Mỗi năm phát sinh hơn 7.000 đối tượng truy nã

18:50 | 23/07/2015

1,703 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 10 năm qua, công an toàn quốc đã truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại được hơn 76 nghìn đối tượng truy nã. Nhưng cái giá phải trả cũng không hề nhỏ, đã có 7 đồng chí công an hy sinh trong quá trình truy bắt đối tượng truy nã.
Bắt kẻ dùng búa sát hại vợ sau 22 năm trốn truy nã
Trốn lệnh truy nã vẫn đi Đà Nẵng du lịch cùng gia đình
Hà Nội: Bắt đối tượng trốn nã 3 năm
Bị truy nã đặc biệt vẫn đi bán thuốc lắc
Quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines bị bắt sau 5 năm trốn truy nã

Tội phạm truy nã ngày càng manh động

Bộ Công an vừa có báo cáo tổng kết 10 năm công tác truy nã tội phạm (giai đoạn 2004 - 2014). Báo cáo nêu rõ, do tác động từ nhiều mặt trong nền kinh tế thị trường nên tội phạm diễn biến phức tạp, các vụ án hình sự có chiều hướng gia tăng, nhất là trên các tuyến và địa bàn trọng điểm. Trong đó, các loại tội phạm hình sự nguy hiểm, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án diễn ra nhiều, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt, manh động và có tính lưu động cao.

Tội phạm có tổ chức còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, nhất là các băng nhóm liên quan đến hoạt động bảo kê, đòi nợ thuê. Tội phạm kinh tế, tham nhũng và môi trường cũng gia tăng. Tội phạm ma túy diễn ra rất phức tạp, hình thành nhiều băng nhóm buôn bán, vận chuyển với số lượng lớn ma túy xuyên quốc gia, sử dụng vũ khí sẵn sàng chống trả lực lượng chức khi bị phát hiện. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng.

Mỗi năm phát sinh hơn 7.000 đối tượng truy nã
Hình ảnh hợp tác quốc tế trong công tác truy nã tội phạm.

Trong 10 năm qua, công an toàn quốc đã khởi tố 982.985 bị can. Toàn quốc đã ra quyết định truy nã 73.156 đối tượng, trong đó có 16.758 đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Như vậy, trong giai đoạn này, trung bình hàng năm phát sinh hơn 7.000 đối tượng truy nã.

Đánh giá về chiều hướng của loại tội phạm truy nã, báo cáo nêu rõ, sau khi gây án, các đối tượng truy nã thường nhanh chóng tìm cách bỏ trốn. Chúng thường trốn đến vùng sâu, vùng xa, đồng thời sử dụng nhiều thủ đoạn để lẩn trốn, che giấu tung tích đối phó với sự phát hiện của cơ quan chức năng. Để che giấu tung tích, chúng thường thay đổi tên tuổi, thay đổi đặc điểm nhận dạng, liên tục thay đổi nơi ở, thay đổi cách thức liên lạc.

Trong quá trình lẩn trốn, nhiều đối tượng truy nã tiếp tục phạm tội, thậm chí còn có sự tiếp tay của đồng bọn hoặc của gia đình, nhất là các hành vi giả mạo các loại giấy tờ để tạo vỏ bọc hợp pháp nhằm trốn tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân. Nhiều đối tượng tụ tập, cấu kết thành băng ổ nhóm tiếp tục các hoạt động phạm tội. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng truy nã đã tìm mua các loại vũ khí để sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng, tìm cách tẩu thoát khi bị phát hiện, bắt giữ.

Thực tế trong những năm qua, đối tượng truy nã đã gây ra một số vụ thương vong cho lực lượng tham gia truy bắt, nhất là các đối tượng truy nã phạm tội về ma túy và hình sự đặc biệt nguy hiểm. 10 năm qua, đã có 7 cán bộ công an hy sinh trong quá trình truy bắt đối tượng truy nã. Điển hình như vụ truy bắt đối tượng truy nã phạm tội mua bán trái phép chất ma túy Vàng A Khua (59 tuổi, ở xã Hang Kia, Mai Châu, Hòa Bình) vào ngày 5/2/2010. Đối tượng này đã sử dụng vũ khí chống trả làm 3 cán bộ công an hy sinh.

Bên cạnh đó, thời gia qua, lợi dụng điều kiện ra nước ngoài thuận tiện do chính sách mở cửa hội nhập kinh tế thế giới của đất nước, nhiều đối tượng truy nã đã tìm cách trốn ra nước ngoài ngay sau khi gây án. Đặc biệt, có những đối tượng truy nã sau khi trốn ra nước ngoài đã câu kết với bọn phản động lưu vong quay lại tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước.

Dù các đối tượng truy nã liều lĩnh và có nhiều thủ đoạn tinh vi, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo công an địa phương, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, công tác truy nã tội phạm đã có nhiều chuyển biến tích cực, số đối tượng truy nã bị bắt, vận động đầu thú, thanh loại tăng cao. Từ 1/10/2004 đến ngày 15/11/2014, toàn quốc đã truy bắt, vận động đầu thú, thanh loại được 76.414 đối tượng truy nã.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế, khó khăn trong công tác truy bắt đối tượng truy nã. Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng mục tiêu làm giảm số đối tượng truy nã phát sinh chưa đạt được như yêu cầu đặt ra. Nhiều quyết định truy nã chỉ đáp ứng yêu cầu của hồ sơ tố tụng xác định bị can đã bỏ trốn, việc thiếu các thông tin cần thiết để xác định đối tượng truy nã như hình ảnh, đặc điểm nhận dạng, danh chỉ bản…

Mỗi năm phát sinh hơn 7.000 đối tượng truy nã
Cảnh sát bắt đối tượng truy nã dùng súng tự thủ vào năm 2012.

Số đối tượng truy nã hiện hành còn ở ngoài xã hội mặc dù đã giảm so với thời điểm trước năm 2004, nhưng tính đến ngày cuối năm 2014 vẫn còn 14.580 đối tượng. Lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm không được khám xét địa điểm nơi bắt giữ đối tượng khi triển khai bắt đối tượng truy nã, nên không có điều kiện thu giữ kịp thời vật chứng.

Bên cạnh đó, việc tạm giữ đối tượng truy nã sau khi lực lượng cảnh sát truy nã tội phạm bắt hoặc vận động đầu thú gặp rất nhiều bất cập vì phải chờ cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ và trong nhiều trường hợp do cơ quan điều tra chưa tiếp nhận và ra quyết định tạm giữ kịp thời dẫn đến lực lượng cảnh sát truy nã phải giữ đối tượng tại nơi làm việc không đảm bảo an toàn và không đúng quy định.

Việc phối hợp trao đổi thông tin, xác minh truy bắt, dẫn giải, trao trả các đối tượng truy nã có yếu tố nước ngoài kết quả chưa cao, việc tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng truy nã quốc tế trong thời gian chờ bàn giao còn lúng túng, chưa thống nhất, một số trường hợp Viện Kiểm sát Nhân dân từ chối phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ, lệnh tạm giam.

Thiên Minh

Năng lượng Mới