Mênh mang Hòn Chồng

07:00 | 21/02/2018

460 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ có thể là định mệnh mới đưa Ngọc đến vùng núi ven biển này. Những triền núi thoải nhấp nhô chồng lên nhau một cách đầy bí hiểm như trò đùa cợt của tạo hóa. Dân địa phương gọi rặng núi này là Hòn Chồng. Có lẽ từ cái sự chất chồng kia nên thành tên gọi.

Hòn Chồng so với núi non xung quanh chỉ là một rặng núi nhỏ bé nhưng nó lại rất khác bởi toàn bộ Hòn Chồng nằm vòng cung dọc biển, thậm chí nó còn nhoi ra khiến bên dưới hoắm vào thành những vụng biển nhỏ rất đẹp. Sóng đánh vô hồi kỳ trận vào Hòn Chồng tạo nên một khung cảnh luôn dữ dội đầy bọt trắng như muốn nuốt chửng, muốn xóa sổ những triền núi xếp chênh vênh lên nhau. Sóng thế nhưng nếu men núi xuống những vụng biển hoắm vào thì lại là nơi tuyệt diệu. Trong vụng biển mặt nước êm ả, sóng chỉ gợn gợn vỗ về.

menh mang hon chong

Ngọc có mặt ở Hòn Chồng bằng một tai nạn trên đường khi anh làm chuyến đạp xe xuyên Việt đi qua khúc biển miền Trung này. Hôm đó trời đã khá muộn. Đó là quãng thời gian nhập nhoạng rất không thích hợp với dân đạp xe phượt đường trường. Có lẽ do thiếu quan sát nên một chiếc xe tải phóng tốc độ nhanh chạy sát sạt xe đạp của Ngọc. Lực hút của xe tải khá mạnh khiến ghi đông của Ngọc chòng chành và mất lái. Từ mặt lộ, chiếc xe lao xuống vệ đường với tốc độ không thể kìm giữ. Người lái xe tải vô tâm không biết rằng mình đã gây tai nạn dù không có va chạm. Ngọc cùng chiếc xe đạp bị quật ngã trên nền của doi cát khá rộng nối con đường quốc lộ với Hòn Chồng. Trên nền cát mịn có không ít đá lô nhô. Cú ngã khiến Ngọc ngất lịm.

Hòn Chồng chỉ có mươi hộ dân. Họ làm nhà ở chân núi. Cũng chỉ là những căn nhà tạm, bởi tất cả dân nơi đây trú ngụ ở ngôi làng cách đó non cây số trong thung lũng bên kia lộ. Đây là những hộ có nghề biển. Họ dựng nhà tạm ở đây để thu mua hải sản đánh bắt được trong ngày của dân làng. Cũng có vài hộ trực tiếp ra biển đánh bắt. Hòn Chồng gần như một cảng cá nhỏ của cái làng nửa rừng nửa biển này. Trong số những nhà dân tạm bợ nơi đây có nhà của cha con Hường. Duy nhất nhà Hường được xây cất cẩn thận. Một ngôi nhà nhỏ nép vào hông Hòn Chồng và hướng ra biển. Cha của Hường, một thợ lặn thiện nghệ bị tai nạn nghề nghiệp liệt chi dưới chỉ quẩn quanh lết được trong nhà. Trong một lần lặn bắt bàn mai, một loại hải sản quý ở biển Hòn Chồng ở độ sâu 30 mét, dây truyền khí thở bị tắc khiến ông ngộp phải ngoi nhanh lên mặt nước.

Sự thay đổi đột ngột này đã khiến ông tàn tật vĩnh viễn vì sự chuyển hóa của khí nitơ trong cơ thể gây ra sự chèn ép mạch máu và mô ở tủy sống. Ngày ngày ông lết trong căn nhà nhỏ ra ngồi trước cửa mắt xa xăm nhìn vào biển. Biển hút mọi tâm trí của ông với niềm nuối tiếc. Chính vì lẽ đó mà Hường đã quyết định không theo gia đình người anh trai và mẹ bỏ biển về thành phố làm ăn để ở lại bản quán cùng người cha tật nguyền. Hường không nỡ để cha mình rời khỏi vùng biển thân thuộc đã là tất cả hạnh phúc cùng khổ đau của ông. Cha Hường sẽ không thể sống nổi nếu không có biển. Đó là lý do ngôi nhà của cha con Hường duy nhất ở Hòn Chồng không tạm bợ.

Đêm ấy, cái đêm mà sau này Ngọc gọi là định mệnh, trăng rất sáng. Hường lùa đàn dê về chuồng muộn hơn mọi ngày. Hòn Chồng trơ trọi, rất ít cây cỏ sống được, nên đàn dê của Hường chỉ cầm cự có vài chục con. Đây cũng là nguồn sống duy nhất của cha con cô. Lâu lâu, vài tháng, lái dê lại đến bắt đi những con dê thịt trưởng thành mang về vỗ béo rồi đưa đến quán nhậu. Mỗi năm vài lần xuất dê bán, cuộc sống của hai cha con cũng chỉ là cầm cự qua ngày nhưng Hường luôn vui vẻ và yêu mãnh liệt mảnh đất cô đang sống. Tình yêu ấy có cả sự báo đáp người cha không may mắn.

Lúc lùa dê vào chuồng xong, Hường chợt phát hiện ra có vật gì đó nằm ngòm ngòm bên quốc lộ. Đấy là nhờ ánh trăng vằng vặc rọi. Thắc mắc, Hường đi đến chỗ Ngọc bị ngã. Lại gần, Hường chợt rú lên sợ hãi khi nhìn thấy người đàn ông nằm sõng soài bất động. Gần đó là chiếc xe đạp và hành lý văng tung tóe. Định thần và lấy hết can đảm, Hường đi đến bên Ngọc. Cô run rẩy khi thấy máu bê bết trên mặt người đàn ông gặp nạn. Ngay sau đó, Hường cùng những người dân ở xóm Hòn Chồng, kêu xe cấp cứu đưa Ngọc đi viện ở Phan Thiết.

Cú ngã gây thương tích trên mặt, trên người và chân cẳng nhưng thật may mắn Ngọc không bị sang chấn nặng. Chiếc mũ bảo hiểm đã cứu mạng Ngọc. Anh chỉ bị va cằm và ngất đi vì choáng. Nặng nhất là gối trái, khi chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ chẩn đoán Ngọc bị giãn dây chằng chéo, tuy không phải phẫu thuật nhưng phải điều trị để phục hồi. Nằm viện một thời gian khi các vết thương phần mềm ổn định và cái gối trái cũng đã đỡ phần nào, Ngọc xin ra viện để chữa ngoại trú.

Thập thễnh trở lại Hòn Chồng, Ngọc đã được nghe câu chuyện về ân nhân của mình. Anh đến nhà Hường cảm ơn và nhận lại đồ đạc. Nhìn gia cảnh, Ngọc thoáng động lòng cám cảnh nhưng rồi sự gặp gỡ, chuyện trò với người cha tật nguyền của ân nhân đã khiến Ngọc vô cùng phấn khích.

menh mang hon chong

Ba Hường từ dạo tai nạn phải bó chân ngồi nhà có rất ít người đến chơi, nay tự nhiên có một nhà báo tận Hà Nội lạc đến, ông như cởi bỏ được sự tù hãm, mặc cảm thân phận bấy nay. Bao nhiêu ký ức biển, kinh nghiệm biển, lớn hơn là tình yêu biển được ông trải lòng với Ngọc. Đang dưng Ngọc được gặp một nhân vật biển kỳ thú. Những chuyến đi ở những vùng biển khác nhau. Đáy biển thế nào. Kể cả màu cát Hoàng Sa khác biệt ra sao với đáy những vùng biển khác. Năm tháng và những vui buồn đời người của một ngư dân mang đến cho Ngọc những ấn tượng và hiểu biết đặc biệt. Nỗi niềm của ông già thợ lặn cũng gieo vào cõi hồn Ngọc những xúc động đồng cảm. Chính Ngọc trước cú ngã này cũng nhận một tai nạn từ biển.

Ngọc sinh sống và làm việc ở Hà Nội. Mọi thứ ở anh đều muộn mằn kể từ lập nghiệp đến vợ con. Trước chuyến xuyên Việt, anh đang công tác ở một tòa soạn báo. Chuyện xảy đến khi Ngọc cùng một nhóm phóng viên viết điều tra về một vụ tiêu cực lớn. Những bài viết của anh cùng đồng sự gây được tiếng vang nhưng cũng mang lại nhiều rắc rối, Ngọc đã bị từ chối mạch bài. Trong cơn phẫn uất vì bị xúc phạm nghề nghiệp, Ngọc xin nghỉ việc và nhanh chóng được toại nguyện. Câu chuyện chưa dừng ở đó, đồng nghiệp nữ cùng tòa soạn cũng là người anh chọn lựa làm bạn đời nhân chuyện này cũng bất đồng dứt áo với anh. Cùng lúc hai cú sốc ở tuổi ngoài băm khiến Ngọc chuếnh choáng. Anh quyết định vào Nam làm việc. Trong khi chờ đợi tòa soạn mới chấp nhận, Ngọc nảy ý định làm chuyến xuyên Việt biển để thư giãn. Anh đã một mình đạp xe từ cửa khẩu Bắc Luân, Móng Cái và cứ thế chuyển dịch ven biển. Bao nhiêu địa danh biển đất nước đã đi qua những vòng lăn bánh xe của Ngọc. Cả những nơi đang có những công trình biển gây sóng dư luận, Ngọc cũng miệt mài tìm hiểu thực tế. Những làng chài yên lành ở biển miền Trung chịu thảm họa môi trường đã đón nhận Ngọc. Anh hối hả ghi chép tích cóp tư liệu. Chuyến đi suôn sẻ cho đến khi Ngọc đến biển Vĩnh Tân, Bình Thuận thì gặp tai nạn.

Có lẽ những câu chuyện biển của người ngư dân tàn phế đã giữ Ngọc neo lại. Anh quyết định điều trị thương tật dây chằng gối ở vụng biển dưới chân sóng Hòn Chồng. Nước biển là cách trị liệu tốt nhất để hồi phục dây chằng. Một hộ ngư dân đã nhường lại cho Ngọc căn lều cá sát biển để tá túc. Tiếng là lều cá nhưng đủ đầy từ điện đến nước ngọt. Ngọc chả cần gì hơn khi ngày ngày anh vẫn vào được mạng để giao tiếp và làm việc. Cần mẫn ngày ngày, Ngọc men núi để xuống vụng biển ngâm mình, bơi và tập luyện gối. Chả mấy ngày không, Ngọc đến nhà Hường để chuyện trò với ba của Hường. Đôi khi cao hứng anh uống rượu cùng ông già với những sản vật biển Hòn Chồng rẻ như cho nếu so sánh với thành phố. Thấm thoắt Ngọc đã ở Hòn Chồng được vài tuần lễ, đầu gối hồi phục khá nhanh.

Từ ngày Ngọc ở lại Hòn Chồng và thân thiết với ba mình, Hường tỏ ra khép nép giữ ý. Mỗi khi một già, một trẻ tâm đắc về những câu chuyện biển, Hường chỉ lẳng lặng làm phận sự, khi là ấm nước lá dành dành mọc hoang trên núi, lúc là đĩa mồi, chai rượu… Hường kín tiếng và tránh mọi tiếp xúc với Ngọc. Hường không đẹp rực rỡ, nhưng bù lại cô có sự hấp dẫn mặn mòi của thiếu nữ biển, từ nước da rám hơi biển mịn nâu đến vóc dáng khỏe mạnh nhưng vẫn thanh thoát. Có không ít đám tìm hiểu nhưng Hường một mực từ chối. Khi người cha tàn phế bị chính mẹ mình lạnh lùng xa lánh, Hường ở lại Hòn Chồng để chăm sóc cha. Không ít lần ba Hường phẫn chí lần ra mép biển định quyên sinh, Hường đã kịp giữ lại và khóc lóc cầu xin. Có lẽ tình thương yêu hiếu đễ của Hường đã khiến ông bớt đi sự mặc cảm buồn chán, nhưng thực tâm ông vẫn muốn giải thoát để không cản trở cuộc sống của con gái.

Gặp được Ngọc, ông già tàn tật đã nhen lại được chút lạc quan khi ký ức biển của ông được thổi bùng sống lại. Từ xa, Hường quan sát và cảm nhận được những đổi thay nơi cha mình từ chàng trai Hà Nội với một sự cảm mến rất riêng. Càng cảm mến khi cô nghe được những lời khuyên chân thành của Ngọc với người ngư dân già thiếu may mắn, mong muốn ông thoát khỏi ám ảnh của bế tắc. Hường đã ứa nước mắt khi chứng kiến những bộc bạch từ đáy lòng của người cha thương yêu về tình cảnh của hai cha con. Cô cũng được biết ít nhiều về Ngọc hiện tại và những dự tính tương lai. Tuy thế Hường vẫn xác định phải xa cách Ngọc. Xa cách nhưng không hiểu sao hình ảnh Ngọc luôn gieo vào Hường những xốn xang chưa từng khiến tâm trạng cô bất an thay đổi.

Với Ngọc, trong một tâm thế của hai cú sốc đời còn tươi nguyên, nóng hổi anh không có một mối quan tâm nào ngoài lòng tốt của người dân biển nơi đây. Với Hường, mỗi khi anh xuống vụng biển để ngâm nước điều trị, bắt gặp cô trên núi, Ngọc tự nhiên chân thành không có bất cứ vướng bận nào.

Cho đến một hôm, là cái ngày anh nhận được điện thoại vào thành phố Hồ Chí Minh nhận công tác, Ngọc nấn ná ở lại vụng tắm với ý nghĩ đây là lần cuối cùng. Chiều muộn. Hôm ấy có trăng. Chưa tối nhưng trăng đã vành vạnh treo ở chân sóng. Ngọc ngụp lặn thỏa thuê. Bất chợt anh nghe văng vẳng đâu đây như tiếng kêu cứu của Hường. Chiều nay Ngọc biết Hường lên núi lùa dê về chuồng sớm để thương lái đến bắt định kỳ. Trên đường đến vụng, Ngọc đã gặp Hường và anh cũng cho cô biết ngày mai Ngọc sẽ chia tay Hòn Chồng. Hường đã mời Ngọc tối ấy đến ăn bữa cơm giã biệt với cha con cô.

menh mang hon chong

Tiếng kêu cứu vẫn dội đến dù Ngọc cố tĩnh trí để hiểu rằng, không một âm thanh nào vượt qua được tiếng sóng gầm gào đập vào vách đá để lọt được đến đây. Có thể chỉ là tiếng vọng của tâm tưởng khi lòng anh đang bộn bề với những điều sắp xảy đến. Như có một sự giục giã cấp bách, Ngọc nhoáng nhoàng mặc quần áo phi lên núi. Một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt anh. Cái gì kia, Hường trong bộ dạng quần áo bung ra tơi tả đang chống trả quyết liệt một gã trung niên to béo. Có vẻ như Hường đã đuối sức trước sự dồn ép của gã đàn ông khi hắn đã dồn được cô ngã dựa vào vách núi. Nhác thấy Ngọc, cô hét lên, cứu em, cứu em. Ngọc phi đến. Chân còn chưa lành hẳn, vẫn đau, nhưng Ngọc tung người rất nhanh đá mạnh khiến gã đàn ông ngã bật ngửa. Gã vội vàng vùng dậy và bỏ chạy xuống núi. Hường, sau giây phút định thần, òa lên khóc và trong nguyên bộ dạng hiện tại lao đến ôm chặt cứng lấy Ngọc.

Không biết mất bao lâu Hường mới hồi tỉnh được. Ngọc choáng váng khi được Hường cho biết đấy chính là gã thương lái mối dê quen của Hường. Không ít lần gã tán tỉnh dụ dỗ Hường đi theo gã với những dụ mị đủ đầy vật chất. Biết hoàn cảnh Hường, gã hứa sẽ xây cho cha con Hường một ngôi nhà sát biển to đẹp hơn ngôi nhà ở Hòn Chồng. Riêng Hường sẽ được làm chủ một tiệm ăn ở khu Nhiệt điện Vĩnh Tân. Tất nhiên, đổi lại Hường phải ở thân phận thê thiếp. Đúng vào lúc Ngọc ngượng ngập cố gỡ được Hường đang ôm chặt lấy mình ra thì trăng là là khỏi ngọn núi. Hòn Chồng ngờm ngợp ánh trăng vàng sánh rượi. Bất ngờ Hường rũ bỏ hết quần áo để lộ nguyên vẹn cơ thể bắt trăng sáng dịu mượt. Ngọc lùi lại, nói không thành tiếng. Không. Không… Hường lao đến một lần nữa ôm chặt lấy anh. Tiếng Hường thoảng như gió. Đừng, đừng nói gì nữa anh… Mai anh đi rồi… Em muốn em là của anh… Hôm nay… Ngay bây giờ… Ngọc rùng người cưỡng lại nhưng rồi anh mê dại lịm dần đi...

Mấy tháng sau, Ngọc trở lại Hòn Chồng. Khấp khởi với bao dự tính, Ngọc mỉm cười tiến về ngôi nhà của cha con Hường. Tim anh khững lại khi ngôi nhà trống trơn không người ở.

Bây giờ, Ngọc đứng bất động ngay trên núi chỗ Hường đã dâng hiến cho anh. Chỉ ngay sau khi Ngọc rời đi, Hường đã chủ động chấp nhận tay thương lái dê, kẻ đã cưỡng hiếp cô không thành. Nghe dân Hòn Chồng nói, Hường đang là bà chủ một tiệm ăn lớn chuyên về thịt dê ở khu Nhiệt điện Vĩnh Tân.

Mắt Ngọc mờ đi, trước anh là biển mênh mang và ào ạt sóng vỗ như muốn xóa sổ Hòn Chồng. Lúc ấy, Ngọc chỉ còn nghĩ được đến ánh mắt của người ngư dân già tàn tật nhìn vô vọng vào đại dương nuối tiếc tìm quá vãng.

Hà Nội, 18-12-2017

Phạm Ngọc Tiến