Luật Du lịch 2017 làm khó hướng dẫn viên?

10:41 | 11/12/2017

2,830 lượt xem
|
Luật Du lịch 2017 sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi, giúp công tác quản lý Nhà nước về du lịch được hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch. Thế nhưng rất nhiều hướng dẫn viên (HDV) và các công ty du lịch lo lắng luật mới sẽ khiến hàng nghìn HDV mất việc. 

Hướng dẫn viên lo thất nghiệp

Nhiều HDV chung một quan điểm: “Du lịch trong nước thường theo mùa cao điểm từ tháng 2 đến tháng 9, những tháng còn lại hầu như không có việc. Vậy nên rất khó ký hợp đồng lao động có thời hạn cố định với một công ty du lịch”. Cũng chính vì quy định phải ký hợp đồng với một công ty du lịch nên nhiều sinh viên đang theo học ngành du lịch không có cơ hội nhận việc khi mọi công ty đều yêu cầu xét tuyển người có kinh nghiệm và đủ kỹ năng HDV. Trong khi đó, nếu không có thời gian tập sự thì các sinh viên sẽ không thể tích luỹ kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng được.

luat du lich 2017 lam kho huong dan vien
Hầu hết các HDV lành nghề đều muốn được chủ động sắp xếp tour theo ý mình

Ông Hoàng Công Cường - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch quốc tế Grouptour chia sẻ: “Nên nhìn ở cả hai mặt. Việc “siết” các điều kiện hành nghề đối với HDV tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành có nguồn hướng dẫn viên chất lượng, kỹ năng tốt. Tuy nhiên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể gặp khó khăn bởi không nhiều HDV ký hợp đồng vì công việc, lịch tour không đều”.

Bà Trần Hải - Phụ trách Phòng Kinh doanh và Quan hệ công chúng, Công ty Du lịch Bốn Mùa cũng nhận định: “Theo luật mới, không còn đội ngũ HDV tự do sẽ gây khó khăn cho cả HDV và công ty du lịch. Bởi du lịch thường tập trung mùa vụ, mùa hè là mùa cao điểm thì một công ty có thể sử dụng hàng trăm HDV, nhưng đến mùa thấp điểm thì chỉ cần một vài chục HDV.Chính vì vậy, các công ty du lịch không thể ký hợp đồng quanh năm với nhiều HDV du lịch được”.

Đối với quy định phải có thẻ hội viên Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, với mức phí đề nghị làm thẻ hội viên là 500.000-1 triệu đồng, nhiều ý kiến cho là chưa hợp lý. Nhiều người thắc mắc: “Tôi không rõ hội sẽ bảo vệ HDV ở cấp độ gì, hội hoạt động hiệu quả ra sao?”...

Cộng đồng trách nhiệm

Nhiều HDV lo rằng sẽ chịu cảnh “một cổ nhiều tròng” khi đã chịu sự quản lý của Tổng cục Du lịch, giờ lại thêm hội nghề nghiệp, doanh nghiệp lữ hành hoặc công ty du lịch. Bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết: “Trước nay, Tổng cục Du lịch quản lý HDV thì bị phàn nàn là chỉ quản lý đầu vào, nghĩa là quản lý hồ sơ xin cấp thẻ HDV theo quy định của pháp luật mà không quản lý hoạt động của HDV”.

luat du lich 2017 lam kho huong dan vien
Luật mới sẽ góp phần giữ uy tín chung cho ngành du lịch nước nhà

Bà Phạm Lê Thảo thẳng thắn phân tích: “Theo điều tra sơ bộ, phần lớn HDV du lịch hiện giờ đang hoạt động độc lập một cách hoàn toàn: nhận chương trình tour của một công ty, đi tour và nhận thù lao. Thế nhưng, những HDV này không có cơ sở nào để đóng bảo hiểm xã hội. Mặt khác, có trường hợp HDV bị du khách gạ gẫm nhưng không dám bỏ tour vì sợ doanh nghiệp lữ hành phạt không thanh toán, bị khách say xỉn đánh đập”. Trong khi đó, doanh nghiệp thì đau đầu vì HDV tự hoạt động, mượn danh doanh nghiệp đứng ra đón khách. Nếu như tour đó suôn sẻ, doanh nghiệp chỉ thiệt một ít tiền, HDV thu được tiền, không phải trả cho doanh nghiệp và trốn thuế. Nhưng nếu không suôn sẻ ai sẽ đền bù hậu quả cho khách, doanh nghiệp bị mang tiếng xấu mà HDV thì mất hút luôn? Vậy việc doanh nghiệp sử dụng HDV có đủ điều kiện hành nghề sẽ khiến cả HDV và doanh nghiệp có trách nhiệm với nhau và có trách nhiệm với ngành du lịch nước nhà.

Bà Thảo hướng dẫn: HDV cần đọc và nắm Luật Du lịch 2017, khi dẫn khách, HDV cần mang thẻ HDV du lịch và hai loại hợp đồng. Nếu đã là HDV cơ hữu của một công ty lữ hành, chỉ cần có thêm văn bản giao việc của doanh nghiệp. Văn bản đó gọi là phiếu điều tour, nội dung gồm tour đi đâu, ngày giờ, số lượng thành viên trong đoàn, giao cho HDV tên gì. Còn một loại hợp đồng khác là hợp đồng cộng tác viên, HDV ký hợp đồng cộng tác viên với doanh nghiệp có thể được trả lương cũng có thể không, đó là thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động. Nếu có việc, doanh nghiệp mời HDV có hợp đồng cộng tác viên, có thêm phiếu điều tour là đảm bảo điều kiện HDV hành nghề. Nếu doanh nghiệp cần thì có thể mời HDV bên ngoài ký hợp đồng vụ, việc. Loại hợp đồng này được coi là nhóm hợp đồng thứ 2. Trước đây HDV chỉ cần hợp đồng là đủ, thì nay HDV còn phải là người cố định của một đơn vị.

Thật ra, ai cũng hiểu đưa ra luật để thắt chặt quản lý ngành du lịch nói chung và quản lý HDV nói riêng là điều cần thiết. Hầu hết các doanh nghiệp lữ hành đều thấy rõ các lợi ích mà luật mới mang lại. Cái lợi đầu tiên là họ sẽ nắm rõ thông tin về HDV để dễ lựa chọn HDV phù hợp với tính chất của đoàn khách, phục vụ đoàn chu đáo, đảm bảo chất lượng tour. Nhưng tâm lý chung của cả doanh nghiệp lẫn HDV đều e dè khi phải đứng trước các quy định quản lý, họ muốn tránh tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi dịch vụ lữ hành trong nước còn gặp nhiều khó khăn chứ không chỉ có những bất cập về mặt quản lý.

Bà Phạm Lê Thảo, Phó vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch - Bộ VH-TT&DL: “Quy định không ép các HDV phải vào chính thức doanh nghiệp nào mà được quyền lựa chọn có hợp đồng với công ty lữ hành hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch. Không nhất thiết HDV phải vào Hội hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam, họ có thể lựa chọn một Hội khác với đủ các tiêu chí đã quy định, hoặc tự thành lập Hội theo quy định của pháp luật”.

Ngân Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc