã vậy và sẽ còn như vậy ngàn năm sau…

Tây Hồ, một chiều tháng 7/2012

 Ngân Hà