Cấm biểu diễn xiếc thú

Nên hay không nên?

08:00 | 03/06/2018

867 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây không lâu, Liên minh châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition - AFA) có thư gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch kêu gọi không dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc. Tuy nhiên, xung quanh đề nghị này vẫn có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Chủ rạp xiếc có thể bị truy tố?

Trong thư, AFA viện dẫn báo cáo của Tổ chức Động vật châu Á công bố gần đây cho biết, hiện có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc, trong đó có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp. Đồng thời, AFA còn tổ chức điều tra về việc các động vật hoang dã, trong đó có các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng “bị ép buộc phải thực hiện các trò diễn xiếc phi tự nhiên, hạ thấp giá trị của động vật tại các vườn thú và rạp xiếc khắp Việt Nam”.

nen hay khong nen
Tiết mục xiếc thú của Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội

Theo thống kê của AFA, tính tới tháng 8-2017, Việt Nam có 16 cơ sở được xác định sử dụng động vật biểu diễn xiếc. Có 19 loài động vật được sử dụng, trong đó khỉ là động vật biểu diễn xiếc phổ biến nhất (13 cơ sở). Trong quá trình thu thập thông tin, nhóm điều tra của AFA đã chứng kiến động vật biểu diễn xiếc có những vết thương rõ ràng, động vật trong tình trạng gầy, thiếu cân nghiêm trọng. Từ đó, AFA đã đưa ra 8 khuyến nghị gửi đến các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm quản lý động vật hoang dã nuôi nhốt ở Việt Nam, trong đó có các rạp xiếc. Dư luận, đặc biệt là không ít người trong nghề cảm thấy... “sốc” với 2 trong số các khuyến nghị đó.

Cụ thể, khuyến nghị 2 nêu rõ: “Truy tố các chủ rạp xiếc vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam về việc sử dụng động vật trong nhóm IB cho mục đích thương mại theo Điều 6 của Nghị định 32 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm…”.

Khuyến nghị 4 nhấn mạnh: “Cấm sử dụng tất cả các loài động vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, nơi động vật bị ép thực hiện các hành vi trái với những hành vi tự nhiên của chúng”. Vì vậy, AFA bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện xem xét, phối hợp với AFA để chấm dứt hoàn toàn sự bóc lột động vật tại các cơ sở biểu diễn xiếc.

Sẽ thay thế dần động vật hoang dã

Kết quả điều tra và khuyến nghị mà AFA đưa ra đã ngay lập tức tạo nên hai luồng ý kiến trái ngược nhau.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: Xung quanh việc đưa thú vào biểu diễn, hiện trên thế giới vẫn chia hai luồng ý kiến: Phản đối và đồng thuận. Luồng ý kiến đồng thuận cho rằng, như vậy sẽ khiến loài người gần với thiên nhiên, loài vật hơn. Nhưng, thực tế, nhiều đoàn xiếc lớn trên thế giới như Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Italia vẫn có những tiết mục biểu diễn với sư tử, hổ, báo, voi… và thậm chí có nhiều tiết mục được đưa lên thành thương hiệu của các đoàn.

nen hay khong nen

Theo NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sĩ có hơn 20 năm biểu diễn xiếc trăn, điều kiện ăn, ở, chăm sóc và luyện tập thú ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam khá tốt. NSƯT Tống Toàn Thắng cho hay, hiện Liên đoàn Xiếc Việt Nam có đội ngũ gồm 20 người làm công tác chăm sóc sức khỏe, nấu ăn, tắm rửa vệ sinh… cho thú. Ngoài ra, khi tập luyện, không dùng hình thức roi vọt, đánh đập thú. Vào đầu năm 2018, Hiệp hội Bảo vệ động vật châu Á đã đến tham quan Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đánh giá rất cao và hài lòng với việc chăm sóc, tạo điều kiện sống tốt nhất cho thú trình diễn.

Về khuyến nghị cấm dùng động vật hoang dã biểu diễn xiếc, NSƯT Tống Toàn Thắng cho rằng: “Nên hay không nên cấm xiếc thú là một câu hỏi lớn mà để trả lời được cần phải xem xét nhiều yếu tố một cách khách quan, toàn diện chứ không thể nghe ai đó phản đối, khuyến nghị đã vội thả thú về rừng. Ngược lại, chúng ta cũng không thể coi thường những khuyến nghị ấy để rồi lơ là việc bảo vệ động vật hoặc bạo hành động vật dưới mọi hình thức”.

Dưới góc nhìn của một nhà quản lý, NSND Tạ Duy Ánh cũng cho rằng, không nên dừng biểu diễn xiếc thú một cách cơ học. Tuy nhiên, ông cũng hé lộ việc chuyển xiếc thú sang các loại hình xiếc khác đã được lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam tính toán từ cách đây vài năm. Trong bối cảnh khó khăn chung của nghệ thuật sân khấu truyền thống, may mắn là nghệ thuật xiếc vẫn có sức hấp dẫn nhờ đối tượng phục vụ đặc thù là thiếu nhi. Tuy nhiên, để giữ gìn “thương hiệu”, các nghệ sĩ luôn phải kiên trì tập luyện, tìm tòi, dàn dựng những tiết mục mới, hấp dẫn khán giả. Bản thân nghệ sĩ cũng cảm thấy bất bình nếu những con vật sống trong điều kiện nghèo nàn, nơi ở tồi tàn, bị ngược đãi, bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa để ép buộc chúng phải thực hiện các hành vi phi tự nhiên trong trạng thái căng thẳng tột độ. Với xiếc thú, người nghệ sĩ phải là diễn viên, diễn cùng con thú như bạn, để tạo cảm giác gần gũi với khán giả, với con thú chứ không phải đơn thuần là người huấn luyện.

Lãnh đạo của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng cho biết, đang chuyển đổi dần sang xu hướng thay thế xiếc động vật hoang dã bằng các loài vật gần gũi với đời sống con người. Những tiết mục mới lạ này cũng đã và đang hấp dẫn các khán giả nhí. Ngoài xiếc chó, heo, trong thời gian tới, sẽ có thêm xiếc trâu, mèo, chim vẹt… Với những con voi, sư tử, gấu…, sau nhiều năm biểu diễn, liên đoàn sẽ đưa về Công viên Thủ Lệ để chăm sóc.

NSƯT Tống Toàn Thắng: “Nên hay không nên cấm xiếc thú là một câu hỏi lớn mà để trả lời được cần phải xem xét nhiều yếu tố một cách khách quan, toàn diện chứ không thể nghe ai đó phản đối, khuyến nghị đã vội thả thú về rừng”.

K.An