Một tâm hồn Ukraine gần gũi

11:15 | 08/08/2021

420 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giữa lúc đại dịch leo thang, tôi làm việc ở nhà suốt thời gian cả tháng trời, tâm trí được tĩnh lặng hơn, và khi đọc tập truyện ngắn “Báo thù” của nhà văn Roman Ivanytchouk (Ukraine) (do Nguyễn Hữu Vỹ dịch, NXB Hội Nhà văn) thì thấy được an ủi rất nhiều. Những câu chuyện nhỏ giản dị đời thường của một xứ sở vùng Đông Âu hóa ra thật gần gũi với người Việt, có thể xoa dịu và lấp đầy hẫng hụt tâm hồn bất cứ bạn đọc nào do Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống quen thuộc của chúng ta.
Một tâm hồn Ukraine gần gũi
Tập truyện ngắn “Báo thù”

Tập sách gồm 10 truyện ngắn, và tôi đã chọn đọc truyện “Báo thù” đầu tiên. Nhưng khác với cái nhan đề có vẻ dữ dội, truyện ngắn này lại tràn đầy xúc cảm thương xót, và hối tiếc sâu sắc của nhân vật chính, một tay thợ săn bán chuyên nghiệp. Với thể loại truyện lồng truyện, ẩn dưới cái vỏ chữ dung dị, đơn thuần theo lối kể lại, trần thuật một sự việc đã xảy ra, là một sợi dây dẫn vô hình dần dần thít chặt trái tim độc giả, là một cảnh báo khủng khiếp cho sinh mệnh của loài người. Không có một sự báo thù thực thể nào của con đại bàng chồng có vợ bị người thợ săn giết chết, nó chỉ đơn giản bay lên đỉnh núi và tự sát. Cái chết lặng câm mà kiêu hãnh của đại bàng chồng, sự từ chối chia sẻ không gian sống với kẻ tàn ác, chính là sự báo thù khủng khiếp nhất của thiên nhiên đối với con người. Hình ảnh ẩn dụ trong sự báo thù mà không ra tay trực tiếp với kẻ thù - người thợ săn - của chim đại bàng là lời cảnh báo sâu sắc nhất đối với loài người - vốn tự cho mình là vua của muôn loài và tự tin đến mức cho rằng mình có thể ra tay sắp đặt tự nhiên theo ý mình – thì dường như nay đã được ứng báo, với đại dịch Covid-19 lan tràn hơn hai năm nay mà vẫn chưa có phương cách nào thực sự hiệu quả để chặn đứng hoàn toàn.

Lần lượt những truyện ngắn khác của nhà văn Roman Ivanytchouk đều có cốt truyện thật đơn giản, thậm chí có những truyện như một tản văn, không có cốt truyện rõ ràng, hoặc một cái kết nhẹ bẫng đi, khiến người đọc phải buông sách, bâng khuâng tiếp tục dòng suy tưởng theo mạch văn ấy. Những câu chuyện thực sự nhỏ nhắn, quen thuộc, như vừa xảy ra ở nhà hàng xóm, hoặc với một người quen của chúng ta, hoặc cho chính chúng ta, nhưng dưới những câu chữ của nhà văn người Ukraine này, dường như thức tỉnh người đọc trước những mất mát bào mòn khó thấy trong tình cảm, trước những viên ngọc lấp lánh của đời thường mà ta vô tình bỏ qua, khiến ta có được cái nhìn bao dung hơn, đem lại sự cứu rỗi ngọt ngào cho tâm hồn con người.

Ngay cả thói tham, sự sở hữu vô ích, sản phẩm của bản ngã cũng được tác giả Roman Ivanytchouk khéo léo đưa vào truyện “Tấm hình bị xé rách”. Cô vợ vì ghen tuông, đã xé rách tấm hình cố nhân của chồng, nhưng sau đó ân hận, đã dán lại và treo lên tường. Khi người chồng sơn mới tường, đã bỏ tấm hình xuống rồi không treo lại nữa. Cho đến sau khi người chồng bị bệnh chẳng may qua đời, người vợ đã tìm lại tấm hình từng bị chính mình xé rách ấy và treo lại vào vị trí cũ. Câu chuyện chỉ như vậy thôi nhưng ám ảnh lạ lùng, phản ánh một ma trận tâm lý khó đoán và khẳng định rằng ký ức dẫu có sao thì vẫn cứ là nền tảng vững chắc cho hạnh phúc hiện tại.

Hay như truyện “Ngôi nhà trên núi” là một bức tranh tuyệt mỹ của tình yêu giữa đất với người. Dẫu rằng sóng gió, dẫu có đau thương và biết bao cay đắng mà con người gắn với đất ấy phải gánh chịu, nhưng bật lên vẫn là cái đẹp cao cả nhất gắn quện thiên nhiên và con người với nhau. Trong chuyện này, triết lý phương Đông đậm nét về bản chất song đôi của hiện tượng trong tâm hồn một cây viết phương Tây đã có sức gợi thao thiết, khiến tôi bỗng nhớ diết da ngôi nhà trong khu vườn ở quê mình, nơi tôi từng gắn bó suốt thời thơ ấu. Nó thôi thúc chính tôi muốn đặt bút viết tác phẩm về ngôi nhà quê yêu dấu của mình. Có lẽ, sự thành công sâu sắc nhất của tác giả Roman Ivanytchouk chính là ở sức gợi sáng tạo và yêu thương nơi người đọc qua tác phẩm của ông.

Một cuốn sách quen mà lạ của Nguyễn Huy Thiệp

Một cuốn sách quen mà lạ của Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Huy Thiệp là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam đương đại, với những sáng tác truyện ngắn đặc sắc, mang hơi hướng huyền thoại, cổ tích, hoặc lịch sử. Với Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Ấn bản kỷ niệm 70 năm ngày sinh tác giả - có minh họa của 18 họa sĩ) bạn đọc sẽ được "gặp lại" một cuốn sách vừa quen vừa lạ.

Kiều Bích Hậu