Luật liên quan đến môi trường đầu tư vẫn “ông chẳng, bà chuộc”!

11:10 | 27/07/2016

395 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Luật Nhà ở không thống nhất với Luật Đất đai. Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư đi một đằng, luật chuyên ngành đi một nẻo…” – Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Kỳ họp thứ I, Quốc hội khóa XIV ngày 26/7.
luat lien quan den moi truong dau tu van ong chang ba chuoc
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Theo ông Lộc, thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh mà điển hình là Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, tạo cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã được hiến định. Môi trường kinh doanh đã trở nên minh bạch, thuận lợi và bình đẳng hơn.

Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh thời gian qua cũng cho thấy có quá nhiều bất cập cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không đáp ứng yêu cầu hội nhập. Nhiều quy định của các Luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh đang trong tình trạng “ông chẳng, bà chuộc” về cách thức tiếp cận, chồng chéo về nội dung, thiếu tính đồng bộ và nhất quán, không tương thích, thiếu liên thông.

Và những bất cập này đang là rào cản đối với các nỗ lực vươn tới mục tiêu đưa nền kinh tế nước ta đứng vào nhóm 3 nước đứng đầu về môi trường kinh doanh trong các nước ASEAN, thúc đẩy khởi nghiệp hướng tới mục tiêu đất nước có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020.

“Luật Nhà ở không thống nhất với Luật Đất đai. Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư đi một đằng, luật chuyên ngành đi một nẻo. Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp được thiết kế theo phương án chọn bỏ, trong khi Luật chuyên ngành lại làm theo cách chọn cho. Luật doanh nghiệp và luật đầu tư bảo hậu kiểm nhưng luật chuyên ngành vẫn thiên về tiền kiểm. Luật đầu tư quy định bộ ngành không được ban hành điều kiện kinh doanh, trong khi luật chuyên ngành lại vẫn giao bộ ngành đẻ ra giấy phép. Luật Doanh nghiệp nói: doanh nghiệp không cần con dấu, luật chuyên ngành lại vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đóng dấu vào tài liệu, giấy tờ gửi cho cơ quan Nhà nước…” ông Lộc đưa dẫn chứng.

Cũng theo ông Lộc, một thực tế đáng lo ngại khác là qua xem xét bước đầu, VCCI thấy ít nhất có 50 luật và khoảng 150 điều khoản trong các luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư, kinh doanh cần được xem xét sửa đổi, đặc biệt là các thủ tục về đầu tư, đất đai, quy hoạch, môi trường, xây dựng… Đây thực sự đang là những nút thắt cần phải tháo gỡ sớm để tạo thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Và mới xem xét trong phạm vi của 12 luật đang có ảnh hưởng lớn đến kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ cũng đã thống nhất phải sửa đổi tới 58 điều quy định để bảo đảm sự minh bạch, tính đồng bộ, tính thống nhất, liên thông, hợp lý của hệ thống pháp luật, tránh tình trạng “Ông nói gà, Bà nói vịt”, luật “chồng” lên luật, bộ “lấn” địa phương, Chính phủ “làm thay” doanh nghiệp…

“Thú thực, so với ASEAN và quốc tế thì một số quy định của pháp luật ở ta chẳng giống ai. Môi trường kinh doanh vẫn còn chằng chịt những ràng buộc vô lý, chi phi kinh doanh cao (cả chi phí chính thức và phi chính thức), buộc nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để khai sinh…” – ông Lộc nói.

Một dẫn chứng khác, chỉ riêng danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được quy định tại Luật Đầu tư năm 2014, cộng đồng kinh doanh đã kiến nghị và các cơ quan chức năng đã thống nhất phải bãi bỏ ít nhất 70 ngành nghề và 10 ngành nghề khác phải được điều chỉnh cho phù hợp. Đây đều là những ngành nghề kinh doanh không thực sự cần thiết vì không hội đủ các điều kiện theo quy định của Hiến pháp, không rõ mục tiêu quản lý và thiếu tính khả thi, nhưng Chính phủ vẫn cứ phải thể chế hóa bằng các nghị định chỉ bởi vì đã được ghi trong luật. Và trong không ít trường hợp, người dân, doanh nghiệp và thậm chí cả cơ quan quản lý không biết đường nào mà lần: “quả trứng có trước hay con gà có trước”... vì các luật khác nhau lại quy định khác nhau.

Với những bất cập trên, ông Lộc cho rằng cần phải rà xét, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến doanh nghiệp và môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp bách của thực tiễn và cũng là yêu cầu nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về tự do hóa thương mại và đầu tư theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA… đã được ký kết và sẽ thực hiện trong thời gian tới.

“Tôi đề nghị, để không chậm chân, đạo luật một luật sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh nên được đưa ra xem xét và thông qua ngay tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV của chúng ta vào tháng 10, tháng 11 sắp tới” – ông Lộc nhấn mạnh.

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng đề nghị tại mỗi kỳ họp Quốc hội “nên có “xếp lốt” cho việc ban hành một đạo luật. Như vậy, nếu phát hiện môi trường kinh doanh “có vấn đề” và các điều bất hợp lý, cần sửa đổi đã bộc lộ rõ, nếu chỉ sửa đổi một, hai điều cần thiết thôi thì cũng nên làm để có thể giải tỏa ngay được những ách tắc trong môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp… bởi quá trình sửa đổi pháp luật về doanh nghiệp và kinh doanh là một quá trình liên tục.

“Chúng ta rất cần có tư duy mới, linh hoạt trong chương trình xây dựng pháp luật và quy trình làm luật vì chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập với tốc độ chóng mặt. Chỉ cần chậm lại một kỳ họp Quốc hội, tức là chậm thêm 6 tháng, chúng ta có thể mất đi cơ hội và niềm tin của người dân, cản trở tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo việc làm cho con em chúng ta tới nửa năm kế hoạch. Đấy thực sự là một sự lãng phí lớn trong đó có cả trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội” - ông Lộc nhấn mạnh.

Hải Anh