Họp với con

11:42 | 13/05/2019

217 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hai con gái tôi vào thời điểm năm 2019 đều đã lớn: con gái đầu 24 tuổi và con gái thứ hai 20 tuổi. Lẽ ra, tôi đã có thể “buông tay cho con tự do” vì hai con đều đã vượt qua 18 tuổi, nhưng tôi vẫn ấp ủ hy vọng sẽ dạy được cho các con một lối sống hiệu quả.    

Một lối sống hiệu quả là ngay từ rất sớm đã phải xác định được tâm thế, mục tiêu, sứ mệnh của cuộc đời mình. Tôi ước rằng tôi được dạy về điều này lúc tôi 18 tuổi, nhưng mãi cho tới khi bước vào tuổi trung niên, tôi mới xác định được lối sống hiệu quả nhất cho riêng mình. Dù sao thì muộn còn hơn không.

Rất nhiều ông bố, bà mẹ phàn nàn với tôi rằng con cái họ bây giờ tệ quá, chúng hư hỏng, ương bướng, không nghe lời cha mẹ, chúng tiêu tiền như phá, chơi bời thâu đêm suốt sáng, học tập kém và không bao giờ trả lời được một câu hỏi rất quan trọng: “Sau này lớn lên sẽ làm nghề gì?”.

Tôi cũng đã từng phàn nàn giống thế, giơ tay bất lực than trời vì nói mãi con vẫn không nghe, tôi không thể hài lòng về con tôi.

Cho đến bây giờ, tôi hiểu rằng trẻ không nghe lời, trẻ ương bướng không hoàn toàn do chúng hư hỏng, mà do tôi và các cha mẹ khác đã không biết dạy con đúng phương pháp.

Tôi quyết định thay đổi phương pháp: tôi cần đồng hành cùng con, đồng cảm với con trước, chiếm được lòng tin của con, rồi sau đó mới dẫn dắt con đến một lối sống hiệu quả và làm chủ nó. Tôi nói với hai con gái là Kiều Mai và Phương Khanh rằng, mỗi tuần các con dành ra 30 phút họp với mẹ nhé.

Nói xong, tôi quan sát thái độ của các con thì thấy chúng hơi sững lại. Cũng phải thôi, vì mỗi lần tôi triệu tập các con họp riêng, thì chủ đề luôn là phê bình, chỉ trích một lỗi lớn nào đó mà con vừa gây ra. Vậy nên khi tôi nói muốn họp với con, con đã hình thành phản xạ e ngại, bởi chắc rằng mẹ sẽ chỉ mắng mỏ với quy kết tội lỗi suốt buổi họp mà thôi. Đó là sai lầm của tôi.

Tôi phải điều chỉnh cảm xúc của các con khi nhắc đến chuyện họp với mẹ. Tôi nói:

- Mẹ biết cả hai con đều có ước mơ lớn, nhưng chưa biết cách đạt được ước mơ của mình. Chúng ta họp là để mẹ giúp các con đạt được ước mơ ấy.

Nét mặt hai con giãn ra ngay. Tôi bèn bổ sung thêm chút “vi-ta-min” hứng khởi:

- Trong lúc họp mẹ sẽ ra vài câu đố thú vị. Ai giải đố được, sẽ nhận phần thưởng năm mươi ngàn đồng.

- Hay thế mẹ! - Con gái thứ hai reo lên, mắt sáng lấp lánh. Con rất ham được nhận quà.

- Mẹ nói nhưng có thưởng thật không? – Con gái thứ nhất lườm tôi tỏ ý nghi ngờ.

- Thật chứ! – Tôi khẳng định.

Con gái nghi ngờ tôi là đúng. Vì có một số lần tôi cũng hứa lèo với con. “Nhân nào quả nấy”, nếu chính tôi chưa tốt, nói mà không làm, thì làm sao tôi có thể đòi hỏi con tôi phải trở thành người giữ chữ tín. Con hứa chăm học nhưng vẫn dành nhiều thời gian đi chơi với bạn, chơi điện tử, chat chit, facebook… mà không học, thì một phần là sao chép từ cha mẹ.

Mỗi tuần họp với con 30 phút, tôi vừa truyền kiến thức, định hướng, vừa huấn luyện con thực hành qua những tình huống có thực mà con đối diện hàng ngày. Bài học đầu tiên tôi giảng cho con có tựa đề “TÔI LÀ AI?”. Khi tôi treo trang giấy có dòng tiêu đề đó lên tường, 2 con gái tôi đã cười ngặt nghẽo.

Con gái thứ hai của tôi một tay vừa nhào nặn thứ chất dẻo thần kỳ của nó, tay kia chỉ dòng chữ diễn giải trên “tấm bảng tự chế” của mẹ:

- 27% số người trên thế giới không biết mình là ai kìa!

Con gái lớn cười rơi răng, đưa iPhone lên ghi hình mẹ nó lần đầu tiên đứng giảng trước lớp với hai trò con đang không thể tập trung nổi trước nội dung:

- 65% số người còn lại luôn đi theo người khác, theo trào lưu xã hội, thấy hay, thấy vui thì theo. 5% số người tài, có thể tự dùng tài năng của mình phục vụ mình và xã hội. 2,7% số người ít ỏi nắm quyền lãnh đạo thế giới. 0,3% số người xuất chúng hiếm có, sáng tạo ra những công trình khoa học, nghệ thuật làm thay đổi thế giới.

Tôi kiên nhẫn đợi hai con qua được cơn cười rồi hỏi:

- Con muốn mình rơi vào nhóm người nào trong 5 nhóm người kể trên?

Con gái thứ hai trả lời trước:

- Nhóm thứ ba: nhóm 5% người tài đó mẹ.

Con gái lớn do dự mãi mới trả lời:

- Con chưa biết, con phải xem đã.

Qua công cụ HỎI-ĐÁP này, tôi thực sự hiểu rõ hơn tính cách cũng như đường đời của con sau này. Điều mà hai chục năm qua tôi có để ý nhưng không thể xác định rõ.

Tôi tiếp tục hỏi:

- Con có biết mình là ai không?

- Con là con của mẹ! – Con gái thứ nhất đáp, kèm theo nụ cười.

- Còn con? – Tôi hỏi con thứ hai.

- Thì con đã trả lời mẹ rồi đó. Con là người giỏi! – Con thứ hai nói trong khi tay vẫn không ngưng nhào nặn thứ chất dẻo thần kỳ, hết kéo căng nó ra bịt lên mắt rồi lại thu gọn nó lại trong lòng bàn tay. Ánh mắt con lấp lánh rực sáng, vừa tinh nghịch, vừa ranh ma.

Tôi chia sẻ: Mẹ từng hỏi một số người lớn câu hỏi tương tự, thì người đáp rằng tôi là An, là bác sỹ, là giám đốc, là tỷ phú… Nhưng các câu trả lời đó chưa chính xác, chỉ nói lên cái tên, nghề nghiệp vị trí công việc, hay số tiền họ có mà thôi.

- Vậy thì phải là gì mới chính xác hả mẹ? – Hai con gái tò mò hỏi, có vẻ tập trung hơn và không cười cợt nữa.

- Tôi là SUY NGHĨ, là THÓI QUEN của chính tôi. – Tôi đáp và giải thích thêm: Bộ não của ta giữ vai trò điều khiển, thân thể là công cụ của bộ não. Bằng suy nghĩ, não bộ điều khiển thân thể hành động. Hành động như thế nào thì mới tạo ra kết quả như thế ấy. Hành động liên tục qua một thời gian đủ dài, sẽ tạo nên thói quen, vì não bộ đã hình thành 1 liên kết thần kinh mới. Thói quen tạo nên số phận con người. Khi các con có thói quen làm việc gì, từ lớn đến nhỏ đều làm xuất sắc, thì các con sẽ là người tài, sống cuộc đời thành công, và ngược lại.

Sau buổi họp với con suốt 1 tuần sau đó, thỉnh thoảng tôi hỏi con những câu: Nói xem Tôi là ai? Điều gì làm nên số phận một con người?

Họp với con mỗi tuần, tôi vừa có thể trang bị kiến thức cho con, huấn luyện con thực hành qua các tình huống nhỏ xảy ra hàng ngày, và dẫn dắt con đến một lối sống hiệu quả.

Kiều Bích Hậu

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.